Đầu tư thép: Nghịch lý thừa và thiếu

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Đầu tư thép: Nghịch lý thừa và thiếu

  • 18/08/2020
  • 118
Khi đưa nhà máy Pomina 3 vào hoạt động tại khu công nghiệp Phú Mỹ hồi tuần trước, ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty cổ phần Pomina, cho biết việc đầu tư đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Dù hiện tại khó khăn nhưng ông dự kiến nền kinh tế sẽ trở lại bình thường sau ba năm, để theo kịp chu kỳ tăng trưởng mới, việc nâng công suất lên hai triệu tấn là quy mô cần thiết để đạt năng lực của một doanh nghiệp công nghiệp nặng, tận dụng được chuỗi cung ứng và cân bằng tài chính để giảm rủi ro. Giá thiết bị công nghệ đầu tư trong thời điểm này cũng có lợi hơn 30%.

Đầu tư thép: Nghịch lý thừa và thiếu | ảnh 1
Thị trường thép đang ế ẩm. Ảnh: Thanh Hảo

Giảm giá thành để cạnh tranh

Pomina 3 được đầu tư 300 triệu USD để trang bị hệ thống sản xuất hiện đại của Tenova (Ý) và SMS – Concast (Đức – Thuỵ Sĩ), là công nghệ hàng đầu trong ngành thép thế giới hiện nay, có mức tiêu hao điện bình quân 350kW/tấn, trong khi mức trung bình của ngành thép Việt Nam hiện khoảng 600kW, và của ngành thép Trung Quốc khoảng 450kW. Ước tính Pomina 3 tiết kiệm được 70 triệu kW điện mỗi năm. Về kỹ thuật, công nghệ mới không gây xung điện và khói bụi mịt mù, giảm ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất hiện nay. Nguồn nhiệt trong lò toả ra được tái sử dụng cho sấy liệu và hạn chế thoát ra bên ngoài. Với công suất 1 triệu tấn/năm, Pomina 3 trở thành nhà máy luyện phôi thép có công suất lớn nhất ASEAN hiện nay, nâng tổng công suất tại ba nhà máy Pomina lên 2 triệu tấn/năm.

Công ty thép Vinakyoei – liên doanh giữa tổng công ty thép Việt Nam và ba công ty Nhật gồm Kyoei Seiko, Mitsui và Marubeni Itochu cũng mới khởi công nhà máy thứ hai tại KCN Phú Mỹ 1, dự kiến hoạt động giữa năm 2014. Vinakyoei đầu tư 220 triệu USD cho lò luyện phôi thép và một nhà máy cán thép có cùng công suất 500.000 tấn/năm, sẽ nâng tổng công suất cán thép của Vinakyoei lên gần 1 triệu tấn/năm.

Nippon Steel (NPV) cũng vận hành nhà máy chuyên sản xuất ống thép và cọc ống ván thép có công nghệ hiện đại với tiêu chuẩn hàng đầu về sản xuất và môi trường. Ống thép NPV sản xuất có đường kính đến 3m, là sản phẩm chưa được đầu tư tại Việt Nam. Ông Kenichi Kanezaki, tổng giám đốc NPV, cho biết nhắm đến các sản phẩm chịu lực cung ứng cho các công trình hạ tầng như cầu đường, cầu cảng đang phát triển mạnh tại Việt Nam.

Ông Thái phân tích, những nhà máy ứng dụng công nghệ Trung Quốc hiện có giá thành bằng 1/3 công nghệ châu Âu, nhưng công nghệ châu Âu có mức tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, chất lượng ổn định. Mức giảm năng lượng sẽ có lợi cho giá thành để bù vào vốn đầu tư. Việc đầu tư còn tính đến kế hoạch dài hạn bởi Trung Quốc chiếm đến 1/3 sản lượng thép thế giới với công suất 460 triệu tấn, lại áp dụng chính sách đặc biệt với ngành thép: chỉ cho phép nước ngoài đầu tư tối đa 30% vào các công ty trong nước để giữ thương hiệu. Chính vì thế ngày nay họ có nhiều công ty nổi tiếng, giữ được miếng bánh nội địa và vươn mạnh ra nước ngoài. “Doanh nghiệp thép chúng tôi lo ngại đến năm 2015, với chính sách ASEAN+1 thì hàng Trung Quốc vào Việt Nam càng thuận lợi. Việc đầu tư này là nhìn vào thép Trung Quốc như là đối thủ chính để mình còn tồn tại sau năm 2015”, ông Thái nói.

Cần sự sàng lọc

Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các nhà máy công suất lớn hoạt động chắc chắn là thách thức cho cả ngành. Năng lực sản xuất toàn ngành thép Việt Nam hiện đạt 10 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thị trường chưa đến 5 triệu. Tuy nhiên nền kinh tế khó khăn chỉ là tạm thời, các doanh nghiệp đầu tư cho tầm nhìn dài hạn và thường một nhà máy hoạt động là kết quả chuẩn bị của 3 – 5 năm trước. “Về dài hạn, ngành thép vẫn cần phải đầu tư cho những dự án có tính hiệu quả cao”.

Ông Cường tính toán, mức tiêu thụ điện trung bình của toàn ngành thép hiện khoảng 600 – 700kW/tấn, gần đây đã có những nhà máy công nghệ mới đạt dưới 400kW/tấn là tín hiệu tốt cho toàn ngành. “Việc ứng dụng công nghệ mới giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh, sẽ áp lực lên các nhà máy cũ buộc họ phải đầu tư thêm, cơ cấu lại sản xuất, doanh nghiệp yếu phải bán lại cho nhà đầu tư có năng lực tốt hơn”, ông Cường phân tích.

Hiện nay, khoảng 30% doanh nghiệp thép đang sử dụng công nghệ lạc hậu, 40% có công nghệ mức trung bình, số ít doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ tiên tiến. Tình trạng khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn bởi áp lực sàng lọc của thị trường. Khó khăn lớn nhất là từ các nhà máy công nghệ cũ, sản lượng thấp dẫn đến giá thành thiếu cạnh tranh. Đó cũng là hệ quả của chính sách quy hoạch kém tại các địa phương trong nhiều năm nảy sinh tình trạng xây nhà máy bất chấp công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu và thiếu các đo lường về nhu cầu thị trường.

Ông Cường cũng cho biết, theo ghi nhận của VSA, chưa có doanh nghiệp thép nào công bố phá sản, nhưng trong 72 doanh nghiệp thép, có khoảng 5 doanh nghiệp từ sáu tháng, thậm chí cả năm nay đã không sản xuất được, có doanh nghiệp đã bán nhà máy cho đối tác; khoảng 10 doanh nghiệp khác đang khó khăn. Hơn 50 doanh nghiệp khác có giảm công suất, mức tiêu thụ chậm, doanh thu giảm nhưng vẫn cầm cự được hoặc làm ăn có lãi, một số còn tăng được lượng xuất khẩu để giảm áp lực khó khăn từ thị trường trong nước.

(Theo SGTT)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo