Phí bảo lãnh mua nhà: Doanh nghiệp vẫn chưa rõ thông tin

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Phí bảo lãnh mua nhà: Doanh nghiệp vẫn chưa rõ thông tin

  • 17/11/2020
  • 93

Cách tính phí bảo lãnh vẫn mập mờ

Chưa đầy 3 tháng nữa, nếu muốn bán nhà hình thành trong tương lai các chủ đầu tư buộc phải mua phí bảo lãnh tại các ngân hàng thương mại. Thế nhưng đến thời điểm này, nhiều chủ đầu tư cho biết vẫn chưa rõ về khoản phí này.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Nguyên, Tổng Giám đốc Handico 68 chia sẻ: “Tôi chưa nhận được thông báo nào từ phía ngân hàng thương mại về mức phí nộp bảo lãnh cụ thể là bao nhiêu. Cách tính phí như thế nào? Nếu như một căn hộ trị giá khoảng 2 tỷ đồng mà ngân hàng tính 2% phí (ngang với phí bảo trì) thì tổng trị giá căn hộ sẽ tăng thêm hàng trăm triệu đồng. Chi phí này buộc các doanh nghiệp phải đưa vào giá bán căn hộ và tất nhiên giá bán sẽ phải đội lên”.

Ông Vũ Cương Quyết, TGĐ Địa ốc Đất Xanh miền Bắc thì cho rằng, quy định liên quan đến phí bảo lãnh như vậy còn quá chung chung. “Với những dự án đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của luật để được phép bán nhà hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư cũng chẳng cần phải bảo lãnh. Thực tế cũng cho thấy, dự án nào cần phải bảo lãnh để bán nhà thì lại chưa đủ điều kiện, nhưng chủ đầu tư của dự án này lại cần huy động được vốn để triển khai. Nếu thu phí quá cao, chủ đầu tư lấy đâu ra tiền mà đóng, nhưng nếu phí thấp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ chẳng mặn mà gì”.

Cũng theo ông Quyết, khi các doanh nghiệp muốn bán hàng bắt bảo lãnh sẽ gây ra tình trạng ách tắc nguồn cung trên thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM), dù chưa đưa ra cách tính cụ thể về phí bảo lãnh nhưng dự kiến số tiền có thể cũng rất lớn nên khó tìm được tổ chức tín dụng, ngân hàng đồng ý đứng ra bảo lãnh.

Dự án Tây nam Linh Đàm
Các chủ đầu tư dự án cho biết, họ vẫn chưa nắm được thông
tin cụ thể về phí bảo lãnh. Ảnh: Như Ý

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS hiện đã phải gánh vác rất nhiều nghĩa vụ tài chính từ chi phí GPMB đến thuế sử dụng đất, do đó, nếu cộng thêm khoản phí bảo lãnh cho người mua nhà nữa sẽ khiến các đơn vị cạn vốn.

Ông Châu cũng khẳng định: “Phí bảo lãnh đương nhiên sẽ được các doanh nghiệp cộng thêm vào các chi phí đầu vào. Nếu vậy quy định này không những làm khó doanh nghiệp địa ốc mà còn gây khó người mua nhà. Cuối cùng thì các khoản phí cũng đều dồn cả vào giá thành. Xét cho cùng, người phải chịu các loại phí trên vẫn là người mua”.

Luật mới có bảo vệ được người mua nhà?

Đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) giải thích, sở dĩ có quy định như vậy là để nếu chủ đầu tư không thể tiến hành bàn giao nhà đúng hẹn thì phía ngân hàng sẽ đứng ra trả lại tiền gốc đã nộp vào dự án cho người dân. Đây là một trong những yếu tố tạo niềm tin cho người mua và giúp họ không phải băn khoăn khi góp tiền cho chủ dự án. Quy định mới này đồng thời tạo điều kiện để người mua quay trở lại thị trường, từ đó tăng thanh khoản dự án, giúp chủ đầu tư có tiền để triển khai dự án nhanh chóng.

Cũng theo ông Hà, thực tế trước đây cho thấy, nguy cơ gặp rủi ro của người góp tiền mua nhà ở bằng hợp đồng trên giấy rất cao, vì chủ dự án luôn là người nắm đằng chuôi. Đã có không ít ông chủ “ôm” tiền của người mua rồi bỏ trốn, khiến dự án tạm ngừng triển khai nhiều năm. Luật Kinh doanh BĐS mới nhằm mục đích hạn chế được những chủ đầu tư "tay không bắt giặc", năng lực yếu kém đồng thời đảm bảo sự án toàn của nguồn tiền do khách hàng đóng vào dự án.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, việc các ngân hàng đứng ra bảo lãnh các dự án BĐS hình thành trong tương lai thực ra không còn là vấn đề gì xa lạ. Hiện nay, không ít dự án BĐS dù chỉ mới được “ra mắt” (chưa xây móng) cũng đã được các chuyên viên môi giới quảng bá, thông tin rầm rộ về việc có ngân hàng đứng ra bảo lãnh, tài trợ để thu hút người mua.

“Tôi chưa từng thấy doanh nghiệp địa ốc nào có đủ năng lực, uy tín, tên tuổi được khẳng định qua nhiều dự án lại phải trông cậy vào sự bảo lãnh của ngân hàng. Việc ngân hàng đứng ra tài trợ, bản chất cũng chỉ là cho vay kèm thêm điều kiện và cũng phải nhắm đến chuyện thu hồi vốn. Nếu cho rằng, các ngân hàng chỉ cần tài trợ đủ tiền để dự án triển khai, còn không cần biết dự án có bán ra sao thì không tưởng. Rõ ràng, việc bảo lãnh này rất khó thực hiện và người mua vẫn cứ nên thận trọng”, ông Hiếu phân tích.

Đồng thời, ông Hiếu cũng khuyến cáo, với những đối tượng có ý định mua nhà cần xem xét cụ thể việc bảo lãnh và tài trợ thể hiện trên hợp đồng chứ không phải là thông tin quảng cáo. Việc các doanh nghiệp môi giới quảng cáo một cách mập mờ nhằm thu hút khách hàng cũng chỉ là chiêu trò dành cho những dự án có chủ đầu tư chưa đủ uy tín, chưa có thương hiệu. Vì thế, khách hàng vẫn cần thiết phải tham vấn các chuyên gia về hợp đồng ký kết giữa 3 bên bao gồm cả ngân hàng, chủ đầu tư và người mua để tránh mắc bẫy hợp đồng mập mờ của một số chủ đầu tư.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo