Nhiều công trình trước nguy cơ lỗi hẹn

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Nhiều công trình trước nguy cơ lỗi hẹn

  • 13/11/2020
  • 90
Tuy nhiên, những vướng mắc kéo dài vẫn chưa được giải quyết khiến nhiều dự án đáng lý phải hoàn thành, đưa vào khai thác từ lâu vẫn đang trong giai đoạn tháo gỡ khó khăn và... khẩn trương thi công.

Bài 1: Đường “cao tốc”, tiến độ “rùa”

Đường vành đai bị... đóng đai

Đường Vành đai 3 và cầu Thanh Trì là một trong những công trình chậm tiến độ điển hình ở Hà Nội. Theo kế hoạch ban đầu, dự án Vành đai 3 sẽ hoàn thành để phục vụ SEA Games 22, tổ chức tại Việt Nam năm 2003.

Tuy nhiên, phải rất cố gắng, đoạn từ Mai Dịch đến đường Trần Duy Hưng mới cơ bản hoàn thành. Riêng nút giao Mai Dịch đến nay vẫn vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).

Trước khi Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 21) khai mạc tại Hà Nội cuối năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phải đốc thúc liên tục, đoạn 600 mét từ đường Trần Duy Hưng đến đường Lê Văn Lương mới hoàn thành, nhưng các hạng mục ngầm vẫn chưa được hoàn thiện.

Đoạn từ đường Lê Văn Lương nối ra tới đường Nguyễn Trãi cho tới nay vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Các phương tiện máy móc hầu như không làm việc nhưng ngược lại bụi thì ngày càng nhiều hơn.

Phía đầu đường Pháp Vân, một đoạn của đường Vành đai 3 có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giao thông ở phía Nam thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, giao thông trên tuyến rất phức tạp, thường xảy ra ách tắc mà nguyên nhân, cơ bản là do đường xuống cấp.

Phương tiện qua lại tuyến này dày đặc, nhất là xe trọng tải lớn, nhưng trên đường đầy những ổ voi, ổ gà. Đoàn xe tải lặc lè chầm chậm lắc bên nọ, nghiêng bên kia “bò” trên đường.

Anh Lê Trọng Hùng, một lái xe tải hay đi qua đường Pháp Vân bức xúc cho biết, rất ngán khi phải đi qua đoạn đường này. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng không thể bố trí vốn để duy tu, sửa chữa bởi đã có dự án đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Pháp Vân) và cầu Thanh Trì quá…"hoành tráng". Vậy là người tham gia giao thông đành…chịu trận.

Quốc lộ 32: Nhom nhem... đường làng

Không quá lời khi gọi QL 32 nối từ Hà Nội lên TP Sơn Tây (Hà Tây) là... đường làng, dù nó đang nằm trong kế hoạch phải khẩn trương hoàn thành để kịp đón ngày Đại lễ.

Chiếc ô tô 4 chỗ của chúng tôi cứ lắc lư như “lên đồng”, anh lái xe hết quặt vô lăng sang phải lại sang trái để tránh ổ gà, ổ trâu và những đống gạch, đá la liệt. Đêm trước mới có trận mưa to nên nhiều đoạn nước ngập như mương, chỉ sơ ý một chút, xe có thể đâm phải những chiếc hố ga đang thi công dở nằm ẩn như những “cái bẫy” dưới làn nước. Chỗ không ngập thì bùn đất đặc quánh, lầy lội...

Suốt từ Cầu Diễn, qua Nhổn (đoạn thuộc địa phận Hà Nội) hay đoạn kéo dài qua địa phận các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất và Phúc Thọ của tỉnh Hà Tây, đều trong tình trạng như vậy. Thi thoảng mới có một đoạn ngắn đã được thảm xong mặt đường.

Một số người dân xã Minh Khai (huyện Từ Liêm) sinh sống bên đường cho biết: Ngày mưa thì lầy lội, nước tràn cả vào nhà. Ngày nắng thì bụi mờ mịt. Trẻ em cũng ít được ra khỏi nhà vì bầu không khí quá ô nhiễm. Không nên gọi là quốc lộ mà chỉ nên gọi là “đường làng”.

Anh Minh, nhân viên lái xe buýt chạy tuyến Kim Mã (Hà Nội) - thị trấn Phùng (Hà Tây) bức xúc: Đây là tuyến có lưu lượng hành khách rất lớn với hàng ngàn người đi xe buýt mỗi ngày nhưng hàng năm nay, không hiểu sao cứ thi công với tốc độ “rùa bò”. Lái xe và hành khách đều khổ. Nhiều chỗ đường mới lu lèn, hố ga mới đặt nắp đậy nhưng không có biện pháp bảo vệ, xe trọng tải lớn đè lên lại bị lún, vỡ rất lãng phí.

Ngay cả lực lượng CSGT hàng ngày thực hiện phân luồng giao thông trên tuyến cũng rất vất vả. Một chiến sỹ CSGT huyện Từ Liêm cho biết: Cách vài ngày lại có vụ tai nạn giao thông do đường hẹp mà người và xe qua lại đông. Nhiều đoạn đang thi công thiếu biển báo công trường và biển hướng dẫn phương tiện đi lại nên lái xe cứ chạy bừa.

Còn chuyện ùn tắc thì như cơm bữa, nhất là đoạn trước cổng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Từ Liêm. Chủ đầu tư và các nhà thầu cứ nói sẽ quyết liệt đẩy nhanh tiến độ nhưng làm thì cứ rề rề...

Theo kế hoạch, cầu Vĩnh Tuy sẽ được hoàn thành sau 24 tháng kể từ ngày khởi công (3-2-2005) nhưng ngày 30-6 vừa qua, cầu mới được hợp long.

Ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Giám đốc Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả ngạn, chủ đầu tư cho biết: công trình không thể hoàn thành trong năm 2008 do vướng mắc về tài chính và GPMB. Dự kiến phải đến quý III - 2009 mới có thể hoàn thành đường đầu cầu và phần đường dẫn để đưa một phần dự án vào khai thác, sử dụng. Đến tháng 6-2010, hoàn thành tuyến chính nối với QL 5 cũng như nút giao vượt QL 5.

Dự án xây dựng đường 5 kéo dài cũng không thể hoàn thành vào quý III - 2010 như kế hoạch. Hiện công tác GPMB của các gói thầu đã triển khai vẫn đang rất vướng.

Diện tích mặt bằng thi công đã bàn giao cho các nhà thầu mới đạt trên 60%, phần mặt bằng “sạch” có thể thi công mới đạt 30%. Gói thầu cầu chính Đông Trù đến nay vẫn chưa phê duyệt thiết kế kỹ thuật... Theo như lời chủ đầu tư, công trình này phải kéo dài đến quý III - 2011.


Theo Hà Nội Mới

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo