Khóc dở mếu dở khi mua nhà, đất đồng sử dụng

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Khóc dở mếu dở khi mua nhà, đất đồng sử dụng

  • 16/10/2020
  • 114

Năm 2013, anh N. mua 58m2 đất vườn trong khu đất rộng hơn 1.100m2 trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Long Trường, quận 9, Tp.HCM.

Khóc dở, mếu dở

Ban đầu, anh N. được công ty môi giới hứa hẹn sẽ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng và xin phép xây dựng để anh có thể xây nhà trên đất này. Nhưng khi anh thanh toán tiền xong, công ty môi giới chỉ làm thủ tục chuyển mục đích sang đất ở rồi… dừng lại.

Khi lên quận hỏi xin tách thửa, anh N. mới biết đất của anh không đủ điều kiện vì toàn bộ khu đất chưa có hạ tầng.

Anh N. cho biết, toàn khu đất đã được cấp phép xây dựng (trên giấy phép xây dựng có tên 18 người đồng sử dụng) và được phép xây dựng với tỷ lệ 60%. Năm hộ mua trước đề nghị được xây dựng trước, còn những người mua sau như anh N. phải xây sau và phải được mọi người đồng thuận. Tuy nhiên, chỉ có 2 trường hợp xây nhà nhưng xây sai so với giấy phép xây dựng nên không được hoàn công.

Vì quá phức tạp nên anh N. quyết định mua tiếp một miếng đất 34m2 bên cạnh bằng giấy tay để được tách thửa và tránh liên quan đến các hộ còn lại. Tuy nhiên, anh N. vẫn không được tách thửa và cấp phép xây dựng. Anh N. nói: “Vì quận không biết chính xác tôi được sử dụng bao nhiêu m2 đất do giấy chứng nhận không thể hiện”.

Sau đó, anh N. quyết định bán tài sản “bỏ của chạy lấy người”. Anh N. cho hay, tôi rao bán mãi mà không có ai mua vì pháp lý quá phức tạp. Thật may khi đang thời kỳ sốt đất, chủ đất đã mua lại hết để làm lại toàn bộ rồi tiếp tục bán.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài quận 9, dạng một khu đất có nhiều người cùng đứng tên cũng khá nhiều tại các quận 12, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh… Cũng có không ít khu đất chỉ 1.000-2.000m2 nhưng số người cũng đứng tên lên tới 20-30 người. Những lô đất ngầm phân ra đều không có đủ điều kiện để tách thửa. Người mua được hứa hẹn xin cấp phép xây dựng, tách sổ nhưng không ít trường hợp phải khóc dở mếu dở như trên.

mua bán nhà đất giấy tay
Khu đất trên đường XTT 6-2 đã có một dãy nhà được xây sẵn, được bán giấy tay và đã có người ở. Một số căn còn lại với diện tích 35m2 đang được rao bán với giá gần 900 triệu đồng. Một khu đất trống phía sau dãy nhà cũng đang chuẩn bị xây dựng. Ảnh: Việt Hoa.

Vẫn liều mua dù biết rủi ro

Những trường hợp trên vẫn còn được bên bán công chứng, sang tên... Một dạng phổ biến khác cũng đang tràn lan ở ngoại thành hoặc các quận, huyện vùng ven. Đó là với những khu đất rộng 1.000-2.000m2, chủ đất xin một giấy phép xây dựng rồi xây hàng loạt căn nhà khoảng 20-40m2 nhưng không đủ chuẩn để tách thửa rồi bán bằng giấy tay với giá từ 700 triệu đến 1,5 tỷ đồng.

Khi giao dịch, bên bán chỉ cùng bên mua đến văn phòng thừa phát lại lập vi bằng làm chứng về việc giao nhận tiền thay vì phải công chứng, sang tên. Mỗi người mua được giữ một bản vi bằng và một bản phôtô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung. Nhiều người mua vẫn nghĩ giấy tờ đó là cơ sở pháp lý về nhà, đất của họ.

Khu vực điển hình xảy ra tình trạng này là xã Thới Tam Thôn và Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn).

Một khu đất hơn 700m2 tại đường XTT 6-2, ấp 3, xã Xuân Thới Thượng đã được xây 20 căn nhà thành 2 dãy úp mặt vào nhau. Diện tích mỗi căn khoảng 35m2, gồm 1 trệt, 1 lầu, khá khang trang.

mua nhà đồng sở hữu
Bà Trần Thị Lan mua bằng giấy tay căn nhà 35m2 tại đường XTT 6-2, huyện Hóc Môn. Trong ảnh: bà Lan và chủ đất đang lập vi bằng tại một văn phòng thừa phát lại. Ảnh: Việt Hoa.

Bà Trần Thị Lan mua nhà với giá 500 triệu đồng và về đây ở từ năm 2015. Tuy nhiên, bà Lan cho biết, hiện những căn nhà này đã được bán lại với giá 950 triệu đồng nhưng cũng chỉ được giữ một bản phôtô giấy chứng nhận đứng tên chủ đất và một bản vi bằng.

Bà Lan nói: “Hiện, nhà nước đã cho phép cấp giấy tờ cho nhà mua bán bằng giấy tay đến năm 2008 rồi. Chắc vài năm nữa, chúng tôi cũng sẽ được cấp chủ quyền thôi. Đã có vi bằng đàng hoàng nên cũng yên tâm”.

Tại quận 12, bà Nguyễn Thị Lệ cũng mua căn nhà 33m2 với giá hơn 600 triệu đồng bằng giấy tay và chung giấy chứng nhận tại đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân. Theo bà Lệ, khi mua, chủ đất cũng chỉ gửi mỗi bên một bản vi bằng còn giấy đỏ vẫn đứng tên chủ đất và được giao cho một hộ đại diện giữ.

Bà Lệ cho hay: “Biết là rủi ro nhưng ít tiền cũng liều mua, dù sao nhà cửa cũng khang trang, sạch đẹp, rộng rãi hơn cảnh phải đi ở trọ”.

Tình trạng này cũng đang diễn ra tại các nơi khác như huyện Củ Chi (xã Tân Phú Trung, Bình Mỹ, Tân Thạnh Đông), huyện Nhà Bè…

“Quá phức tạp, khuyên chị đừng mua”

Dành dụm mãi, vợ chồng anh Minh mới mua được một miếng đất diện tích 45m2 tại đường Võ Văn Hát, phường Trường Thạnh, quận 9. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh phải đứng chung tên với 15 người khác. Phải trầy trật mãi hơn 3 năm sau khi mua đất xong anh mới xây được nhà.

Anh Minh cho biết, những người đứng chung giấy chứng nhận đất với anh đến nay vẫn không xin được phép xây dựng. Có trường hợp rao bán diện tích đất như nhà anh Minh với giá 500 triệu đồng nhưng cũng không ai mua, trong khi xung quanh khu vực đường Võ Văn Hát, đất hiện đã có giá 20-30 triệu đồng/m2.

Anh Minh nói khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua đất tại đây: “Chị vay thêm tiền mua chỗ khác chứ mua ở đây rủi ro và phức tạp lắm. Tôi khuyên chị chân thành là không nên mua”.

Lo sợ biến tướng từ “ba chung”

Tại cuộc họp về việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Tp.HCM mới đây, nhiều địa phương đã bày tỏ lo lắng về tình trạng nhà, đất ba chung: chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà.

Các địa phương cho hay, biết tình trạng pháp lý về nhà, đất này, người mua vẫn chấp nhận mua vì tin rằng pháp luật sẽ thay đổi và họ sẽ được cấp giấy.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, phải đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân nhưng cơ quan chức năng phải kịp thời chấn chỉnh, quyết liệt xử lý những biến tướng lợi dụng, làm ảnh hưởng xấu đến quy hoạch, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Nếu không, quản lý nhà nước về đô thị sẽ gặp rất nhiều hệ lụy chứ không chỉ riêng người dân phải chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo