Để Phố cổ Hà Nội luôn mãi đẹp!

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Để Phố cổ Hà Nội luôn mãi đẹp!

  • 01/09/2020
  • 335

* Có nên can thiệp vào Phố cổ?

 

Theo điều tra của ông Norman – nhà nghiên cứu của Canađa thì từ 20 năm trở lại đây, nếp sống, sinh hoạt tại khu phố cổ Hà Nội giàu có và trù phú hơn rất nhiều so với vẻ bề ngoài của nó. Đây cũng là sự tất yếu khi nền kinh tế phát triển và sự bùng phát dân cư tại khu vực này. Ông Norman cũng đưa ra con số so sánh, nếu như dân cư của Hà Nội thời thuộc địa là 280.000 dân thì bây giờ đã lên tới 3,5 triệu người vì thế khó mà tránh được việc dân cư sống trong môi trường chật hẹp hơn.

 

Việc khu phố cổ bị xâm hại nghiêm trọng không gian như việc lạm dụng treo băng rôn, khẩu hiệu, hệ thống điện nhằng nhịt giăng trên các con phố, những ngôi nhà mới cao tầng che át những mái ngói rêu phong… điều đó đã khiến phố cổ đang dần mất đi linh hồn. Liệu có nên can thiệp vào khu phố cổ hay không và nếu có thì nên can thiệp thế nào để vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, vừa không ngăn cản sự phát triển tại khu phố vốn sầm uất kinh doanh?

 

Theo ông Norman, dù có khá nhiều ý kiến là nên để phố cổ phát triển như những gì nó vốn có nhưng quan điểm cá nhân ông là vẫn nên can thiệp vào sự phát triển hiện nay của phố cổ Hà Nội. “Chúng ta nên xây dựng một quy hoạch tổng thể khu phố cổ mang một tầm nhìn tương lai. Các cơ quan quản lý của Việt Nam khi thực hiện việc quy hoạch cần phải tham khảo ý kiến cua người dân để tránh những mâu thuẫn, tìm ra sự thống nhất trong việc xây dựng khu phố cổ. Hiện nay, không thể tránh khỏi những thay đổi trong khu phố này, vì thế chúng ta nên khuyến khích những thay đổi cần thiết và ngăn chặn những thay đổi mang tính phá vỡ”, ông bày tỏ.

 

Cũng với luận điểm nên can thiệp thế nào vào khu phố cổ Hà Nội, một chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam về giải pháp quy hoạch đô thị cũng góp ý, vấn đề của Việt Nam bây giờ là làm thế nào để thỏa hiệp được những dự án phát triển với việc gìn giữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Vị đại biểu nước ngoài này cũng nêu ý kiến, muốn đưa ra giải pháp cụ thể cho khu phố cổ, cẩn phải có cái nhìn tổng thể với những khu vực xung quanh. Việc giữ gìn, bảo tồn phố cổ Hà Nội cần nằm trong quy hoạch chung của toàn thành phố, và nên xây dựng toàn bộ Thủ đô Hà Nội là thành phố văn hóa chứ không chỉ riêng mỗi một điểm là phố cổ.

 

Vấn đề bảo tồn, phát triển phố cổ Hà Nội đã được bàn thảo qua rất nhiều hội thảo trong suốt 10 năm nay nhưng đến bây giờ vẫn còn đang gặp không ít khó khăn. Đã có khá nhiều biện pháp đưa ra như di chuyển bớt dân cư, hay giảm tải các phương tiện giao thông… nhưng những giải pháp này vẫn chỉ mang tính tạm thời và có những vấn đề thuộc về an sinh vẫn chưa thể thực hiện. Một đại biểu đến từ trường Đại học ở New Orland cho rằng, việc bảo tồn phố cổ hiện nay nên chăng là hướng đến những giá trị phi vật thể thì sẽ hiệu quả hơn là tập trung vào những ngôi nhà cụ thể.

 

Tất nhiên, những ý kiến đưa ra trong hội thảo diễn lần này cũng chỉ là những nhận xét, đóng góp của những vị khách nước ngoài trong việc cùng nhau giữ gìn và phát huy khu phố cổ Hà Nội. Đây có thể là những đóng góp mang tính chủ quan cá nhân, nhưng biết đâu đó sẽ là những gợi ý cho những nhà quản lý Việt Nam “nảy” ra điều gì đó để gỡ rối cho hướng tìm giải pháp bảo vệ đô thị lịch sử Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

* Đã có những bài học

 

Có lẽ không phải nói đâu xa, TP Hội An (Quảng Nam) chính là một “tấm gương” trong việc giữ gìn bảo tồn phổ cổ. Đương nhiên, không có việc gì là toàn mỹ và khu phố cổ Hội An cũng đang phải đối diện với việc xuống cấp, mục nát của một số ngôi nhà cổ. Nhưng nhìn vào tổng thể chung, thì chiến lược gìn giữ phố cổ kết hợp với phát triển quảng bá du lịch của Tp Hội An rõ ràng đã mang lại hiệu quả.

 

Hà Nội khác Hội An. Phố cổ Hà Nội cũng khác phố cổ Hội An về quá trình hình thành, không gian sống và mật độ dân cư đô thị. Vì thế, sẽ khó có thể áp dụng phương pháp của thành phố này vào thành phố khác. Hiện nay, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng đang cố gắng chuyển hướng tập trung gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể của phố cổ. Bằng chứng đó là sự khai trương của phố đi bộ vào những ngày cuối tuần; những hoạt động biểu diễn ca trù, xẩm tại chợ Đồng Xuân và những địa chỉ văn hóa; việc bảo tồn nguyên vẹn một số ngôi nhà cổ và tái hiện lại nếp sinh hoạt của người Hà Nội xưa… Những hoạt động này dù diễn ra chưa thật thường xuyên nhưng ít nhiều cũng đang tạo dần một thói quen cho người Hà Nội và khách nước ngoài thăm quan phố cổ.

 

Khi những việc mang tính vĩ mô còn đang bề bộn thì nên chăng, những hoạt động cụ thể trước mắt cần được đẩy mạnh và quảng bá rộng. Hà Nội rất cần đến những tấm lòng, đến ý thức xây dựng, giữ gìn của không chỉ những người dân đang sinh sống tại khu phố này mà còn cần đến sự đóp góp của những vị khách từ phương xa đến thăm.

 

Theo hanoimoi.com.vn
Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo