Mua chung cư, không biết khi nào được 'nhìn mặt' sổ hồng

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Mua chung cư, không biết khi nào được 'nhìn mặt' sổ hồng

  • 26/10/2020
  • 109

Chờ đợi quá lâu

Là một trong những khách hàng mua căn hộ tại dự án Ascent tại phường Thảo Điền, quận 2, Tp.HCM của Cty Tiến Phát, anh Hoàng Tú bức xúc cho biết, lúc tìm hiểu thông tin về căn hộ, anh được giới thiệu đây là dự án cao cấp, chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh nên cư dân sẽ nhanh chóng được cấp sổ hồng sau khi nhận nhà. Vậy nhưng, đến nay anh Tú đã dọn vào ở được 2 năm mà vẫn chưa được nhận sổ hồng. Phía chủ đầu tư thì không có cam kết nào cụ thể mà viện lý do chậm ở các thủ tục hành chính của nhà nước.

Thậm chí tại không ít dự án chung cư trên địa bàn Tp.HCM, sau 6 năm, hoặc có khi gần 10 năm vào ở, người dân vẫn không thấy sổ hồng đâu. Trong số này, sự chậm trễ phần nhiều là do các chủ đầu tư đã đem dự án đi cầm cố, không trả được nợ hoặc có những sai phạm trong công tác xây dựng, xảy ra tranh chấp. Ví dụ điển hình là trường hợp chung cư Phú Thạnh, quận Tân Phú, Tp.HCM của Cty CP Xây dựng công trình 585. Được biết 840 hộ dân mua căn hộ tại chung cư này đã dọn vào ở từ giữa năm 2011, nhưng 6 năm qua,  họ vẫn đang phải “dài cổ” chờ được cấp sổ hồng.

sổ hồng căn hộ chung cư
Sau nhiều năm nhận nhà vào ở, nhiều người dân tại Tp.HCM vẫn chưa biết "mặt mũi"
sổ hồng căn hộ chung cư ra sao. Ảnh minh họa: B.C

Theo các cư dân chung cư Phú Thạnh, để được nhận căn hộ, họ đã phải trả đến 95% tiền mua nhà, cộng thêm 2% phí bảo trì chung cư. Thời điểm nhận bàn giao, phía chủ đầu tư cũng đã cam kết chắc nịch là sẽ làm thủ tục cấp sổ hồng sau 1 năm nữa, khi đó người dân mới phải trả số tiền còn lại. Vậy mà đến nay, chưa cư dân nào được nhận giấy chứng nhận chủ quyền căn hộ dù đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Bức xúc hơn, chủ đầu tư chung cư Phú Thạnh là Cty 585 đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án này cho Ngân hàng Việt Á để vay hơn 200 tỉ đồng. Hiện tại, khoản nợ xấu này cũng đã được Ngân hàng Việt Á bán cho VAMC. Người dân mua nhà tại đây chua chát nói: “Nhà mình mua đã nộp đủ tiền mà giấy tờ chủ đầu tư đứng tên, chẳng khác gì đang ở trọ trong nhà mình”.

Thời điểm cuối năm 2017, Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM từng cung cấp con số báo cáo cho biết, trên địa bàn thành phố đến thời điểm đó vẫn còn hơn 16.000 giấy chứng nhận tồn đọng do chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó, Sở cũng cho biết đang đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục để cấp cho người mua nhà.

Có sự buông lỏng quản lý?

Theo quy định, sau khi chủ đầu tư hoàn thiện công trình cùng với các tiện ích khác thì sẽ phải thực hiện cấp sổ hồng căn hộ chung cư cho người dân. Nghĩa là, chủ đầu tư chỉ làm hồ sơ cấp sổ hồng cho từng căn hộ sau khi đã hoàn tất hồ sơ hoàn công. Như vậy nếu chủ đầu tư hoàn thiện công trình chậm trễ so với thiết kế đã được phê duyệt thì khâu làm hồ sơ cấp sổ hồng cũng bị chậm.

Với những chung cư đã giao nhà cho dân vào ở nhiều năm mà chưa có sổ hồng, nguyên nhân có thể do chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết xây dựng các công trình tiện ích, công trình xã hội. Điều này khiến công trình không đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ cấp sổ hồng. Một nguyên nhân khác là do chủ đầu tư không làm đúng theo phê duyệt dự án, để xảy ra vướng mắc. Tất nhiên, dù vì lý do nào thì người mua nhà vẫn là người chịu thiệt.

Bên cạnh đó, một số chung cư cũng xảy ra tình trạng, chủ đầu tư đã thực hiện công tác cấp sổ đỏ cho cả dự án, nhưng sau đó đem thế chấp ngân hàng để vay thêm vốn, khiến việc xin cấp sổ hồng cho các chủ căn hộ bị ách lại.

Vấn đề khiến các cư dân bức xúc và đặt câu hỏi là, việc chủ đầu tư đem tài sản cụ thể là các căn hộ đã bán cho người dân để thế chấp có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Dưới góc nhìn luật pháp, luật sư Nguyễn Thanh Nhã (VP Luật sư DBS) nhìn nhận, việc mang tài sản đã bán cho người dân đi thế chấp ngân hàng của chủ đầu tư có thể coi là hành vi lừa gạt. Tuy nhiên, thực tế trước khi cho vay các ngân hàng đều có thể kiểm tra và biết tài sản đã bán cho các cư dân hay chưa. “Theo tôi, trường hợp này nếu ngân hàng không tiếp tay thì khó có thể làm như vậy được. Do đó, khả năng có sự thông đồng ở đây là rất cao”, ông Nhã khẳng định.

Một số chuyên gia trong ngành khuyến nghị, nếu chủ đầu tư chung cư mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp tại ngân hàng, các cư dân cần phải có ban quản trị chung cư. Đơn vị này sẽ thay mặt người dân làm việc trực tiếp với chủ đầu tư và cơ quan quản lý. Đồng thời, ban quản trị cũng cần liên hệ với Sở Tài nguyên - Môi trường và ngân hàng, nơi chủ đầu tư đem dự án thế chấp vay vốn để nắm rõ các thông tin về số tiền vay, thời gian thanh toán, từ đó tìm hướng giải quyết hợp lý.

Hiện nay, việc cấp sổ hồng cho các căn hộ chung cư đều đã có quy định rất rõ ràng. Khi mua căn hộ, khách hàng cần nghiên cứu thật kỹ về pháp lý của dự án cũng như uy tín của chủ đầu tư. Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với người mua là căn cứ quan trọng giúp hạn chế rủi ro cũng như xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có trách nhiệm. Không thể xem việc mua bán căn hộ chỉ là mối quan hệ đơn thuần giữa người mua nhà và chủ đầu tư. Bởi lẽ, người dân mua nhà bao giờ cũng ở thế yếu so với chủ đầu tư, hơn nữa họ cũng không thể tự kiểm soát hết được những rủi ro trong giao dịch.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo