Giải cứu BĐS, từ lý thuyết đến thực tiễn

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Giải cứu BĐS, từ lý thuyết đến thực tiễn

  • 23/10/2020
  • 98

Từ những giải pháp của Bộ Xây dựng, Chính phủ…



Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định rằng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là một trong những giải pháp để khơi thông tắc nghẽn cho nền kinh tế, bởi bất động sản là một lĩnh vực quan trọng, tạo ra tài sản trên nhiều lĩnh vực, hạ tầng, sản xuất, nhà ở, dịch vụ...

Theo đó, cần phải có sự quyết tâm của nhiều người, trước hết là của chính các doanh nghiệp, sau đó là các cơ quan quản lý, của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Địa phương phải chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách tháo gỡ thủ tục hành chính, những thủ tục trong đầu tư xây dựng với thời gian nhanh nhất.

Cũng theo ông Trịnh Đình Dũng, khi thị trường trầm lắng như hiện nay, thì những giải pháp đưa ra phải hướng đến kích cầu bất động sản, bắt đầu từ người tiêu dùng, mà việc các doanh nghiệp chuyển từ xây dựng căn hộ cao cấp hay trung cấp xuống căn hộ bình dân, chuyển các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… chính là bước đi đúng hướng. Giảm, miễn tiền sử dụng đất cũng là một gói kích cầu gián tiếp, giúp giảm giá căn hộ và người mua được hưởng lợi. Căn hộ có diện tích nhỏ và giá trên mỗi mét vuông giảm xuống do được miễn giảm thuế giúp giá cả trở nên phù hợp hơn với khả năng thanh toán của nhiều người.

Trong tuần qua, người đứng đầu Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, trong đó có bốn nhóm giải pháp dành riêng cho thị trường bất động sản.

Khó khăn chung của thị trường bất động sản hiện nay một phần xuất phát từ việc quản lý yếu kém, thiếu quy hoạch, kế hoạch phù hợp nên phát triển quá nóng, cơ cấu không hợp lý và tình trạng đầu cơ làm dư thừa nguồn cung, nhất là loại nhà ở cao cấp, vượt quá khả năng của phần lớn người có nhu cầu mua nhà để ở.

Vì vậy, để từng bước tháo gỡ khó khăn, trong thời gian tới định hướng đặt ra là mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên...

Tiếp theo, các cơ quan chức năng sẽ rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp và yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư.

Nhóm giải pháp thứ ba là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng thêm nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê; nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho các đối tượng là người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Nhóm giải pháp cuối cùng là tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược về nhà ở đã ban hành, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý đô thị và kinh doanh bất động sản, nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính mới để hỗ trợ thị trường như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản, hoàn thiện các chính sách thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản và khuyến khích sử dụng tiết kiệm đất.
 

Giải cứu BĐS, từ lý thuyết đến thực tiễn | ảnh 1
Hiện không có nhiều dự án bất động sản tiếp nhận được nguồn vốn ngân hàng

 

Băn khoăn tính khả thi


Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã bày tỏ hy vọng vào sự “hồi sinh” của thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều người cũng chỉ ra một số vướng mắc khi triển khai các giải pháp trên trong thực tế.

Ví dụ như giải pháp mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng, rất khó thực hiện trong thời gian này. “Hiện cũng đã có nhiều tổ chức tín dụng ký kết hợp tác cho vay với lãi suất ưu đãi đối với một số dự án bất động sản, nhưng số lượng dự án không nhiều và phải kèm theo những điều kiện như dự án có tiến độ triển khai tốt, vị trí đẹp và khả năng thanh khoản cao”, giám đốc một doanh nghiệp ghi nhận tình trạng trên và cho rằng, giải pháp mở rộng tín dụng sẽ ít thu hút được sự chú ý của khách hàng, do lãi suất chỉ được ưu đãi một thời gian ngắn, trong khi phần không ưu đãi rất dài và phải chịu sự điều tiết theo thị trường.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác đang có dự án bất động sản chưa triển khai cho biết, khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án rất khó khăn, nguy cơ dự án bị thu hồi cao, trong khi nguồn vốn huy động của khách hàng cũng khó khăn, khiến doanh nghiệp không thể triển khai được dự án.

“Mới đây, một số ngân hàng âm thầm tăng lãi suất huy động, cũng như tăng cả lãi suất cho vay, nên khả năng tìm được nguồn vốn của doanh nghiệp càng khó khăn hơn”, vị giám đốc này than thở.

Hay như giải pháp “cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch” cũng nhận được những phản ứng trái chiều. Trong khi nhiều doanh nghiệp kiến nghị cho phép chia nhỏ căn hộ để giảm giá bán nhằm kích cầu thị trường, thì lại có ý kiến cho rằng, làm như vậy là vi phạm quy định của Luật Nhà ở, có thể biến khu dân cư thành “ổ chuột”. Nội dung này cũng đã từng được Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM kiến nghị cho áp dụng thí điểm từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện vì “vướng” luật. Trong khi đó, đến thời điểm này, Quốc hội vẫn chưa có chương trình sửa đổi quy định này trong Luật Nhà ở.

Đặc biệt, giải pháp “xây dựng các định chế tài chính mới để hỗ trợ thị trường như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản...” đã được nêu ra từ lâu, nhưng chưa biết bao giờ mới thực hiện được. Tháng 6/2012, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ kiến nghị cho phép thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Còn quỹ đầu tư bất động sản đã được quy định tại Thông tư 183/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thành lập và quản lý quỹ mở (ban hành ngày 16/12/2011 và có hiệu lực từ ngày 1/3/2012), nhưng đến nay vẫn chưa có quỹ nào được thành lập. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường bất động sản “èo uột” như hiện nay, thì không nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền thành lập quỹ để đầu tư cả.

(Theo ĐTCK)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo