Những dấu hỏi quanh năng lực tài chính của Geleximco

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Những dấu hỏi quanh năng lực tài chính của Geleximco

  • 26/10/2020
  • 97
Những dấu hỏi quanh năng lực tài chính của Geleximco | ảnh 1
Công trình dở dang nằm phơi mưa nắng... Ảnh: Nguyên Minh

Sau khi tiếp nhận dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tính đến nay, chủ dự án là Geleximco đã đề xuất và được chấp thuận 5 dự án đô thị, sân golf, với tổng diện tích lên đến nhiều nghìn héc-ta. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn cho rằng, dự án chậm được triển khai là do những thỏa thuận trước đó với tỉnh Hòa Bình đã không được đáp ứng đầy đủ…

"Đình hoãn không phải do… thiếu tiền"!?

Đến thời điểm hiện tại, việc chậm tiến độ tại dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đã quá rõ ràng. Phó chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Hòa Bình, ông Trần Đăng Ninh cho biết, theo kế hoạch, con đường phải làm xong thì chủ dự án mới được bán đất. Vì vậy, Geleximco phải dùng nguồn tiền tự có để giải ngân. Thế nhưng, có thể do nền kinh tế xuất hiện nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến kinh doanh của Công ty, nên chủ dự án rất dè dặt trong việc triển khai đầu tư vào dự án này.

Mặc dù vậy, theo ông Ninh, hiện tại, tỉnh vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Điều này có nghĩa là phần đường vẫn phải hoàn thành trong thời gian 36 tháng, phần cầu phải hoàn thành trong 42 tháng và toàn bộ công trình phải hoàn thành vào tháng 3/2014. Đây là sức ép rất lớn đối với Geleximco khi dự án được thực hiện với tiến độ rùa bò như hiện nay.

Trần tình về việc chậm tiến độ, ông Vũ Phúc Thọ, Phó giám đốc Geleximco Chi nhánh Hòa Bình, đơn vị thực hiện dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình cho rằng: "Thị trường bất động sản đi xuống không phải là nguyên nhân khiến dự án giao thông này chậm tiến độ. Bởi ngoài kinh doanh bất động sản, Geleximco còn kinh doanh cả ngân hàng, xi măng, giấy… Vì vậy, dự án chậm không phải do chủ dự án không có tiền, mà là vì đến nay, Geleximco vẫn chưa cảm thấy chắc chắn về các dự án đối ứng".

Theo ông Thọ, dự án Khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc, dự án đô thị lớn nhất miền Bắc, rộng gần 1.000 héc-ta, Hòa Bình cấp cho chủ đầu tư trước đó, nay đã thuộc về Hà Nội nên không còn phục vụ cho việc triển khai dự án thuộc tỉnh Hòa Bình nữa. Trong khi đó, 5 dự án mà Geleximco đề xuất xin tỉnh Hòa Bình để khai thác nguồn vốn đối ứng, mới chỉ có dự án Sân golf Hòa Bình là Công ty chắc chắn sở hữu. Những dự án còn lại, tỉnh đã phê duyệt, đã có quy hoạch 1/500, nhưng địa phương này chưa dám cho thực hiện, mà phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân thực chất…

Theo ông Trần Đăng Ninh, từ trước đến nay, các dự án đường cao tốc vẫn được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ký hợp đồng BT với Geleximco làm đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình có thể là địa phương đầu tiên đứng ra làm đường cao tốc. Thế nhưng, khi dự án Khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc chuyển về Hà Nội, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc tìm quỹ đất làm vốn đối ứng cho chủ đầu tư. Trong khi đó, quỹ đất dọc đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đã phủ kín các dự án.

Theo tính toán của UBND tỉnh Hòa Bình, 5 dự án mà chủ đầu tư đề xuất có giá trị tương đương 1.700 tỷ đồng. Như vậy, vốn cho dự án còn thiếu tới 5.000 tỷ đồng trên tổng dự toán 6.700 tỷ đồng.

Để có thêm nguồn vốn thực hiện, tỉnh Hòa Bình đang có kế hoạch xin ngân sách Trung ương số vốn 2.000 tỷ đồng, trong đó 1.000 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng và 1.000 tỷ đồng để xây cầu. Nhưng kể cả khi được cấp số vốn này, dự án vẫn còn thiếu 3.000 tỷ đồng.

Vì vậy, để có nguồn lực thực hiện dự án, tỉnh sẽ chấp thuận thêm những đề xuất cấp đất khác của chủ đầu tư, đồng thời thu tiền từ các chủ dự án khác dọc hai bên đường cao tốc trả cho Geleximco.

Những dấu hỏi quanh năng lực tài chính của Geleximco | ảnh 2
... trong khi máy móc cũng nằm im lìm từ lâu. Ảnh: Nguyên Minh

Một lời giải thích khác từ đại diện Geleximco là: dù dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình là dự án BT, nhưng theo thỏa thuận, chi phí giải phóng mặt bằng, tỉnh và Trung ương sẽ lo. Vì thế, nếu muốn chủ dự án làm đúng tiến độ cam kết, tỉnh phải bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Thế nhưng, dường như đây cũng chỉ là biện minh cho sự chủ động kéo dài thời gian thực hiện dự án của chủ đầu tư. Bởi theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hòa Bình, ông Ngô Ngọc Đức, mặt bằng của các gói thầu R5, R6, R7, R8, R9, dù chưa giải phóng hết 100% do vướng đất nghĩa trang và chờ chính quyền xây dựng khu tái định cư, nhưng phần đất sạch đã đủ để có thể thi công. Việc chủ đầu tư chậm khởi công các gói thầu vì lý do khác, chứ không phải do mặt bằng chưa được giải phóng.

Dù đại diện chủ đầu tư phủ nhận, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến Geleximco "chần chừ" trong dự án đường cao tốc này là do thị trường bất động sản đang "rất lạnh".

Trước đây, DN này đứng ra làm chủ dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BT để được quyền triển khai các dự án đô thị, nhưng đã không lường trước được sự đi xuống quá nhanh và kéo dài của thị trường bất động sản. Do vậy, chủ dự án phải tính chuyện kéo dài tiến độ để cầm cự, chờ khi thị trường bất động sản hồi phục.

Chẳng ai có thể chắc chắn thời điểm thị trường bất động sản hồi phục để Geleximco đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Trong khi đó, "đại công trường" đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình vắng bóng công nhân không chỉ là con đường đau khổ với người tham gia giao thông, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hòa Bình và các tỉnh miền Tây Bắc nói chung.

(Theo ĐTCK)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo