Chống tham nhũng trong đất đai: Cần có cơ quan định giá độc lập

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Chống tham nhũng trong đất đai: Cần có cơ quan định giá độc lập

  • 11/11/2020
  • 90

Ông Đặng Hùng Võ. Ảnh: K.Hưng

Theo ông, đó là cách giảm độc quyền hành chính, giảm sự độc đoán của người có quyền quyết định. Ngay cả các khâu quy hoạch, thẩm định cũng phải được xác định là kênh độc lập, đưa ra các đánh giá chuyên môn; cơ quan hành chính chỉ có nhiệm vụ quyết định giá, quy hoạch dựa trên ý kiến thẩm định khách quan.

* Thưa ông, ông nhận định hình thức tham nhũng đất đai hiện nay như thế nào?

- Ông Đặng Hùng Võ: Các hình thức, nguy cơ tham nhũng về đất đai biến động theo quá trình phát triển. Thời điểm năm năm trước, tham nhũng là hiện tượng thu hồi đất rộng hơn diện tích đất được giao, phần đất rộng hơn được sử dụng vào mục đích riêng của quan chức; hoặc tình trạng xã đứng ra bán đất không đúng pháp luật và một phần đưa vào ngân sách, một phần chia chác riêng. Nhưng đến nay những hình thức tham nhũng ấy không còn nữa hoặc nếu có thì chỉ ở những nơi thực thi pháp luật chưa tốt.

Hiện nay, tham nhũng trong đất đai tồn tại phổ biến ở hai hình thức. Ở cấp xã phường, nơi người dân làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản trên đất. Người dân luôn gặp khó khăn trong quá trình cơ quan công quyền làm thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ và phải cần có quà biếu, có người thân quen tác động hoặc phần lớn đều phải thông qua “cò” giấy tờ để đẩy tiến độ. Tham nhũng dạng này phổ biến nhưng giá trị tham nhũng không cao.

Hình thức thứ hai là tham nhũng liên quan đến quá trình thu hồi đất, giao đất, thực hiện bồi thường tái định cư. Đây là một quy trình liên hoàn từ khâu nhà đầu tư xuất trình dự án hoặc quy hoạch được phê duyệt đến giao cho nhà đầu tư. Cách tiếp cận đất đai hiện nay có nhiều phương thức như thu hồi đất theo quy hoạch hoặc thu hồi đất theo dự án hoặc thỏa thuận trực tiếp giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất.

Tuy nhiên, hầu hết các nơi đều sử dụng một hình thức nhà đầu tư trình dự án, thu hồi đất theo dự án, sau đó giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư. Ở đây, UBND cấp tỉnh quyết định giá đất từ việc nhà đầu tư phải trả tiền thuê, sử dụng đất đến bồi thường cho người bị thu hồi đất.

Đây là quá trình có nguy cơ tham nhũng phát sinh lớn vì toàn bộ các quá trình thuộc quyết định của một cơ quan hành chính và chính cơ quan này lại quyết định về giá đất nên giá thấp hay cao liên quan đến việc phân chia Nhà nước được bao nhiêu, nhà đầu tư, người bị thu hồi đất được hưởng bao nhiêu. Khi đã liên quan đến giá trị thì khả năng phát sinh tham nhũng lớn nhất là khi cơ quan hành chính là người quyết định trực tiếp về giá đất.

* Có việc cán bộ công chức nhận quà biếu để giúp các doanh nghiệp trong quá trình giao đất, thuê đất. Theo ông, có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp khi làm ăn dính đến đất đai phải điếu đóm?

- Về nội dung này, trước đây nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra tỉ lệ doanh nghiệp phải đưa quà biếu khoảng 40%. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có hiện tượng cán bộ làm trong lĩnh vực đất đai có thu nhập cao hơn, điều kiện sống tốt hơn một số cán bộ ở các lĩnh vực khác. Họ có biện minh là thu nhập cao do tham gia dự án.

Theo tôi, một người quản lý tham gia dự án, thị trường bất động sản thì không nên. Ngoài ra còn có thể có tình trạng thao túng về quy hoạch, có thể mua đất khi quy hoạch đó chưa được công khai. Hoặc cũng có tình trạng cố tình trì hoãn việc công khai quy hoạch để mua đất của dân trước.

* Như vậy đó là sự thông đồng giữa cán bộ quản lý và nhà đầu cơ đất?

- Đúng là sự thông đồng. Ở đây thể hiện có một nhóm lợi ích, trong đó có sự tham gia của công chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai, có sự tham gia của các nhà đầu cơ đất đai... Sự thao túng có thể ngay từ khâu xây dựng quy hoạch và phê duyệt quy hoạch hoặc khi có quy hoạch thì trì hoãn việc công khai quy hoạch để gom đất... Tuy nhiên, nó không thật sự phổ biến, chỉ tồn tại ở một số nơi.

* Theo ông, cần có giải pháp gì để giảm thiểu tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai?

- Giải pháp thì không khó mà vấn đề là chúng ta có quyết tâm thực hiện hay không. Thế giới đã đưa ra một công thức về tham nhũng là “tham nhũng = độc quyền + độc đoán của người quản lý - trách nhiệm giải trình - mức độ minh bạch”. Vậy muốn chống tham nhũng, chúng ta phải làm sao giảm sự độc quyền của hệ thống hành chính.

Chúng ta cần có hệ thống định giá đất độc lập so với cơ quan hành chính. Giá đất phải được định giá rất khách quan, do một hội đồng đầy đủ nhân lực, kinh nghiệm quyết định hoàn toàn độc lập với hệ thống hành chính. Ngay cả việc xây dựng quy hoạch, thẩm định quy hoạch cũng phải được độc lập. Cơ quan hành chính chỉ có nhiệm vụ quyết định dựa trên ý kiến thẩm định khách quan. Thứ hai là giảm tính độc đoán của người ra quyết định có thể gây ra bằng cách xếp đặt trình tự thủ tục cho hợp lý, có sự tham gia của nhiều vị trí công tác để loại bỏ sự độc đoán.

Về trách nhiệm giải trình, mỗi cán bộ phải nắm được thông tin về công việc của mình và phải chịu trách nhiệm về công việc đó. Tương tự, minh bạch càng cao thì tham nhũng sẽ càng ít. Phải minh bạch thông tin ngay từ khi chủ đầu tư bắt đầu bước vào thực hiện đầu tư; dự án nào được giao trực tiếp phải có tiêu chí nhất định, còn lại phải thông qua đấu giá, đấu thầu... và người dân có quyền được tiếp cận bất kỳ thông tin đất đai nào. Ngoài ra, cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng cường giám sát của các tổ chức xã hội...

(Theo Tuổi trẻ)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo