Hải Phòng: Dân khổ với đất “treo” trong dự án

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Hải Phòng: Dân khổ với đất “treo” trong dự án

  • 25/10/2020
  • 103

Con sâu làm rầu nồi canh?

Địa bàn quận Hải An có tổng diện tích 10.400 ha nhưng tổng số dự án đã được cấp đất nhưng chưa triển khai là 35 dự án, bằng 3.000 ha. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng nghìn hécta đất tiếp tục bị lãng phí, hàng nghìn tỷ đồng bị thất thoát do khoản thuế sử dụng đất không thu về được kéo theo đó là hàng loạt DN và người dân bị ảnh hưởng.

Một lãnh đạo của một DN nằm trong quận Hải An, Hải Phòng bức xúc: đất, cơ sở hạ tầng của DN nằm trong quy hoạch dự án Hồng Ngọc – Hải An – Hải Phòng, gần 10 năm nay dự án này vẫn nằm án binh bất động. Tôi chẳng biết chủ dự án là ai? DN chúng tôi không thế chấp được đất, tài sản trên đất để vay vốn ngân hàng. Tổng số công nhân thường xuyên của chúng tôi hiện nay là hơn 2.000 người. Nếu cứ tình trạng thiếu nguồn vốn thế này, thì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn. Theo tôi, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp tháo gỡ giúp đỡ DN cụ thể: cần ấn định thời gian đối với việc thực hiện các dự án phát triển đô thị, cụ thể là dự án xây dựng đường Lạch Tray – Hồ Đông (đường 100m, dự án Hồng Ngọc và một số dự án khác mà thành phố dự kiến triển khai trên địa bàn quận Hải An.

Nhà cấp 4 dột nát xin các cấp ngành 10 năm rồi vẫn chưa được sửa
Nhà cấp 4 dột nát xin các cấp ngành 10 năm rồi vẫn chưa được sửa

Ông Nguyễn Văn Lã – phường Đông Hải 1 nói: “Gia đình tôi có 570 m2 đất nằm vào quy hoạch dự án. Đất này là đất thổ cư từ đời ông cha tôi để lại, có bìa đỏ. Ngôi nhà gia đình chúng tôi đang ở xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình đã làm đơn gửi lên phường mong được xây lại ngôi nhà gạch cấp 4 khoảng 30m2 để lấy chỗ thờ cúng tổ tiên. Khi nào dự án thực hiện, chúng tôi chấp nhận dỡ bỏ nhà, không đòi bồi thường bất cứ một đồng nào tiền công trình xây dựng trên đất. Thế nhưng phường cũng không đồng ý. Thậm chí, UBND phường cử cán bộ địa chính xuống suốt ngày đi quanh khu vực kiểm tra xem chúng tôi có xây thêm gì không”.

DN không thế chấp được đất đai, tài sản trên đất để vay vốn; người dân thì không cải tạo, xây dựng được thêm bất cứ công trình gì trên đất... bởi vì đất được nằm “treo” trong dự án.

Anh Phạm Ngọc Bình - địa chỉ 252 Phương Lưu 2 cũng bức xúc: “Nhà tôi có 100m2 cũng nằm trong đất dự án. Nhưng gần 10 năm nay, thấy nghe được tin là có đầu tư dự án tên là “Hồng Ngọc” đầu tư vào đây. Nhưng đầu tư lĩnh vực gì, chủ đầu tư là ai, mặt mũi thế nào, ở đâu chúng tôi cũng không được biết. Cũng chưa có buổi thông báo, họp bàn nào với dân. Quy hoạch thế nào chúng tôi cũng chưa biết, đất cũng chưa có bảng giá hay tiền đền bù gì nhưng cứ nhất định không cho chúng tôi xây dựng? Trong khi đó, quy định của nhà nước khẳng định: “diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất sau ba năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc huỷ bỏ và công bố”.

Nan giải chuyện tháo gỡ

Theo ông Đặng Thế Lưỡng - Tổng thư ký Hiệp hội DN quận Hải An thì: Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ để các DN có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay nhằm phục vụ kế hoạch sản xuất vì hiện nay phía ngân hàng không giải ngân được với lý do DN đang nằm trong vùng bị giải tỏa. Nhiều DN mong muốn chỉ cần được tạo điều kiện cho DN giao dịch với ngân hàng vay vốn 6 tháng để đầu tư tiếp cho sản xuất kinh doanh nhưng cũng không thể thực hiện được vì mắc vào Điều 29 – khoản 2 – Luật Đất đai 2003. Vì thế vấn đề này vướng ngay từ luật. Để tháo gỡ được là cả một vấn đề nan giải.

Theo ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội DN quận Hải An: đối với những dự án không mang tính khả thi hoặc chưa xác định được thời hạn thực hiện cụ thể thì Nhà nước nên ban hành các cơ chế hướng dẫn chính quyền các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện việc đăng ký giao dịch, bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân vay vốn với các ngân hàng trong thời gian ngắn (6 tháng – 1 năm). Đối với các chủ đầu tư, nếu xét thấy họ có năng lực yếu, tiềm lực kinh tế không mạnh, không đảm bảo thực hiện được dự án thì chính quyền cần có biện pháp thu hồi, giao cho chủ đầu tư mới có nhu cầu thực sự và tiềm lực kinh tế mạnh thực hiện.

Rõ ràng, dự án “treo” nhiều năm đã kéo theo biết bao DN lo lắng, đời sống của người dân nằm trên đất có dự án cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng để tháo gỡ được vấn đề này, không còn nằm ở chính quyền quận Hải An mà cần sự chung tay tháo gỡ UBND TP Hải Phòng.

Luật đất đai 2003, Điều 29 quy định việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:

“...Trường hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố có diện tích đất phải thu hồi mà Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nếu người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Nhà nước nghiêm cấm mọi hoạt động tự ý xây dựng, đầu tư bất động sản trong khu vực đất phải thu hồi để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình gắn liền với đất phải thu hồi mà làm thay đổi quy mô, cấp công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.

(Trong Luật Đất đai mới 2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2014 thì nội dung điều này vẫn được giữ nguyên)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo