Giải tỏa, đền bù: Kinh nghiệm từ Bình Dương

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Giải tỏa, đền bù: Kinh nghiệm từ Bình Dương

  • 25/10/2020
  • 120


Từ năm 2003 đến 2008, huyện Bến Cát - Bình Dương và nhà đầu tư Becamex đã xây dựng 6 KCN tập trung và khu đô thị mới với diện tích 10.000 ha. Có hơn 10.000 hộ dân phải di dời, nhưng hầu hết đều đồng thuận, tạo nên sức mạnh để Bến Cát trở thành điểm sáng về công nghiệp hóa.

Sắm xe hơi, xây nhà lầu

Ngoài tiền bồi thường đất, ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con em các hộ dân bị thu hồi đất, hộ dân bị giải tỏa còn được hưởng chế độ hoán đổi nền đất tái định cư tỉ lệ thuận với diện tích đất bị thu hồi.

Theo lãnh đạo Becamex và huyện Bến Cát, thu hồi đất mà chỉ đền bù bằng tiền, nếu người dân không biết chi tiêu để phát triển đời sống thì miệng ăn núi lở; hết tiền mà việc làm không có thì người dân sẽ trắng tay. Chính vì vậy, chủ đầu tư và chính quyền phải có trách nhiệm tạo việc làm trên “ruộng mới” cho họ, chứ không thể thu hồi đất rồi lại đưa ra điều kiện này kia.

Ông Nguyễn Hữu Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát, cho biết: “Ưu điểm trong chính sách giải tỏa đền bù của huyện là luôn tìm cách bảo đảm có lợi cho dân. Khi bị giải tỏa, hộ nào có nhu cầu nhận tiền thì hội đồng giải phóng mặt bằng sẽ trao toàn bộ; nếu muốn hoán đổi đất nền tái định cư (ví dụ đất giải tỏa là 1ha) thì sẽ được nhận một nền 150 m2 cộng thêm 3 nền nằm trong quy hoạch đất đô thị.

Cách hoán đổi đất này được hầu hết bà con đồng tình. Có thể nói, “ruộng công nghiệp hóa” của Bến Cát bước đầu đã thành công. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cũng đề ra đến năm 2015, Bến Cát sẽ trở thành huyện công nghiệp sớm nhất của tỉnh”.

Cũng theo ông Chí, đã có người đổi được đến 30-40 nền khi giá đất tăng cao trong năm 2007. Nhiều hộ nông dân trước đây lam lũ giờ đã đi xe hơi, xây nhà lầu. Ông Nguyễn Văn Bé, người dân trong diện giải tỏa KCN Mỹ Phước III, phấn khởi: “Tôi có 2 ha đất bị thu hồi. Sau khi nhận được 2 nền tái định cư, tôi được hoán đổi thêm 6 nền khác. Năm 2007 tôi đã bán 2 nền được 3 tỉ đồng, xây nhà lầu xong còn mua được xe hơi và đầu tư xây nhà trọ cho công nhân thuê”.

Hưởng lợi từ “ruộng công nghiệp hóa”


Lãnh đạo huyện Bến Cát và nhà đầu tư Becamex lý giải: Bố trí nền tái định cư và tạo điều kiện cho người dân có việc làm bền vững sẽ chứng minh một cách thiết thực rằng họ được hưởng lợi từ xây dựng các KCN.

Trên đất tái định cư, với số tiền có được từ bồi thường đất, người dân có thể xây nhà và mở mang nhiều dịch vụ. Trong số gần 10.000 ha đất thu hồi ở Bến Cát, có hơn 2.349 ha dành cho khu đô thị tái định cư. Các hộ dân diện giải tỏa nhà ít nhất cũng được đền bù 1-2 nền tái định cư, có hộ được đến 10 nền.

Theo nhiều người dân, chính quyền huyện Bến Cát và nhà đầu tư Becamex đã thực hiện đúng cam kết với họ. Dân tái định cư có việc làm đời sống nâng cao hơn. Theo một cán bộ huyện Bến Cát, chỉ có cách làm này người dân bị giải tỏa mới không bị thiệt thòi và việc xây dựng KCN mới thật sự có ý nghĩa.

Ông Trần Hữu Phước, người dân bị giải tỏa xây dựng KCN Mỹ Phước III, cho biết: “Trước đây vùng này là đất gò đồi, quanh năm trồng một vụ sắn. Nhờ công nghiệp mở mang mà gia đình tôi được sống trong đô thị, có nhà cửa đàng hoàng, cuộc sống khá giả hơn. Sống trong khu vực này cũng có nhiều cơ hội làm ăn”.

Giờ đây, tại các KCN Mỹ Phước I, II, III, IV, V và 2.000 ha đất của huyện Bến Cát nằm trong Khu Liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị Bình Dương, người dân diện giải tỏa nhờ có “ruộng công nghiệp hóa” (khách sạn, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa, xưởng sửa chữa xe máy, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đại lý bưu điện, cửa hàng giải khát, hiệu hớt tóc, nhà trọ cho công nhân...) trên các nền đất tái định cư đều có cuộc sống rất khá giả.

Phát triển công nghiệp phải bảo đảm đời sống người dân tốt hơn trước bằng chính sách đền bù, giải tỏa và tạo điều kiện tối đa cho người dân để họ ly nông bất ly hương. UBND huyện Bến Cát và nhà đầu tư Becamex đã đúc kết như vậy trong quá trình giải tỏa thu hồi đất để thực hiện các dự án KCN tại đây.
Theo Người Lao Động
Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo