Bộ tư pháp: Việc ký kết hợp đồng “bán lúa non” là hành vi bị cấm

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Bộ tư pháp: Việc ký kết hợp đồng “bán lúa non” là hành vi bị cấm

  • 11/11/2020
  • 110
Trái với báo cáo của Tổng công ty Thành An gửi cấp trên cho rằng vụ ký kết hai hợp đồng hợp tác kinh doanh “bán lúa non” đã đúng trình tự pháp lý, ngày 26 tháng 10 năm 2010, Trung tâm thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) đã có công văn số 90/TTTV-PCDN về việc hỗ trợ một số vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp.

Công văn nêu rõ: “Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, hai khu đất mà Tổng công ty Thành An đưa vào góp vốn theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh số 09/2009/HTKD ngày 1-6-2009 với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 41 để công ty này tiến hành xây dựng dự án Chung cư Nhân Chính và Hợp đồng hợp tác kinh doanh không số ngày 18/11/2009 với Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình để thực hiện dự án “Thành An Tower” là đất thuộc loại đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Binh đoàn 11 (Tổng công ty Thành An) từ năm 1997 để xây dựng Trung tâm khoa học thử nghiệm công nghệ vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng.

Điều 11, Luật Đất đai năm 2003 quy định các nguyên tắc sử dụng đất, trong đó có nguyên tắc “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”. Đồng thời, điều 15 của Luật này cũng có quy định, theo đó, việc sử dụng đất không đúng mục đích là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyên và phải theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 36 Luật Đất đai.

Căn cứ vào các quy định này, thì việc chuyển mục đích sử dụng đất của khu đất nêu trên nhằm giải quyết nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ quân đội có khó khăn về nhà ở theo đề nghị của Tổng công ty Thành An chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở quyết định chính thức của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, trong khi chưa có quyết định chính thức của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà Tổng công ty Thành An đã ký kết các hợp đồng nêu trên là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

Ngoài ra, việc Tổng công ty Thành An ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu trên, trong đó, có nội dung góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với khu đất trong khi vẫn là đất quốc phòng còn vi phạm quy định tại điều 109 của Luật Đất đai năm 2003. Cụ thể, theo quy định tại điều này thì tổ chức sử dụng đất quốc phòng, an ninh (đất thuộc diện được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó giám đốc Trung tâm thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Bộ Tư pháp) khẳng định: “Theo quy định tại Điều 122 và điều 123 Bộ Luật dân sự năm 2005 thì hợp đồng có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật sẽ không có giá trị pháp lý. Vì vậy, Trung tâm cho rằng, khả năng các hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu trên sẽ bị tuyên bố vô hiệu là có cơ sở pháp lý”.

Cần thẩm định lại giá trị pháp lý của hai hợp đồng

Trước đó, ý kiến thẩm định nội dung trên đã được thông qua Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, lãnh đạo Vụ pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ một số lãnh đạo Tổng công ty Thành An thì: Việc ký kết hai hợp đồng hợp tác kinh doanh là đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Một số đối tác của Tổng Công ty Thành An vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào tính khả thi của dự án tổ hợp tại Ngụy Như - Kon Tum, Trung Hòa - Nhân Chính. Có thể chính đơn vị này và các cổ đông cũng chưa biết việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh xây dựng dự án chung cư Nhân Chính vi phạm tới 4 điều khoản của Luật Đất đai là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Trao đổi với phóng viên Tamnhin.net, theo quan điểm của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế  - Bộ Tư pháp: Việc cho rằng việc ký hai hợp đồng “bán lúa non” đúng pháp luật chỉ là sự bao biện, bao che vô lý. Bởi lẽ, đến ngày 31-12-2009, UBND Thành phố Hà Nội mới chính thức có Quyết định số 6922/QĐ-UBND về việc “Cho phép Tổng Công ty Thành An chuyển đổi mục đích sử dụng 8.334m2 đất quốc phòng sang xây dựng dân dụng; đồng thời thu hồi 806m2 tại phường Nhân Chính Thanh Xuân giao cho Tổng Công ty Thành An để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê”.

Các văn bản trước đó của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Hà Nội chỉ đồng ý về chủ trương, nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa phải là quyết định có giá trị pháp lý. Vì vậy, việc ký kết 2 hợp đồng được thực hiện từ 1-6-2009 và 18-11-2009, khi 2 lô đất vẫn đang là đất quốc phòng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, hợp đồng đương nhiên bị coi là vô hiệu.

Để có cơ sở làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc, một số chuyên gia tư pháp kiến nghị: Chính phủ cần giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, thẩm định cơ sở pháp lý của hai hợp đồng dự án “bán lúa non” đang gây bức xúc dư luận hiện nay.

(Theo Tamnhin)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo