Phép màu có đến với bất động sản phía Tây Hà Nội?

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Phép màu có đến với bất động sản phía Tây Hà Nội?

  • 19/11/2020
  • 113

Nhiều dự án tê liệt

Từng được coi là nơi có sự phát triển vượt bậc so với các khu vực khác, nhưng khi thị trường lao dốc, BĐS phía Tây Hà Nội lại là nơi chịu tình cảnh ảm đạm nhất, thậm chí khi niềm tin của người mua đã bắt đầu tái lập thì khu vực này vẫn không có nhiều chuyển biến.

Còn nhớ, trong một thời gian, cùng với sự phát triển nhanh như vũ bão của hạ tầng đô thị, hàng loạt "siêu dự án" với quy mô ngàn tỷ đồng ra mắt thị trường. Nhưng đến nay, đa số những dự án này vẫn đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, mất khả năng triển khai khiến người mua như ngồi trên lửa.

Dọc các trục đường lớn như Lê Trọng Tấn kéo dài, Lê Văn Lương kéo dài, Đại lộ Thăng Long… bên cạnh một số ít dự án đã hoàn thiện hoặc đang thi công vẫn còn đó hàng loạt khu đô thị dang dở hoặc thưa vắng bóng người.

Tại khu vực An Khánh nơi từng là "điểm nóng" trước đây, đã có lúc giá đất thổ cư dao động 25-30 triệu đồng/m2; thậm chí có những nơi giá đất dự án còn bị đẩy lên 40-70 triệu đồng/m2 tùy theo hướng, diện tích của các lô đất.

Dự án Nam An Khánh
Dự án Nam An Khánh

Nhưng khi cơn sốt giá qua đi là đến thời kỳ suy giảm liên tục. Đến nay, mức giá đất tại đây chỉ dao động 10-17 triệu đồng/m2, giảm 50% so với thời kỳ sốt nóng và cũng không còn cảnh chen mua đua bán như trước đây. Nhiều khu đô thị mới lâm vào cảnh thưa vắng bóng người như Gleximco, Mễ Trì, Kim Chung - Di Trạch, Lideco...

Diễn biến thị trường khu vực phía Tây Hà Nội theo GS. Đặng Hùng Võ là một bằng chứng điển hình cho thời kỳ đầu tư theo kiểu ăn xổi, có đất là có dự án, không quan tâm đến quy hoạch, hạ tầng, dân cư. Ngay cả người mua cũng chỉ biết bỏ tiền, đợi giá tăng lên bán lại, không cần quan tâm đến chất lượng dự án. Hậu quả là BĐS phía Tây lâm vào tình cảnh “chìm” cả đôi bên, không có cách tháo gỡ.

Khó giải cứu

Số liệu thống kê của Bộ xây dựng cũng cho thấy, lượng hàng tồn kho hiện tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây Hà Nội. Cụ thể, khu vực này có khoảng gần 400 dự án đã triển khai, tuy nhiên, số lượng dự án thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ khách hàng có nhu cầu thực chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mặc dù đã được ngân hàng, thậm chí khách hàng cùng vào cuộc nhưng xem ra công cuộc giải cứu các dự án "chết" ở khu vực này vô cùng gian nan. Đơn cử như trường hợp Usilk City của Sông Đà Thăng Long, sau khi khách hàng tự quản dòng tiền, tiến độ dự án vẫn không mấy cải thiện.

Đánh giá về thực trạng này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chính cung cách đầu tư vốn thực chỉ có 1 đồng nhưng đi vay đến 5 đồng để đầu tư, đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ về mặt tài chính, không còn đủ lực để triển khai dù khách hàng có đồng ý tiếp tục góp vốn.

Ông Liêm phân tích: “Thí dụ dự án có 5 tòa chung cư, mỗi tòa 40 tầng, trên thực tế khách hàng đã đóng tiền đủ xây đến tầng 20, nhưng chủ đầu tư mới hoàn thành xong móng, tiền đó đã được sử dụng sai mục đích. Vậy nay khách hàng có đóng tiếp thêm 20 tầng nữa doanh nghiệp cũng không còn lực để hoàn thiện, lại chậm tiến độ giao nhà và tiếp tục làm mất lòng tin của khách hàng”.

Còn Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, Nhà nước không thể và cũng không có cách nào giải cứu đối với những trường hợp chọn sai vị trí, sai về cung cách. Để cứu dự án, các doanh nghiệp hoặc phải tự vận động, hoặc chờ khi thị trường khởi sắc, người mua tìm đến.

Tuy nhiên, cũng có một "cửa sáng" cho những dự án bế tắc ở khu vực này là Bộ Xây dựng đã gia hạn thêm thời gian điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi nhà ở đến hết ngày 31/12/2015. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là phải tìm kiếm được sự đồng thuận của khách hàng, vì những dự án tại khu vực này đa phần đã được xây dựng và mở bán.

Ngoài những khó khăn về tài chính, khu vực này còn gặp trở ngại trong việc bắt kịp nhịp với thị trường vì nhiều dự án có vị trí xa khu dân cư, xa trung tâm và hạ tầng yếu kém. Trong tương lai ngắn, trở ngại này khó có thể cải thiện được. Trước mắt, các doanh nghiệp BĐS đã triển khai dự án ở khu Tây sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng biết đâu, nếu thị trường BĐS hồi phục nhanh chóng, phép màu sẽ xảy ra với BĐS khu Tây?

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo