Nhà của Đặng Thiên Chương: Sống chia sẻ để được cộng hưởng

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Nhà của Đặng Thiên Chương: Sống chia sẻ để được cộng hưởng

  • 03/09/2020
  • 107
Không gian sống của Đặng Thiên Chương là một nốt trầm dịu nhẹ có khả năng thanh lọc mọi xô bồ ồn tạp, để bạn có thể ngồi lại, ngắm nhìn nắng đi qua một buổi chiều thật êm, nhẩn nha trò chuyện với chủ nhân về cuộc sống, về những giấc mơ…
 
 

-  Anh nghĩ gì về xu hướng sống xanh trên thế giới? Xu hướng ấy đã thực sự trở thành một lối sống trong giới trẻ Việt Nam?

Trong bức tranh chung của một xã hội đầy ảm đạm, con người bị cuốn theo vòng quay của vật chất, tiền bạc, quyền lực đến mức không dừng lại được, tôi vẫn thấy xuất hiện một xu hướng sống mới. Ngày càng nhiều người hướng đến chất lượng sống nhiều hơn, không chạy theo những chuẩn mực chung của xã hội về thành đạt. Tôi có nhiều người bạn nước ngoài, mỗi người có một cách thực hành lối sống xanh khác nhau, nhưng rất triệt để, thân thiện với môi trường, loại bỏ những hoá chất trong tất cả mọi hành vi tiêu dùng và môi trường làm việc, tất cả rau quả thức ăn vô người đều được kiểm soát kỹ lắm. Nhưng với giới trẻ Việt Nam, dường như lối sống xanh vẫn chưa được đón chào nhiều lắm, có thể do cách suy nghĩ, sinh hoạt của mình còn lạc hậu so với trào lưu chung của thế giới, nên chúng ta chưa có hiểu biết, biểu hiện phù hợp với cách sống đó.
 
 

Để hình thành một lối sống xanh, cần giáo dục một cách xuyên suốt, triệt để cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ mới tạo thành nền tảng văn hoá sâu sắc trong mỗi cá nhân. Một đứa trẻ phải có hiểu biết sơ đẳng nhất như không bỏ rác nơi công cộng, biết phân biệt rác nào là hữu cơ, có thể tái sử dụng, rác nào là vô cơ… Lối sống xanh đòi hỏi người ta phải có rất nhiều nỗ lực mới biến nó thành hiện thực.

-  Khi tiếp quản căn nhà cấp bốn này, để biến thành nơi ở và nơi làm việc theo tiêu chí xanh, điều gì khiến anh quan tâm nhất?
 
 

Căn nhà này trước kia là một hình mẫu khá phổ biến 4 x 20m của những gia đình sống đông người, với nhiều phòng nhỏ ở trong, phía ngoài là một bức tường xây cao bít kín lại, không được thông thoáng lắm. Tôi không đụng gì vào kết cấu chính của căn nhà, điều tôi muốn thay đổi là tạo sự luân chuyển không khí, đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà. Đập hết các bức tường ngăn cách bên trong, chỉ giữ lại cái vỏ nhà, bỏ bức tường bít kín bên ngoài, lấy cái cửa nhà ngày xưa làm cổng, lấy hè đổ đất vô để thành vườn cây, và biến mặt tiền nhà thành cửa kính… Thế là thành một không gian thông thoáng. Tôi nghĩ nhà ống mặt phố vẫn có thể tạo ra không gian sống xanh nếu mình có suy nghĩ nghiêm túc về nó.

-  Để không gian sống xanh này thực sự có hồn vía, đòi hỏi chủ nhân phải có sự chăm chút hàng ngày như thể nào?

Với khu vườn nhỏ xíu xinh xắn trước nhà, tôi để cho cây lá mọc tự nhiên. Hồi xưa tôi có một chậu hoa, do chăm sóc kém quá nên cây chết, tự nhiên có cái cây dại mọc lên, tôi để vậy luôn. Tôi cần những cây lá xum xuê, để có sự sống, chứ không tốn tiền nhiều cho cây cảnh. Tôi thích cái sự tự nhiên. Cái mình cần là màu xanh mát mắt thôi. Tôi cũng hay trồng lúa, vô cùng đơn giản, nhưng nó gợi nhớ cả một khung trời tuổi thơ…
 
 

Tạo không gian xanh không khó, bạn có thể thuê người trồng vườn, nhưng để tạo một lối sống xanh, đòi hỏi sự nỗ lực, chịu khó gấp nhiều lần của chủ nhân. Ví dụ như khi đi một buổi chợ chẳng hạn, nếu mua đầy đủ món ăn cho một ngày, ít nhất bạn phải cần đến bảy, tám bọc nilông. Làm thế nào để dồn hết tất cả rau, cá, hành tỏi vào một cái rổ như ông bà mình ngày xưa, hoặc ít nhất là chỉ hạn chế một cái hộp là một nỗ lực rất lớn từ chính mình. Có khi chỉ cần nói chuyện đó với người bán hàng thôi cũng rất phiền nhiễu, vì họ đã quen với cách cũ rồi. Để có một thành phố nói không với bao nilông như ông Nguyễn Sự đã làm được với Cù lao Chàm, phải cần rất nhiều công sức. Rất nhiều thứ không thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày, nhưng hãy từ từ, nếu mỗi người biết từ chối, sẽ tạo ra một trào lưu. Tôi nhớ ngày xưa, cách sống của ông bà mình xanh hơn rất nhiều, một gói xôi bằng lá sen, buộc bằng cọng rơm vàng thấy đẹp và ngon hơn gói bằng nilông nhiều. Với các sản phẩm thời trang của mình, tôi cũng không dung bọc nilông. Tất cả đều được đựng trong túi vải, hơi tốn kém một chút, nhưng người mua có thể tái sử dụng với những mục đích khác nhau, giặt sạch cũng dễ dàng.

-  Ngôi nhà của anh gần như… trống không, những đồ dùng trong nhà cũng có vẻ rất… tình cờ, được đặt để ở đó, nhưng cũng có vẻ sẵn sàng chờ một cuộc sắp đặt khác…?

Một công trình còn dang dở là sự tiếp nối, những không gian mở để người ta thấy mình trong đó, tự do hơn. Điều đầu tiên tôi muốn đó là một căn nhà trống, sự tiện lợi, ý đồ làm việc sẽ được thoả mãn từ từ, đó là cách khôn ngoan nhất cho người mới lập thân. Bạn đừng vội vàng đầu tư một lúc cho tất cả đồ đạc một cách hoàn hảo. Phải hiểu ngôi nhà của mình một cách từ tốn, lắng nghe từng góc nhỏ, biết xem từng sinh hoạt riêng tư của mình trùng hợp chỗ nào, công năng được thoả mãn như thế nào, rồi hãy đi chọn cho mình đúng món đồ phù hợp nhất.

Tôi nghĩ cách sắp đặt đồ đẹp nhất là để chúng thật tự nhiên. Tôi để đôi guốc cạnh cái vali, túi xách để ngay trên ghế, giống như cuộc sống hàng ngày vậy. Tôi rất sợ khi người ta mua một món đồ không hợp với mình mà vẫn phải ráng chịu đựng. Cách sắp xếp đồ đạc như thế giúp cho khách hàng hình dung ra món đồ khi xuất hiện trong nhà mình. Đó là ý tưởng kinh doanh của tôi. Người ta mua một món đồ là phải sử dụng được, và không bị áp lực trong việc mua hàng. Với thời trang, nếu mặc một lần thấy không hợp vẫn trả lại được. Nếu chưa quyết định mua, bạn cũng có thể mang đồ về mặc thử xem có hợp không. Nghe có vẻ không thương mại, có thể sẽ chậm hơn, có thể bị mất doanh số, nhưng thực sự lại là điều tốt cho thương mại, vì mặc đẹp, thì chính họ lại là marketing rất tốt cho thương hiệu.
 
 

-  Tôi rất ấn tượng với khu vườn bé xíu của anh, cả cánh cổng màu xanh và cái ngưỡng cửa nhỏ nhắn…?

Cũng có nhiều người bạn của tôi tâm sự, đến đây vì thích cái vườn, cái cửa vô nhà thấy thương, vì có cái hàng rào đằng trước… nó làm cho người ta cảm động… Khi làm nhà, điều đầu tiên là đường đi vô một cái nhà, nó sẽ nói người chủ nhân ấy đầu óc thế nào, có muốn chào đón mọi người không? Có rất nhiều cửa hàng mặt tiền mà người ta lười bước chân qua ngưỡng cửa, bởi nó thiếu một khoảng đệm, thiếu một cánh cửa luôn luôn mở. Bước đệm đó là cái lọc cực kỳ tinh tế và khôn ngoan, giúp ta không bị kẻ xấu bước vô nhà. Bước đệm đó khiến cho người có cùng suy nghĩ dễ đồng cảm với mình, và kích thích cho chuyện họ quay trở lại.

Với một cửa hàng, thì cửa sổ vô cùng quan trọng. Ở những thành phố thương mại lớn, người ta đầu tư về ánh sáng, thiết kế cho cái cửa sổ rất nhiều, đặc biệt mùa lễ hội. Nhà tôi có một cái cửa sổ mà người đi đường có thể nhìn vào, thấy mấy người ngồi uống trà, ăn cơm, bên một bình hoa tươi tắn… một không gian đầm ấm, dễ chịu.

Không gian mình tạo ra phải được sử dụng tối đa. Bạn bè tôi và cả hàng xóm mỗi lần đi ngang qua đều nhòm vào hỏi: “Có gì mới không?”. Khi không có khách, nếu bạn bè cần phải tiếp ai trong không gian này đều có thể đến. Chuyện đó rất bình thường. Tôi là người thích quan sát. Hạnh phúc đến từ một buổi tiệc của bạn bè, khi thấy mỗi người chơi đàn, hát với nhau thoải mái và đầy hưng phấn. Đó là phần thưởng của mình. Nó khiến tôi ý thức không gian sống của mình ý nghĩa hơn.

-  Như thế có làm anh mất đi không gian riêng tư?

Điều thích thú nhất của người độc thân là được sống trong một không gian không giới hạn, có thể di chuyển từ phòng ngủ sang phòng tắm, rồi vào phòng ăn một cách dễ chịu, không có sự gò bó nào. Chủ trương sống cho mình, nên trong nhà không có đồ mắc tiền, không giữ nhiều tiền mặt, nên không có gì phải lo sợ. Như thế dễ chia sẻ không gian sống của mình với người khác hơn. Tôi nghĩ sống càng đơn giản, càng được cộng hưởng.
 
 

-  Từ khi nào anh thấy được con người mình?

Khi một người đàn ông phải sống độc thân, rất nhiều thứ phải lo rất buồn cười, việc gì cũng phải làm hết. Từ đó, mình hiểu, không có việc gì là của riêng phụ nữ. Tôi yêu thích nhất là cảm giác mỗi buổi sáng thức dậy xuống bếp pha càphê, tận hưởng cái yên tĩnh trong một con hẻm nhỏ, tiếng bán hàng xôn xao…lúc ấy tôi thấy mình tràn đầy năng lượng. Sự tự tại trong mình chính là điều quý nhất, chứ không phải là những thứ bên ngoài như xe hơi, nhà lầu, tiền bạc. Mọi giá trị vật chất đều có thể mất đi, chỉ có sức mạnh trong mình mới là điều không thể mất.

-  Quan niệm sống nào giúp anh có được sức mạnh nội tại?

Lạc quan, nhìn mọi thứ dưới cái nhìn tích cực. Mỗi khi gặp sự cố, đừng để nó nhấn chìm, hãy lùi lại một khoảng cách, quan sát nó, sẽ tìm ra những giải pháp chấp nhận đơn giản, tốt hơn.

-  Điều gì giúp anh gìn giữ được tình yêu?

Tôi có tình yêu cho rất nhiều thứ. Tình yêu là sự thông hiểu. Khi có sự chia sẻ là có mầm mống của yêu thương. Tôi không đặt nặng vấn đề thời gian cho một mối quan hệ nào đó, cũng không níu kéo, không làm người khác mệt mỏi. Muốn giữ một cái gì bền chặt thì đừng có cột. Hãy để mở như vậy và đừng chờ đợi nó sẽ là mãi mãi, yêu là yêu. Nếu còn tôn trọng, còn thấy cần thiết, thì tình yêu luôn hiện diện.
Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo