Những bài học trong công tác quy hoạch đô thị Việt Nam

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Những bài học trong công tác quy hoạch đô thị Việt Nam

  • 10/11/2020
  • 104
Phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế-xã hội và là thước đo đánh giá mức sống của người dân. Việt Nam hiện có 752 đô thị ở nhiều cấp, loại khác nhau: từ đô thị đặc biệt, đô thị loại 1, loại 2 đến loại 3, 4 và 5 - trong đó có khoảng 100 đô thị là trung tâm kinh tế xã hội quan trọng của các vùng miền.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 445/QĐ-TTg về định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đề ra mục tiêu đến năm 2015 số lượng đô thị sẽ tăng lên 870 và đến năm 2025 sẽ vào khoảng 1.000 đô thị. Cùng với sự gia tăng về số lượng, các đô thị cũng đang có xu hướng mở rộng tùy thuộc mật độ dân số, nhu cầu phát triển và điều kiện kinh tế xã hội, dẫn tới tốc độ đô thị hóa và nhu cầu sử dụng đất đai đô thị cũng tăng lên nhanh chóng.

Các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch và phát triển đô thị tính toán rằng, quỹ đất sử dụng cho việc xây dựng và phát triển đô thị hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong vòng 30 đến 50 năm tới, tỷ lệ này cần phải được tăng lên tương ứng khoảng từ 1,5 đến 2% trên tổng quỹ đất quốc gia thì mới tạm đủ cho nhu cầu phát triển đô thị.

Bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô Thị, Bộ Xây dựng cho biết Việt Nam đang nhắm tới mục tiêu phát triển đô thị một cách nhanh chóng nhưng phải đồng thời với sự phát triển về hệ thống cơ sở hạ tầng và sự đi lên tương ứng của kinh tế - xã hội. Mười năm phát triển và đô thị hóa cho thấy hệ thống đô thị Việt Nam còn tồn tại khá nhiều bất cập và cần rút ra những bài học kinh nghiệm. Do chưa được đầu tư một cách đồng bộ, do thiếu hạ tầng khung đô thị và hệ thống giao thông đầy đủ, nên nhiều đô thị hiện nay đang phải chịu áp lực lớn về ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, sự xuống cấp của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…dẫn tới không đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Cũng chính với tốc lực phát triển như vậy, các hoạt động kinh tế, sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng cũng đang là những tác nhân gây nên ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát về chất lượng môi trường và ảnh hưởng xấu tới đời sống, sức khỏe của người dân đô thị.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực châu Á, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng đô thị và tỷ lệ đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở đô thị lại chưa tương xứng. Điều đó dẫn tới tình trạng mất cân bằng và khó bảo toàn tính bền vững về phát triển đô thị trong tương lai. Không nên chỉ đánh giá chất lượng đô thị bằng việc đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống giao thông, các công trình cao tầng, công cộng, các hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý thải, điện sinh hoạt, bưu chính viễn thông… mà còn phải căn cứ vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhu cầu sử dụng đất và các biến thể, các hình thái phát triển của đô thị trong giai đoạn quá độ.

Ở Việt Nam, cũng chưa có sự quan tâm đúng mức và tập trung đầu tư cho khu vực cải tạo, song song với các khu vực phát triển mới ở nhiều đô thị. Sự mất cân đối này đang kéo dãn khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực dân cư như các khu đô thị mới với khu dãn dân, tái định cư; giữa làng xóm hiện hữu với các dự án phát triển. Rõ ràng, tính kết nối trong đô thị cần phải được xem xét và cân nhắc để tạo sự chuyển đổi một cách linh hoạt, thì mới giải quyết được các bất cập về di dân, nhập cư, về các tệ nạn xã hội do chuyển đổi phương thức canh tác từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Bá, nguyên Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nhận định đây là câu chuyện dài và tồn tại nhiều giằng co về mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Những năm gần đây, khi yêu cầu phát triển đô thị ven biển được đề ra và tập trung đầu tư vào phát triển kinh tế hướng biển, Việt Nam cũng cần phải tính tới tất cả các giải pháp kỹ thuật, xây dựng một hệ thống cảnh báo, dự báo và nghiên cứu các mô hình đô thị ven biển hợp lý. Có như vậy các đô thị mới có thể tồn tại, ổn định và lâu dài, đặc biệt là trước những đe dọa về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao.   

(Theo Tamnhin.net)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo