Nhà tạm trong khu quy hoạch: Chỉ được xây bán kiên cố

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Nhà tạm trong khu quy hoạch: Chỉ được xây bán kiên cố

  • 11/11/2020
  • 87

Không phải là xây lố 4-7 tầng như các công trình ở quận 1 vừa qua hay lấn chiếm không gian chung, có lúc việc xây nhà kiên cố cho an toàn cũng bị phạt, buộc phải tháo dỡ thành nhà bán kiên cố. Đó là trường hợp nhà xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm áp dụng cho khu vực quy hoạch “treo” dù chủ nhà đã cam kết tự tháo dỡ, không bồi thường khi quy hoạch được thực hiện.

Nơi kiên quyết, nơi thương tình cho “treo”

Do nằm trong quy hoạch (chưa biết thời gian thực hiện) nên căn nhà số 159/52/21E Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 của bà ĐTN chỉ được UBND quận 3 cấp phép xây dựng tạm với hình thức nhà ở bán kiên cố. Muốn đảm bảo an toàn và kéo dài tuổi thọ công trình, bà N. thay đổi kết cấu nhà từ bán kiên cố thành kiên cố (không thay đổi quy mô) và bị Thanh tra xây dựng (TTXD) quận 3 xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, bà N. bị phạt 7,5 triệu đồng và tháo dỡ diện tích xây dựng trái phép, tức phần công trình kiên cố phải đập thành bán kiên cố theo đúng giấy phép xây dựng tạm.

Bà N. nộp tiền phạt nhưng xin cứu xét được tạm sử dụng phần công trình bị cho là sai phép. Bà cũng cam kết sẽ tự nguyện tháo dỡ công trình khi nhà nước thực hiện quy hoạch giải tỏa mà không đòi bồi thường phần công trình sai giấy phép. Trong văn bản xin hướng dẫn biện pháp xử lý cho trường hợp này gửi Sở Xây dựng, lãnh đạo quận 3 cũng nhận định “hành vi vi phạm của chủ đầu tư là đặc thù, chỉ làm khác kết cấu từ bán kiên cố thành kiên cố”. Tuy nhiên, vào tháng 6-2010, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND quận 3 chỉ đạo TTXD quận yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm quyết định xử phạt. Nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ, UBND quận 3 phải cưỡng chế. Hiện gia đình bà N. vẫn tiếp tục xin cứu xét...


Căn nhà của bà N. hiện đang trùm mền chờ tháo dỡ do xây kiên cố. Ảnh: CẨM TÚ

Trường hợp của bà N. không phải là cá biệt. Một lãnh đạo TTXD quận 10 cho hay cơ quan này từng gặp nhiều trường hợp tương tự ở đường CT, đường Tam Đảo (phường 15) do khu vực này thuộc hành lang an toàn điện và có quy hoạch công viên cây xanh. “Vì chủ nhà xây sai giấy phép tạm nên chúng tôi xử phạt, yêu cầu phải làm lại sàn đúc giả đúng giấy phép. Tuy nhiên, quyết định ban hành xong phần nhiều cũng treo đó do gặp một số vướng mắc khi thực hiện, hơn nữa trước sau gì thì công trình cũng bị phá dỡ không bồi thường khi làm quy hoạch” - vị này cho hay.

Quận Tân Phú cũng cho biết những năm trước trong quận cũng có xảy ra tình trạng đúc giả xây thành đúc thật. Tuy nhiên, nếu chủ nhà làm đơn cam kết tự nguyện tháo dỡ không đòi bồi thường, quận cũng cứu xét cho họ không phải tháo dỡ ngay.

Giảm lãng phí hay làm lãng phí hơn?

Chánh TTXD quận Tân Phú Lâm Quang Thơ cho biết tháng 7-2008, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn cho phép nhà tạm trong khu vực quy hoạch “treo” được xây đúc giả hoặc lắp ghép bằng tấm 3D. Theo quan điểm cá nhân, ông Thơ cho rằng thay vì đúc giả nên cho phép người dân đúc thật luôn để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, phòng QLĐT của quận cho biết phải cấp phép theo quy định trước đã.

Theo dự thảo thay thế Quyết định 04/2006 về cấp phép xây dựng do Sở Xây dựng trình UBND TP, công trình tạm được kiến nghị có quy mô tối đa đến năm tầng với điều kiện chủ nhà cam kết tự nguyện tháo dỡ khi dự án được thực hiện. Tuy nhiên, đến nay dự thảo này chưa được thông qua do nhiều quy định mới liên quan đến giấy phép xây dựng vừa được ban hành có những điểm khác biệt. Theo thông tin Bộ Xây dựng, sắp tới sẽ có một nghị định riêng về cấp phép xây dựng.


Theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 4 Lương Đức Hiệp, sở dĩ có quy định chỉ cho nhà tạm được xây một trệt, một gác là nhằm giảm lãng phí cho chủ nhà khi công trình bị phá dỡ, đồng thời chủ đầu tư thực hiện dự án cũng thuận lợi hơn. “Tuy nhiên, hiện điều này không còn phù hợp thực tế do làm sàn gỗ còn đắt hơn sàn bê tông nhưng lại không an toàn bằng” - ông Hiệp nhận xét.

Một lãnh đạo TTXD quận 10 nói thêm, giữa đúc giả và đúc thật chỉ khác nhau ở chỗ độ dày của sàn và chất liệu, giá cả cũng không chênh nhau là mấy, trong khi về mặt thẩm mỹ lẫn an toàn thì đúc thật cao hơn nhiều. “Nhưng nếu cho đúc giả mà người dân đúc thật thì thành ra sai phép” - ông cho biết.

Nếu dựa vào quy định xử phạt trật tự xây dựng thì công trình xây sai giấy phép phải buộc tháo dỡ là không sai. Tuy nhiên, công trình tạm khác công trình theo giấy phép chính thức vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sẽ bị tháo dỡ không bồi thường khi nhà nước thực hiện quy hoạch. Trong giấy phép đã thông báo rõ và chủ nhà cũng đã cam kết như vậy. Như vậy có cần thiết phải cứng nhắc bắt buộc người dân phải “hạ cấp” từ nhà xây kiên cố thành bán kiên cố? Trong các cuộc họp giao ban với Sở Xây dựng, vấn đề này đã được các quận, huyện trên kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được tháo gỡ vì phải chờ thay đổi quy định về giấy phép tạm.

Kiên quyết không có nghĩa là thị uy và máy móc

Việc chỉ cho xây dựng công trình tạm về nguyên lý là để giảm thiểu thiệt hại cho chủ đầu tư khi thực hiện quy hoạch. Vì thế, khi cơ quan chức năng buộc chủ nhà phải tháo dỡ phần sai phạm như đã nêu là làm trái nguyên lý. Sự nghiêm khắc này vô tình dẫn đến suy nghĩ không phải xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích chung mà là một cách để thị uy rằng quy định cho sao anh phải làm vậy, bất kể sự hợp tình hợp lý khi chủ nhà cũng đã cam kết tự nguyện tháo dỡ không bồi thường khi nào thực hiện quy hoạch.

Về xu hướng chung, Sở Xây dựng TP và Bộ Xây dựng còn hướng tới việc cho phép khu vực bị quy hoạch được làm nhà kiên cố, không phải hai tầng mà còn có thể nhiều hơn với điều kiện chủ đầu tư cam kết tự tháo dỡ không bồi thường. Do đó, không thể đánh đồng giữa hành vi sai phép cần nghiêm trị như xây lố đến cả bảy tầng lầu của các công trình tại quận 1 vừa qua với việc nhà tạm xây thành kiên cố chỉ vì chủ nhà mong muốn công trình được an toàn hơn nên cũng không thể máy móc cư xử như nhau.

TS-KTS Võ Kim Cương

(Theo PLTPHCM)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo