Hậu Giang: Thiệt hại đền bù, dân...chịu?

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Hậu Giang: Thiệt hại đền bù, dân...chịu?

  • 10/11/2020
  • 90
Khu thương mại Vị Tân và trường cao đẳng Cộng đồng là hai dự án lớn triển khai tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) từ năm 2004. Gần 90ha đất nông nghiệp trong vùng dự án bị thu hồi với hơn 170 hộ dân trong diện giải toả trắng. Trong số này hiện có khoảng 20 gia đình phải sống trong những căn nhà dột nát chờ đợi chính sách bồi hoàn, tái định cư.

Hậu Giang: Thiệt hại đền bù, dân...chịu? | ảnh 1
Mái lá của bà Trần Thị Thuỷ giờ không còn khả năng che nắng, đậy mưa.

Bồi thường 10 – mua được 1

Căn nhà mái tôn tồi tàn chỉ rộng khoảng 10m2 của ông Trần Tài Hên nằm bên bờ kinh thuỷ lợi KH9, ấp 4, xã Vị Tân (thành phố Vị Thanh) hiện là nơi sống tạm qua ngày của chín nhân khẩu. Ông Hên nói, gọi là nhà chứ khi mưa thì ở trong nhà giống như ngoài sân. Thực tế là vậy, nhưng khi mình che thêm mái lá trú tạm, chính quyền địa phương đã tới lập biên bản.

Cùng xóm với ông Hên có gần chục căn nhà tuềnh toàng nhưng người dân tiếp tục bám đất, đợi ban quản lý dự án hoàn tất phần đền bù. Mái lá nhà bà Trần Thị Thuỷ đã rách nhưng không thể lợp lại vì không biết lúc nào dự án đuổi đi. Bi đát nhất là vợ chồng ông Nguyễn Văn Cần khi cái sườn nhà cũng không còn, vợ chồng phải ôm con trai mới sinh chạy về tá túc nhà mẹ ruột.

Tới lúc này, các dự án trên địa bàn Vị Tân chưa hoàn tất việc đền bù, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho khoảng phân nửa trong tổng số 170 hộ bị ảnh hưởng. Trong số đó, khoảng 20 hộ chưa nhận được bất cứ khoản bồi hoàn hay hỗ trợ nào từ dự án. Ông Cao Hoàng Châu, chủ tịch hội Nông dân xã Vị Tân lo ngại nguy cơ trở thành hộ nghèo của một bộ phận dân cư vùng giải toả là rất lớn – khi họ đã tiêu xài hết các khoản bồi hoàn. Chẳng đâu xa, ông Trần Văn Truyền bị giải toả ở ấp 5, phải giao 2.200m2 đất ruộng. Giá bồi hoàn (ở thời điểm 2010) 87.000 đồng/m2, ông Truyền nhận được 190 triệu đồng. Cầm số tiền này chạy sang ấp 4 mua lại nền đất vườn hơn 100m2 hết 80 triệu đồng, cất lại căn nhà cấp 4 thế là sạch tiền.

Các lớp dạy nghề: sửa xe, thú y, vệ sĩ… tại địa phương không mấy ai học khi họ là những lao động kiếm sống từng ngày và mức trợ cấp cho mỗi học viên đi học chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng/ngày.

Đất trắng!

Các dự án đã thu hồi đất và triển khai san lấp đồng nghĩa với việc vô hiệu hoá toàn bộ hệ thống thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp. Điều trớ trêu là sau khi làm cho đất gieo trồng mất khả năng khai thác thì các dự án bắt đầu… dừng. Dự án khu thương mại Vị Tân rộng 37ha thuộc ấp 6, xã Vị Tân là một minh chứng.

Chủ tịch hội nông dân xã Vị Tân, ông Cao Hoàng Châu tiếc rẻ, dự án treo càng lâu thì sự lãng phí càng lớn. Diện tích đất bị thu hồi từ hai dự án nêu trên gồm có đất vườn, đất rẫy trồng mía, đất ruộng trồng ba vụ lúa mỗi năm. Bình quân nhiều năm ở khu vực này, đất trồng lúa mỗi năm nông dân thu tối thiểu 15 tấn lúa/ha; trồng mía thu nhập không dưới 100 triệu đồng/ha/năm. Nếu tính hoa lợi ở mức thấp nhất là đất vườn tạp thì bảy năm qua nông dân ba ấp 3, 4, 5 mất đi hơn 42 tỉ đồng.

Ông Trần Văn Truyền nói, giá lúa càng cao người dân vùng này càng nóng ruột vì không còn ruộng để làm. Hơn hai công đất nếu không giao cho dự án, mỗi năm ông Truyền làm ra 5 tấn lúa, giá lúa có rẻ mấy thì cũng có gạo ăn quanh năm. Còn bây giờ, trong khi đất lúa ba vụ phải bỏ hoang cho cỏ mọc, những nông dân mất đất phải đi mua gạo, và toàn xã Vị Tân còn trên 400 hộ nghèo (hơn 14%).

Bảy năm “treo” sao không thu hồi?

Ông Nguyễn Ngọc Hùng (ấp 4) cầm trong tay bảng thuyết minh giá trị dự kiến bồi thường hỗ trợ của ban bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng từ tháng 12.2009, nhưng cho tới nay vẫn cứ phải nằm chờ. Ông Hùng lo ngại, đến khi nhận được bồi hoàn (theo áp giá 2009) không biết sẽ mua lại được thứ gì khi giá đất ngày một tăng.

Giải thích về chuyện kéo dài thời gian đền bù giải toả, ban bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng cho rằng, tiến độ chậm do chịu ảnh hưởng từ nguồn vốn triển khai của chủ dự án. Theo ông Lê Văn Vũ, phó chủ tịch UBND xã Vị Tân, những hộ dân đang còn trong cảnh nhà rách vách nát – trong vùng dự án, là những hộ có số nhân khẩu thực tế và số nhân khẩu trong hộ khẩu không ăn khớp nhau. Trong lúc chính sách hỗ trợ ổn định cuộc sống căn cứ theo nhân khẩu trong hộ khẩu để thực hiện thì số nhân khẩu thực tế lại cao hơn.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, nói, theo điều 29 luật Đất đai: đối với đất được quy hoạch để thực hiện dự án mà sau ba năm không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải điều chỉnh hay huỷ bỏ quy hoạch. Đối chiếu với dự án khu thương mại Vị Tân, đến nay đã bảy năm nhưng chuyện thu hồi dự án sao chưa đặt ra?

Đồng thời, người dân sống trong vùng đã công bố quy hoạch xây dựng được duyệt nhưng chưa thực hiện thì vẫn được phép xây dựng tạm theo thời hạn thực hiện quy hoạch. Đối chiếu với nghị định 197, nếu việc bồi thường chậm do lỗi của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do UBND cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi, thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường.

(Theo SGTT)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo