Hà Nội: nhà đất ven đô vẫn nguội lạnh

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Hà Nội: nhà đất ven đô vẫn nguội lạnh

  • 14/11/2020
  • 99

Khu đô thị Cầu Giấy (Hà Nội) vốn hấp dẫn khách hàng vẫn khó bán.
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Theo đó, thủ đô Hà Nội sẽ có thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, quyết sách quan trọng này được giới kinh doanh bất động sản (BĐS) nhìn nhận tại thời điểm này chưa đủ độ “phê” để phá thế ảm đạm của thị trường nhà đất thủ đô, nơi được xem là “tấc đất, tấc vàng”.

Giá đất ven đô chưa... nhúc nhích

Giám đốc Công ty Dịch vụ thương mại BĐS Ba Đình (Hà Nội) Trần Anh Dũng than thở: “Tôi có mấy biệt thự ở huyện Từ Liêm, quận Thanh Xuân rao bán lâu nay, nhưng không ai hỏi mua. Ai cũng biết Hà Nội mở rộng về phía Tây nhưng thị trường đang trầm lắng thế này ai đi “ôm” đất làm gì!”. Theo ông Dũng, giới kinh doanh nhà đất từ cao cấp đến thứ cấp ở Hà Nội đang trong giai đoạn “ngủ đông”.

Giao dịch nhà đất hiện nay chủ yếu là loại nhà đất từ 2 tỉ đồng trở xuống và người mua chủ yếu là người có nhu cầu thực sự chứ không phải đầu cơ. “Hiện giá nhà đất Hà Nội, đặc biệt là khu vực ven đô, sẽ khó “nóng” do đã bị đẩy lên với giá quá cao (40%-50%) vào nửa cuối năm 2007. Hơn nữa, tình hình tài chính đang “căng” như hiện nay sẽ chẳng ai ôm tiền đổ vào nhà đất. Việc mở rộng địa giới Hà Nội sẽ có sự điều chỉnh quy hoạch nên nhà đầu tư cũng tạm dừng ôm hàng” - ông Dũng phân tích.

Không mạo hiểm

Theo các công ty địa ốc ở Hà Nội, thông tin sáp nhập Hà Tây về Hà Nội chỉ kịp làm nóng thị trường nhà đất ở Hà Tây đến hết quý I/2008, tại một số ít dự án khu đô thị mới như Văn Quán, Văn Khê (TP Hà Đông) và đất kế cận Hà Nội như TP Hà Đông, Hoài Đức, Quốc Oai... giao dịch có “nóng” hơn và giá tăng tương đối, còn lại nhiều nơi giá đang giảm hoặc giữ giá. Đại diện của Công ty BĐS và Xây dựng Phúc Thịnh lại bi quan hơn về thị trường nhà đất Hà Tây khi cho rằng giá đất nhiều khu vực ở tỉnh này còn đang giảm thêm 20%-30%.

Ông Dũng lo ngại với tình cảnh “đóng băng” của thị trường nhà đất sẽ còn kéo dài và tiềm ẩn yếu tố đổ vỡ khi rất nhiều người đầu cơ nhà đất bằng tiền vay ngân hàng. Ông phân tích: Thị trường nhà đất, đặc biệt là các khu vực mới nổi như Hà Tây, chỉ thực sự “nóng” nếu có sự tham gia của giới đầu cơ, dân kinh doanh BĐS chuyên nghiệp.

Phó Giám đốc Công ty BĐS CB Richard Ellis VN (CBRE) Renato Shordon nhìn nhận: Mở rộng Hà Nội là liều thuốc tốt cho thị trường BĐS vì sẽ thúc đẩy quy hoạch và phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, cũng như tăng thu từ thuế. Tuy nhiên, do kế hoạch mở rộng có quy mô lớn, quy trình phê chuẩn các dự án có thể sẽ bị chậm dẫn đến việc đầu tư ở một khu vực vẫn chưa có kế hoạch phát triển rõ ràng. Hơn nữa nếu cơ sở hạ tầng không phát triển như mong muốn thì giá đất có thể đi xuống rất nhanh.

Đấu giá đất cũng ế ẩm

Không chỉ thị trường giao dịch tự do mà ngay cả các dự án đấu giá đất ở khu vực ngoại thành Hà Nội cũng ảm đạm, thậm chí có dự án đã quảng cáo ấn định phiên đấu giá nhưng phải hủy vì không đủ khách hàng đăng ký. Tại hai phiên đấu giá đất mới đây ở huyện Từ Liêm, Đông Anh vốn rất sôi động trong những năm trước thì nay chẳng có mấy khách hàng quan tâm.

Phiên đấu giá 1.127 m2 đất nhỏ lẻ tại xã Tây Tựu, Từ Liêm chỉ lèo tèo thu được số tiền 6,4 tỉ đồng, bằng 2,8% kế hoạch. Còn phiên đấu giá 8.110 m2 ở thị trấn Đông Anh và xã Liên Hà (Đông Anh) cũng chỉ thu 63 tỉ đồng, bằng 38% kế hoạch đề ra.


Theo Người Lao Động
Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo