Hà Nội: Ì ạch cải tạo các khu chung cư cũ

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Hà Nội: Ì ạch cải tạo các khu chung cư cũ

  • 25/10/2020
  • 123
Khởi công để rồi... nằm im

Nằm ở những vị trí thuộc loại đắc địa giữa thủ đô, những lô đất nơi các tòa chung cư cũ nát đang tọa lạc, từ lâu đã thu hút được sự chú ý của giới đầu tư bất động sản. Nhiều người từng tính toán tìm kiếm lợi nhuận khổng lồ nếu thay các tòa nhà xập xệ 4 - 5 tầng mặt phố trung tâm bằng những cao ốc 20 - 30 tầng để làm văn phòng cho thuê hay chung cư cao cấp... Không ít doanh nghiệp tâm huyết đã lao vào những dự án cải tạo chung cư cũ với ước vọng thay đổi bộ mặt thủ đô song những gì diễn ra trong thực tế đã làm họ thất vọng.

Có thể liệt kê ra đây hàng loạt những “siêu” dự án đã khởi động 3 - 4 năm nay để rồi... nằm yên một chỗ, như dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, dự án cải tạo nhà B6 Giảng Võ, dự án nhà I1, I2, I3 Thành Công, dự án khu tập thể Văn Chương... Sau nhiều năm tiêu tốn công sức và tiền bạc, những gì có được từ các dự án này chỉ là... khảo sát, điều tra xã hội học! Thậm chí, quy hoạch chi tiết dự án cũng chưa được phê duyệt. Nhiều dự án trình đi trình lại tới 2 - 3 lần vẫn bị trả hồ sơ vì chưa phù hợp.

Nhà đầu tư muốn tầng cao để đủ sức “nuôi” dự án trong khi cơ quan chức năng viện dẫn lý do quy hoạch chi tiết quận, huyện không cho phép để trả hồ sơ. Mâu thuẫn giữa 2 bên không thể giải quyết nên dự án vẫn âm thầm triển khai trên... giấy.

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, năm 2008 phải là năm “đồng khởi” của các dự án cải tạo chung cư cũ. Thành phố liên tục có văn bản đề nghị các chủ đầu tư, chính quyền cơ sở vào cuộc để chạy đua với thời gian. Thế nhưng, tới nay, ngay cả dự án được xem là tương đối thuận buồm xuôi gió là dự án cải tạo nhà B4-B14 Kim Liên cũng nhọc nhằn mãi mới tiến được vài bước cơ bản.

Một số dự án quan trọng khác đã “hứa” khởi công đầu năm 2008 song đã hết quý 2 mà chưa thấy hồi âm. Ngay cả quy chế về cải tạo chung cư cũ của Hà Nội, “cái khung” quan trọng để các doanh nghiệp soi chiếu vào đó triển khai dự án cũng đã trải qua nhiều năm “thai nghén” với hơn 20 lần soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân... và vẫn ở giai đoạn “chuẩn bị ban hành”.



Dù ở vị trí đắc địa, dự án chung cư cũ cũng không phải dễ “xơi”.


Bỏ thì thương, vương thì tội

Nói về quá trình theo đuổi dự án cải tạo khu I1, I2, I3 Thành Công trong gần 3 năm, ông Lê Vũ Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng rất bức xúc vì “60 con người làm quần quật cả ngày nghỉ mà dự án mãi vẫn đứng yên một chỗ”.

Ông Lê Vũ Dũng nêu dẫn chứng: “Chỉ riêng dự thảo chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án, chúng tôi phải lấy ý kiến 6 cơ quan, nghĩa là phải có 6 chữ ký. Cứ xoay vòng 6 “ông” này, “ông” đầu tiên nói được rồi, chạy qua “ông” khác lại nói phải sửa, thế là đành quay lại chỗ cũ. Lòng vòng gần 2 tháng mới xong được 2 nơi với 2 chữ ký thì chúng tôi bó tay, không đủ sức “chạy” nữa. Chỗ nào cũng có lý, cũng đúng nguyên tắc nhưng 2 tháng mà chẳng xong một cái biên bản cuộc họp, bảo sao dự án ì ạch...”.

Ông Lê Vũ Dũng ta thán về cái vòng luẩn quẩn mà dự án cải tạo chung cư cũ nào ở Hà Nội cũng gặp phải: “Muốn GPMB, di dời dân thì phải thành lập Hội đồng GPMB - để lập được hội đồng phải có quyết định thu hồi đất - muốn có quyết định phải có phương án tổng thể về bồi thường, tái định cư - muốn ra phương án phải có quy chế khung của thành phố - quy chế: đang chờ phê duyệt... Cứ chạy vòng quanh báo cáo với xin ý kiến mà vẫn tắc...”.

Chủ đầu tư tỏ ra chán nản: “Kiểu gì doanh nghiệp cũng làm được nhưng làm không tốt thì dân và doanh nghiệp đều phải chịu hậu quả. Thế nhưng, ách tắc mấy cũng không dám bỏ vì “buông” bây giờ thì lỗ nặng”.

Không chỉ phải đương đầu với cơ chế, chính sách, để chuẩn bị đầu tư dự án, doanh nghiệp còn lo ngay ngáy với các hộ dân tầng 1. Để tránh “đối đầu” vô ích, doanh nghiệp đã tìm cách mua lại trực tiếp căn hộ từ các hộ dân theo giá thị trường để khỏi phải GPMB.

Ông Lê Vũ Dũng cho biết: “Đắt chúng tôi cũng mua, nhưng muốn mua cũng không mua hết được! Nghị quyết 34/CP của Chính phủ cho phép chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, song đối với những hộ chưa mua nhà của Nhà nước thì lại không thấy nói xử lý thế nào. Chúng tôi đã ra phòng công chứng để chứng thực giao dịch nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu mà giao dịch “ngầm” thì lại vi phạm quy định”.

Ông Lê Vũ Dũng cười như mếu: “Đó là chưa kể một số hộ còn đưa giá trên trời. Căn hộ chưa tới 70m2, trong đó, 1/3 là đất lưu không mà đòi hơn 7 tỷ đồng... Tự thỏa thuận kiểu này thì doanh nghiệp chỉ có nước... chết”.

Chính vì thế, chung cư cũ của Hà Nội vẫn không được cải tạo, xây mới theo như những gì nó hoàn toàn xứng đáng được hưởng.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo