Cấp một giấy nhà đất mới: Rối từ cách làm tới cách hiểu

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Cấp một giấy nhà đất mới: Rối từ cách làm tới cách hiểu

  • 10/11/2020
  • 102
Ông Phan Văn Hồi có mảnh đất hơn 1.000 m² tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Mảnh đất này đã được cấp giấy đỏ vào năm 1997. Tháng 8-2010, ông Hồi muốn bán lại toàn bộ diện tích đất trên, tuy nhiên do giấy đỏ cũ nên ông được hướng dẫn phải đi đo vẽ lại.

Muôn sự tại cái bản đồ

Cầm bản vẽ mới trên tay, gia đình ông Hồi tá hỏa bởi không hiểu vì sao diện tích đất bị sụt giảm hơn 400 m2 so với giấy đỏ cũ, mặc dù lâu nay ông đã cho cắm mốc, làm hàng rào cẩn thận nên không có chuyện bị lấn chiếm hay đất bị trôi ra sông.

Nghĩ là công ty đo vẽ bị nhầm, ông Hồi đến nhờ đo lại lần nữa. Tuy nhiên, công ty đo vẽ khẳng định họ đã đo rất cẩn thận và có đo lại 10 lần đi nữa thì kết quả vẫn không thay đổi. Công ty cho biết lý do đất nhà ông bỗng nhiên bị mất đi mấy trăm mét vuông là do “Bản đồ cũ làm căn cứ để cấp giấy cho ông Hồi (bản đồ 299, vẽ bằng không ảnh là chủ yếu - PV) rất thiếu chính xác, nhất là các huyện ngoại thành có nhiều đất trống nên ranh và diện tích rất dễ bị sai lệch so với thực tế. Nay theo bản đồ địa chính được vẽ bằng phương pháp kỹ thuật số, đo từng tọa độ nên có độ chính xác cao”. Đơn vị đo vẽ cho biết thêm, trường hợp ông Hồi không phải là duy nhất. Nơi này đã gặp nhiều trường hợp còn “cay đắng” hơn khi mất cả 700-800 m2 với lý do tương tự.

Cấp một giấy nhà đất mới: Rối từ cách làm tới cách hiểu | ảnh 1
Người dân thường phải tốn nhiều thời gian và công sức khi đụng tới thủ tục nhà đất. Ảnh: HTD

Khổ sở không kém là nhiều người dân ở khu Bình Quới-Thanh Đa phường 28, quận Bình Thạnh. Bà PTN mua một mảnh đất tại đây bằng giấy tay từ năm 1992, có kê khai nhà đất năm 1999 nhưng bà không sinh sống ở đó. Nay làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà N. nhận được công văn của quận thông báo là theo bản đồ địa chính năm 2002 thì mảnh đất này là do bà chủ cũ và một người hàng xóm đứng tên. Do đó, quận đề nghị phường đi xác minh.

Phường cho biết: chỉ có cách chủ cũ và hàng xóm cam kết không tranh chấp với bà N. thì mới chứng minh được đất là của bà. “Phường giải thích rằng trong lúc đi thực tế lập bản đồ có lẽ do không có tôi ở đó nên đơn vị đi lập bản đồ hỏi những người ở đó “đất này của ai” rồi ghi vào” - bà kể. Bà N. phải chạy đôn chạy đáo để cùng với phường giải quyết chuyện trên. Cũng tại UBND phường 28, chúng tôi nhìn thấy một người dân cũng bị lâm vào tình trạng tương tự đang ngồi hí hoáy viết đơn cam kết đất trên là của mình. Tuy nhiên, chưa chắc đơn này đã được chấp thuận bởi yêu cầu vẫn là đương sự phải chứng minh nội dung.

Mua bán bằng giấy tay: Mỗi nơi hiểu một cách

Ông NTA ngụ phường 4, quận 8 có mua mảnh đất bằng giấy tay vào năm 2005. Trên mảnh đất này đã có sẵn căn nhà xây từ đầu năm 2004. Gần đây, ông A. mang giấy tờ đến quận 8 hỏi thủ tục xin hợp thức hóa căn nhà trên. Quận 8 cho biết không giải quyết cấp giấy cho ông được vì “Luật Đất đai quy định sau ngày 1-7-2004 thì không được mua bán đất bằng giấy tay”. Được biết, một số quận khác như Bình Thạnh, quận 8… cũng cùng quan điểm này.

Điểm h Điều 8 Nghị định 88/2009 ghi rõ trường hợp “nhà không có giấy tờ hợp lệ nhưng được phường, xã xác nhận xây dựng trước ngày 1-7-2006, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch thì cũng được xét cấp giấy”. Như vậy, từ chối cấp giấy cho người mua nhà giấy tay sau ngày 1-7-2004 thì có đúng với Nghị định 88 hay không? “Điều này chỉ áp dụng để cấp giấy cho căn nhà thôi. Còn đất thì phải bị chi phối bởi Luật Đất đai” - một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Bình Thạnh giải thích.

Cũng chưa xét cấp cho các trường hợp tương tự như trên nhưng ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng TN&MT quận Gò Vấp, giải thích khác. Theo ông, Điều 8 Nghị định 88 áp dụng cho trường hợp xây dựng nhà ở không phép trước ngày 1-7-2006 nếu phù hợp quy hoạch nhưng không áp dụng cho diện mua bán nhà đất bằng giấy tay. “Mua bán nhà mà có đất thì bị chi phối bằng Luật Đất đai, nghĩa là mua bán nhà đất sau ngày 1-7-2004 thì nhà đất đó phải có giấy chứng nhận, phải qua thủ tục công chứng. Trường hợp mua bán giấy tay thì người mua sẽ không được cấp giấy” - ông cho hay.

Trong khi đó, quận Tân Phú cho biết nơi này vẫn xét cấp giấy với điều kiện căn nhà đó được xây từ trước 1-7-2004. Ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng phòng TN&MT quận Tân Phú cho biết: "Nhà đương nhiên gắn liền với đất, không thể tách biệt và dùng hai luật khác nhau để cùng xét. Chỉ khi đó là đất trống thì mới áp dụng theo Luật Đất đai, không giải quyết cấp giấy cho trường hợp mua bán đất trống bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004".

Đang chờ ý kiến Bộ TN&MT

Về mốc thời gian mà nhà đất mua bán giấy tay được cấp giấy là trước 1-7-2004 (theo Luật Đất đai) hay trước 1-7-2006 (theo Luật Nhà ở), tôi đã nghe nhiều nơi phản ảnh.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phải theo Luật Đất đai thì mới đúng vì Luật Nhà ở chỉ giải quyết cấp giấy cho nhà. Với những trường hợp mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 thì chỉ có cách giải quyết là bên mua “trả” lại cho bên bán (chủ cũ), người này được cấp giấy xong thì ký hợp đồng qua công chứng để bán cho người mua.

Để có thống nhất cho các quận, huyện, Sở TN&MT đã báo cáo Bộ TN&MT để xin ý kiến chỉ đạo. Không chỉ chuyện này, còn nhiều vấn đề khác mà các luật về nhà đất, đầu tư cũng đang có những quy định chênh nhau mà Sở đang tập hợp để báo cáo.

Ông NGUYỄN VĂN HỒNG,Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

(Theo PLTPHCM)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo