Đường rộng 12m: Được xây nhà bốn tầng

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Đường rộng 12m: Được xây nhà bốn tầng

  • 12/11/2020
  • 112

1. Cách tính giá đất trong hẻm?

Nhà tôi xây năm 2000, nằm trong một hẻm nhánh của đường Bà Hom, quận 6 và hiện chưa có “giấy hồng”. Nay tôi muốn đi làm giấy này nhưng nghe nói phải đóng tiền sử dụng đất theo giá đất mặt tiền đường Bà Hom. Có đúng vậy không?

Đào Thị Minh Nguyệt (Quận 6)

Ông Nguyễn Yểng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 6:

Theo khoản 1 Điều 4 Quyết định 144 ngày 27-12-2007 của UBND TP.HCM, giá đất ở vị trí trong hẻm được tính theo vị trí hẻm và cấp hẻm. Giá đất trong hẻm trải nhựa hoặc bê-tông, xi măng rộng hơn năm mét là vị trí một được tính bằng 0,5 lần giá đất mặt tiền đường; hẻm rộng từ ba đến năm mét là vị trí hai được tính bằng 0,4 lần; hẻm rộng từ hai đến dưới ba mét là vị trí ba, được tính bằng 0,3 lần; hẻm rộng dưới hai mét là vị trí bốn được tính bằng 0,2 lần. Hẻm không tiếp giáp mặt tiền đường hoặc là hẻm đất thì giá đất sẽ được tính bằng 0,8 lần giá trên.

2. Đường rộng 12 m được xây nhà bốn tầng

Đất của tôi rộng 73 m2, giáp mặt đường có lộ giới 12 m. Vậy tôi có được xây nhà ở cao bốn tầng hay không?

Trần Hoàng Quân (Quận 5)

Ông Lê Văn Pha, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 5:

Theo Điều 8 Quyết định 135 ngày 8-12-2007 của UBND TP.HCM, tại những con đường có lộ giới 12 m, người dân được xây dựng đến bốn tầng. Nếu vị trí đất thuộc khu vực quận trung tâm thành phố hoặc trung tâm cấp quận, hay thuộc trục đường thương mại-dịch vụ hay lô đất lớn, người dân còn được xây cao hơn.

Ông có thể liên hệ trực tiếp với UBND quận để được hướng dẫn cụ thể.

3. Nộp thuế trước, khiếu nại sau

Tôi đang làm thủ tục bán nhà. Tuy nhiên, do cơ quan thuế tính sai tiền thuế của tôi hơn một triệu đồng nên tôi đang khiếu nại. Vậy thời gian khiếu nại có được tính vào thời hạn nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế hay không?

Dương Thị Diệu Hạnh (Quận Bình Thạnh)

Ông Đỗ Đăng Tăng, Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ Cục Thuế TP.HCM:

Theo Điều 48 Luật Quản lý thuế thì trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế về số tiền thuế do cơ quan quản lý thuế tính hoặc ấn định, người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế đó, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ thực hiện quyết định tính thuế.

Như vậy, thời gian ông đi khiếu nại quyết định tính thuế chuyển quyền sử dụng đất không được trừ vào thời hạn nộp thuế theo thông báo thuế. Ông phải nộp thuế đủ và đúng thời gian theo thông báo. Nếu số tiền thuế đã nộp nhiều hơn số tiền thuế được xác định theo quyết định giải quyết khiếu nại thì người nộp thuế được hoàn trả số tiền thuế nộp thừa và được trả tiền lãi tính trên số tiền thuế nộp thừa.

4. Việt kiều được thuê nhà ở trong nước?

Là Việt kiều Canada đã nghỉ hưu, tôi định về Việt Nam du lịch khoảng một năm. Do nhà của người thân ở Việt Nam chật hẹp, ở khách sạn thì quá tốn kém nên tôi định thuê một căn hộ chung cư hay một nhà phố để ở. Có được hay không?

Nguyễn Quang Minh (qminh@aol.com)

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Công chứng số 3, TP.HCM:

Theo Điều 131 Luật Nhà ở thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thuê nhà ở tại Việt Nam. Nhà ở cho thuê phải có đủ các điều kiện sau đây: đã có “giấy hồng”; phải là nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ khép kín; phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho người thuê, bảo đảm cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường và các điều kiện thiết yếu khác; nhà không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng.

5. Cấp “giấy hồng” nhà thừa kế

Cha mẹ tôi mất đi có để lại một căn nhà 90 m2 xây trước giải phóng và một số diện tích đất. Các anh chị em chúng tôi đã phân chia đất, riêng căn nhà thì chưa. Nay tôi muốn xin cấp “giấy hồng” cho mình thì UBND huyện yêu cầu các anh chị em phải ký thừa kế thì họ mới nhận hồ sơ. Do các anh chị em ở xa nên tôi đòi ký cam kết nhà đất không có tranh chấp nhưng huyện không đồng ý. Vậy tôi phải làm sao?

Đỗ Bá Tòng (Xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM)

Luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM):

Theo khoản 1b Điều 6 Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, trường hợp nhà ở, đất ở chưa có giấy tờ hợp lệ, chưa xác định được đầy đủ đồng thừa kế thì ghi tên người đại diện khai trình và ghi chú trên giấy chứng nhận: “Nhà đất chưa phân chia thừa kế, không được thực hiện các giao dịch”.

Như vậy, do căn nhà trên là tài sản chung của các anh chị em nên ông chỉ có thể nộp hồ sơ xin cấp “giấy hồng” với tư cách là người đại diện cho các đồng thừa kế. Trong đơn xin cấp “giấy hồng”, ông có thể kê khai đủ tên các anh chị em (hoặc nếu cần thì làm thêm tờ cam kết về số con, được UBND xã chứng thực chữ ký). Sau khi được cấp “giấy hồng”, ông và các anh chị em cần làm thủ tục khai nhận di sản và lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Nếu được các anh chị em đồng ý tặng cho quyền hưởng di sản, ông có thể tiếp tục liên hệ với UBND huyện để xin cấp “giấy hồng” cho riêng mình.

6. Quyền định đoạt nhà

Năm 1990, trước khi xuất cảnh định cư, chúng tôi đã làm giấy phép ủy quyền cho vợ chồng con trai quản lý nhà và không được quyền sang nhượng. Năm 1998, chúng tôi đã làm giấy tờ tặng cho nhà trên cho cả hai. Nay con trai tôi đã chết, vợ nó bán nhà đó thì có hợp pháp hay không?

Trần Thanh Chiêu (608 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM)

Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nếu được cha mẹ làm thủ tục tặng cho nhà hợp pháp, vợ chồng người con trai sẽ được pháp luật công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà và có toàn quyền định đoạt nhà. Nếu người con trai có lập di chúc cho phép người vợ được thừa kế 1/2 nhà thuộc sở hữu của mình thì sau khi anh ấy qua đời, vợ anh ấy được quyền bán nhà.

Theo Pháp luật TP

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo