Kiến trúc thành cổ Avignon

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Kiến trúc thành cổ Avignon

  • 26/08/2020
  • 132
Vẻ đồ sộ, nguy nga, đan xen với những nét chạm trổ đầy tinh tế ở các toà kiến trúc của thành cổ Avignon chính là những thành tố lịch sử, như đang muốn đưa tôi ngược quá khứ trở về với thời gian từ hơn bảy thế kỷ trước.

Kiến trúc thành cổ Avignon | ảnh 1
Kiến trúc Gothic trong trang trí chi tiết các thánh đường ở Agvinon.

Cách đây hơn 700 năm, Avignon – toà thành cổ nằm ven dòng sông Rhone này là một trung tâm quyền lực, một thánh địa của Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới bởi là nơi sống và làm việc, cai quản giáo hội của chín đời giáo hoàng trong gần một thế kỷ. Vẻ đẹp, sức hấp dẫn của những kiến trúc cổ được bảo tồn cho đến ngày nay, cùng những câu chuyện lịch sử hình thành đầy thăng trầm đã khiến toà thành này được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới từ 1995.

Đường về Avignon

Thành cổ Avignon, thủ phủ của tỉnh Vaucluse vùng Provence, miền nam nước Pháp, cách Lyon gần một giờ tàu cao tốc TGV và cách Paris hơn 600 cây số. Rời nhà ga tàu cao tốc TGV chưa đầy 15 phút đi xe buýt công cộng, tôi đến được trạm dừng cuối là ga tàu điện ngay đối diện với thành cổ Avignon. Hành khách lục tục xuống xe, với những khách du lịch thật dễ nhận diện bởi trong tay ai cũng sẵn sàng với đủ thể loại máy ảnh. Thành cổ Avignon với tường cao vút, ước chừng phải trên 5m, phủ một màu xám xịt trải dài thật bề thế, ở ngay đối diện ga tàu điện. Từ trạm xe buýt, mất vài bước sang bên kia đường, qua cổng chính của tường thành, tôi đã đặt chân vào thành cổ Avignon và đang đứng trên con đường Cộng Hoà (Rue de la Republique) dẫn lối vào trung tâm thành cổ. Không có những ồn ào, xô bồ, xe cộ tấp nập, chỉ có con đường rợp bóng mát, với những quán nhỏ góc phố dễ thương là những cảm nhận đầu tiên khi đến với Avignon.

Kiến trúc thành cổ Avignon | ảnh 2

Toà thành cổ với rất nhiều kiến trúc cổ đã qua hơn hai thế kỷ tồn tại, nhưng hầu hết được bảo tồn kỹ lưỡng theo thời gian, ngay từ những chi tiết điêu khắc, chạm trổ trên nền đá hoa cương vẫn còn nguyên vẹn. Có lẽ, ở một nơi xa với đô thành ánh sáng Paris, không gian và thời gian như chậm lại, những xô bồ của một xã hội hiện đại khi tràn đến Avignon phải nhường chỗ cho sự trầm mặc, uy nghiêm của các toà kiến trúc cổ. Dù nhan sắc của các toà kiến trúc ấy còn nguyên vẹn hay đã phần nào bị tàn phá bởi thời gian, cũng đều là những nét chấm phá rất duyên dáng, điệu đà trong tổng thể kiến trúc của thành cổ Avignon. Một góc của nhà thờ thánh Didier với kiến trúc Gothic đặc trưng là một ví dụ điển hình mà tôi gặp phải trong hành trình khám phá vẻ đẹp kiến trúc ở khu phố cổ.

Cuối đường Cộng Hoà là toà thị chính, một biểu trưng cho bộ mặt quyền lực của Avignon từ bao năm qua, sừng sững với tháp chuông cao vút cũng được thể hiện theo kiến trúc Gothic, với các chi tiết trang trí trên nền đá thể hiện trình độ điêu khắc đạt đến cực đỉnh của các nghệ nhân xưa khi bắt tay xây dựng toà thành cổ này. Người xưa khi xây dựng quy hoạch thành cổ quả thật rất tài tình và tinh tế, cả một quần thể kiến trúc xoay quanh toà nhà thị chính với nhà hát, khách sạn, khoảng trống nối liền các quần thể kiến trúc này là một quảng trường, là không gian thật tuyệt vời để những lữ khách như tôi khi mỏi gối, chồn chân với những bước đi trên nền đá cổ cần một chốn dừng chân thú vị để chiêm ngưỡng thêm vẻ đẹp nguy nga các toà kiến trúc đẹp của thành phố.

Cung điện Giáo hoàng

Từ toà thị chính, đi tiếp về hướng bờ sông Rhone không xa, sẽ thấy ngay một lâu đài đồ sộ, cao ngửa mặt án ngữ ở đường chân trời. Đó chính là trái tim Avignon, được gọi là cung điện Giáo hoàng, do vị giáo hoàng thứ ba của Avignon là Benedict 12 khởi công xây dựng, các vị kế nhiệm sau đó nối tiếp việc xây cung điện đồ sộ này trong suốt 30 năm từ 1334 – 1364 trong diện tích rộng đến 11.000m2.

Bên cạnh cung điện Giáo hoàng có một đỉnh tháp trên đó có bức tượng đức nữ Maria mạ vàng nổi bật trên nền trời xanh, đây chính là Vương cung thánh đường, được xây dựng từ thế kỷ 12 theo lối kiến trúc La Mã, thể hiện sự bề thế và cũng là một kết nối hoàn hảo với tổng thể kiến trúc của cung điện Giáo hoàng.

Kiến trúc thành cổ Avignon | ảnh 3

Ngược dòng lịch sử, các kiến trúc trong toà thành vững chãi Avignon này gắn liền với câu chuyện về lịch sử giáo hội Công giáo theo những thăng trầm của các đời giáo hoàng. Avignon có bảy đời giáo hoàng cai quản giáo hội, bắt đầu từ Giáo hoàng Clement thứ năm năm 1305 đến Giáo hoàng Gregoire thứ 11 năm 1378. Kể từ năm 1378, giáo hội Công giáo ở Roma có Giáo hoàng thứ sáu là Urban, sau đó do biến cố ly giáo, Agvinon bầu ra Giáo hoàng là Clemente thứ bảy, giáo hội lúc này có đến hai giáo hoàng, đưa đến cuộc ly giáo kéo dài 40 năm. Sau đức Clemente thứ bảy, Avignon còn một giáo hoàng kế vị nữa là đức Benedict 13, như vậy tổng cộng thành cổ Avignon từng có chín đời giáo hoàng sống và làm việc trong đó.

Len lỏi trong phố cổ Avignon, có cảm nhận rằng từng góc phố vắng vẻ, từng viên gạch lót đường, từng khối kiến trúc lại là một chuyện kể đầy thú vị về toà thành thời trung cổ của các đời giáo hoàng. Phố cổ có nhiều nhà thờ hầu hết được xây dựng với kiến trúc Gothic đặc trưng quen thuộc trong lối xây dựng các thánh đường thời trung cổ. Với các nét chạm trên gỗ, đá, rất tỉ mỉ, công phu, thể hiện một tài nghệ điêu khắc đạt đến độ toàn mỹ mà hầu hết các nghệ nhân của nghệ thuật trang trí trong kiến trúc Gothic đều là người Ý. Tôi được biết thêm ở Agvinon, cung điện Giáo hoàng là kiến trúc Gothic đồ sộ nhất trên thế giới, và các thánh đường trong thành cổ Agvinon như một nét chấm phá, góp phần tôn lên vẻ đẹp của những kiến trúc Gothic độc đáo bên dòng sông Rhone.

Mỗi thánh đường cổ ở Avignon đều có điểm chung là kiến trúc Gothic, nhưng trong chi tiết trang trí nội thất, mỗi thánh đường lại mang một nét đẹp khác biệt, dễ thấy từ các bức hoạ về đề tài Công giáo, về các vị thánh trong phúc âm, cả những hiện vật gắn liền với đời sống các vị thánh khi xưa như trang phục, vật dụng, được trưng bày tựa như một bảo tàng giúp cho người xem có thêm những thông tin thú vị về lịch sử Công giáo ở thành cổ Avignon.

Biểu tượng Avignon

Rời những phố xá bình yên ở thành cổ, tôi theo chân khách bộ hành vào con đường bên cạnh cung điện Giáo hoàng và Vương cung thánh đường dẫn lối lên khu vườn nhỏ trên đỉnh đồi cao, tách biệt hẳn với phố xá cổ kính. Khu vườn là nơi tập hợp nhiều loại hoa lá, chim muông cũng tụ về các ao hồ để đùa vui, đem lại một không khí bình yên, như góp phần cho thành cổ Avignon thêm trầm mặc và cổ kính. Từ khu vườn trên đỉnh đồi này, có thể tận hưởng vẻ đẹp của dòng sông Rhone hiền hoà trôi, dòng chảy ấy như nhịp cầu nối những câu chuyện thành cổ Avignon từ quá khứ về hiện tại.

Kiến trúc thành cổ Avignon | ảnh 4
Cây cầu gãy nổi tiếng bắc ngang dòng sông Rhome

Kiến trúc thành cổ Avignon | ảnh 5
Quần thể kiến trúc Vương cung thánh đường và cung điện Giáo hoàng ở Avignon.

Ở trên đỉnh đồi cao này, biểu tượng của Avignon hiện ra trước mắt, đó chính là kiến trúc của cây cầu gãy nổi tiếng có tên gọi Saint Benezet, nhưng người ta quen gọi là cầu Avignon, được xây dựng vào thời điểm từ năm 1171 đến 1185, khi xây dựng cầu có 22 nhịp, hiện nay chỉ còn lại bốn nhịp, do bị lũ cuốn trôi và phải xây dựng lại nhiều lần. Những gì còn lại của cây cầu hôm nay thấy được là tồn tại từ năm 1660.

Đỉnh đồi cao cũng chính là góc đẹp nhất mà du khách thường chọn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông Rhone thơ mộng, cũng như được đối diện với bề thế của một toà thành Avignon vững chãi từ hơn năm thế kỷ tồn tại sau bao thăng trầm. Trên điểm cao này, ai cũng muốn ghi lại những hình ảnh đẹp với thành cổ Avignon, một di tích kỳ vĩ từ thời trung cổ do con người tác tạo.

Nhiều lữ khách khi đến với Avignon đều có chung cảm nhận rằng: nếu các thành phố lớn ở Pháp như Paris, Lyon, Marseille tượng trưng cho sự tiến bộ văn minh châu Âu, thì linh hồn của những nét văn minh ấy chính là sự bình yên của những miền quê yên ả, giàu bản sắc văn hoá, bề dày lịch sử, mà Avignon là một tiêu biểu trong số đó.

Kiến trúc thành cổ Avignon | ảnh 6
Sự bề thế của một toà kiến trúc hơn 700 năm tuổi.

Kiến trúc thành cổ Avignon | ảnh 7

Kiến trúc thành cổ Avignon | ảnh 8
Cung điện Giáo hoàng từng có vai trò như một pháo đài kiên cố.

(Theo SGTT)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo