Nhà ở xã hội: bao giờ giấc mơ thành hiện thực ?: Bài 2: Mối quan tâm hàng đầu - Chất lượng, giá cả, điều kiện được mua

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Nhà ở xã hội: bao giờ giấc mơ thành hiện thực ?: Bài 2: Mối quan tâm hàng đầu - Chất lượng, giá cả, điều kiện được mua

  • 31/10/2020
  • 105

 

 
 

> Bài 1: Khát vọng an cư

 

Nhà giá rẻ chất lượng không thấp

 

Trước thông tin Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) công bố dự án nhà ở với mức giá 4 triệu đồng/m2 ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nhiều người cho rằng đây là mức giá siêu rẻ nếu so với các dự án nhà ở khác đang rao bán trên thị trường. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nhà ở giá rẻ sẽ là giải pháp hâm nóng thị trường bất động sản vốn ế ẩm suốt năm qua. Theo Vinaconex, tổng vốn đầu tư của dự án trên khoảng 195 tỷ đồng, các căn hộ rộng 50m2, có giá bán 195 triệu đồng/căn. Dự án tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) còn có giá rẻ hơn, chỉ 180 triệu đồng/căn. Cùng với Vinaconex, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) công bố sẽ xây hơn 4.100 căn nhà xã hội tại Mê Linh để phục vụ công nhân một số khu công nghiệp trên địa bàn.

 

Trước những băn khoăn về chất lượng của nhà giá rẻ, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho rằng, nhà ở giá thấp không có nghĩa chất lượng cũng thấp, mà tương đương nhà ở thương mại. Với phần thô, nhà ở loại nào cũng phải theo tiêu chuẩn như nhau. Có khác là ở vật liệu hoàn thiện cũng như công nghệ xây dựng giúp giảm giá thành. Có người nghĩ bỏ thang máy sẽ tiết kiệm chi phí, nhưng ngược lại xây thấp tầng lại lãng phí đất đai, tăng chi phí xây dựng. Để tiết kiệm điện trong quá trình sử dụng, nên áp dụng thiết kế thang máy 5 tầng có một điểm dừng, cách làm này đã được áp dụng cho dạng nhà dành cho người thu nhập thấp ở nước ngoài.

 

Liên quan đến vốn đầu tư, ông Tuân cho rằng, vốn chủ yếu vẫn từ đất, theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, đổi đất lấy công trình khi DN tham gia xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Mặt khác, DN cũng phải xác định đây là dạng dự án phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận ít, đòi hỏi trách nhiệm của DN với xã hội. 

Người thu nhập thấp có mua được nhà?

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, DN bán nhà ở mức giá 6-7 triệu đồng/m2 là hợp lý. Vì dù được miễn tiền sử dụng đất, thuế đất, DN vẫn phải chi phí để GPMB, nhiều khi chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm. Có thể mức giá 4 triệu đồng/m2 chỉ là giá thành xây dựng, DN không phải mất tiền đất vì họ làm trên đất của họ.

 

Theo ông Lê Vũ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư địa ốc Sông Hồng, các DN cổ phần cũng quan tâm đến mảng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sẽ khó triển khai, vì đất trong đô thị thường đắt nên giá thành xây dựng khó đáp ứng được mục tiêu "giá rẻ" nếu không được Nhà nước hỗ trợ triệt để. Đất đô thị sinh lợi lớn, nên ít DN dám bỏ lợi nhuận để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhưng nếu đặt nhà ở xã hội ở xa đô thị để hạ giá thành, vô tình lại đặt lên vai những người thu nhập thấp chi phí đáng kể cho việc đi lại. Một chuyên gia bất động sản cũng tính toán, nếu xây nhà giá thấp với tiện nghi tạm chấp nhận được, giá xây dựng khoảng 4 triệu đồng/m2. Trong 4 triệu đồng đó, 70% là diện tích ở, 30% là các hạng mục sử dụng chung như tầng hầm, cầu thang... Do vậy, khi ra thành phẩm, giá phải đến 6 triệu đồng/m2. Tính thêm tiền đầu tư đất, hạ tầng, phí chuyển mục đích sử dụng đất... giá cho 1m2 nhà giá thấp này phải xấp xỉ 10 triệu đồng. Nếu chọn mốc giá nhà chung cư 4 triệu đồng/m2 thì Nhà nước phải bù lỗ.

 

Trước băn khoăn về việc người thu nhập thấp có thể mua nhà hay không, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, người thu nhập thấp sẽ có 2 lựa chọn: thuê nhà với giá thuê thấp hoặc mua trả dần với giá hợp lý. Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, cần làm rõ cơ chế hỗ trợ tài chính cho người thu nhập thấp khi tiếp cận mô hình nhà giá thấp. Nếu không có cơ chế cụ thể, với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng, người thu nhập thấp không đủ điều kiện được vay vốn và cũng không đủ khả năng tích lũy mua nhà. Với các dự án bất động sản thông thường, giả sử có giá 300 triệu đồng/căn, khách hàng phải trả trước ít nhất 1/3, tức là 100 triệu đồng. Còn lại ngân hàng cho vay trong 10 năm. Như vậy, một tháng người này phải trả tiền gốc khoảng 1,7 triệu đồng, chưa kể lãi. Do đó, mức thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng là không khả thi. Hiện nay, với việc vay vốn tiêu dùng không phải thế chấp, là hình thức vay dễ nhất, người vay phải chứng minh thu nhập đủ khả năng thanh toán khoản vay, tối thiểu là 3 triệu đồng/tháng với mức vay thấp nhất khoảng 20 triệu đồng.

 

Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, không nên kỳ vọng nhiều vào việc ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà giá thấp, bởi bản chất của ngân hàng là đi vay và cho vay. Chỉ có Nhà nước mới làm được điều này thông qua các ngân hàng chính sách để hỗ trợ lãi suất cho người có thu nhập thấp. Ông Liêm khuyên người thu nhập thấp không nên vội vã đi vay để thỏa mãn ước mơ sở hữu căn hộ của mình. Nếu không đủ khả năng mua, người thu nhập thấp nên thuê nhà, để dành tiền cải thiện thu nhập của mình trước, đến khi đủ điều kiện mới mua.

Theo Hà Nội Mới

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo