Quận Hà Đông: Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong GPMB

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Quận Hà Đông: Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong GPMB

  • 06/11/2020
  • 144
Quận Hà Đông: Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong GPMB | ảnh 1
Phối cảnh dự án khu đô thị Kiến Hưng nằm trên địa bàn quận Hà Đông.

Những vướng mắc đang tồn tại

Trong thời gian qua, công tác GPMB nhằm phục vụ các dự án phát triển KT- XH trên địa bàn quận Hà Đông đã được thực hiện khá hiệu quả. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành GPMB nhanh, gọn; dự án triển khai kịp tiến độ.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp khi xác định nguồn gốc đất đai, sự biến động trong quá trình sử dụng và chính sách pháp luật về đất đai, GPMB thường thay đổi nên công tác GPMB còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua đó là, trước đây người dân bị thu hồi đất nông nghiệp được đền bù bằng đất dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP và UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 108/2009/QĐ-UBND quy định bỏ cơ chế bồi thường bằng đất dịch vụ, hàng loạt dự án triển khai dang dở đã bị ách tắc do có độ vênh về chính sách GPMB cũ và mới. Cả người dân và chính quyền quận đều băn khoăn trước câu hỏi: các khu đất dịch vụ làm dở dang, đã có quyết định thu hồi đất sẽ triển khai tiếp hay dừng lại? Tương tự, các khu đã quy hoạch là đất dịch vụ nhưng chưa có quyết định thu hồi đất có làm nữa không?

Cần điều chỉnh quy định và chính sách

Mới đây, liên ngành của thành phố đã có tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ thực tiễn ở cơ sở và qua nghiên cứu bản dự thảo của tờ trình này, UBND quận Hà Đông đã có những ý kiến đóng góp được xem là "đúng và trúng" vào trọng tâm vấn đề.

Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất, hiện nay các xã thường thực hiện theo quy định tại điều 40, Quyết định 108 (trong bản dự thảo có nội dung sửa đổi khoản 2, điều 40, điều chỉnh theo hệ số K). Tuy nhiên đặc thù một số phường thuộc các quận có đất nông nghiệp bị thu hồi, không áp dụng theo quy định tại điều 40, mà thực hiện theo khoản 3, điều 13, Quyết định 108. Trong khi đó tại điều 13 của bản dự thảo quy định về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất lại chưa quy định rõ trường hợp trước đây đã được xét giao đất dịch vụ nhưng chưa đủ hạn mức tối đa thì thực hiện như thế nào. Vì vậy, UBND quận Hà Đông đề nghị phải làm rõ: Mức hỗ trợ "tối đa không quá 05 lần hạn mức giao đất ở mới" chỉ được áp dụng đối với mỗi hộ một lần trên tổng diện tích đất nông nghiệp hộ được giao hay mức hỗ trợ này được áp dụng đối với từng dự án khi Nhà nước thu hồi đất? Bên cạnh đó, đề nghị chính sách hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình theo quy định tại khoản 3, điều 13 đối với các trường hợp đã được xét giao đất dịch vụ nhưng chưa đủ hạn mức tối đa thì cũng được xem xét tính theo hệ số K như khoản 2 điều 40.

Để người dân bị thu hồi đất bớt khó khăn, tạo thuận lợi cho công tác GPMB, quận Hà Đông đề nghị: Khi bồi thường, hỗ trợ đối với nhà, công trình, vật kiến trúc nên vẫn giữ nguyên nội dung khoản 1, điều 31 tại Quyết định 108/2009/QĐ-UBND, chỉ điều chỉnh mốc thời gian lùi lại đến ngày 01/7/2006. Ngoài ra, UBND thành phố cũng cần quy định rõ đối với các trường hợp xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc sau ngày 01/7/2006 nhưng không được cấp phép xây dựng, không đúng với hồ sơ được cấp có thẩm quyền cho phép.

Khi thu hồi đất, để tránh phát sinh loại nhà siêu mỏng, siêu méo, ngoài đề nghị xem xét, điều chỉnh câu chữ tại bản dự thảo cho phù hợp thực tế, UBND quận Hà Đông đề xuất giải quyết theo hướng: Trường hợp bị thu hồi đất từ 20m2 đến 90m2 mà phần diện tích còn lại nằm trong hạn mức giao đất ở mới (từ 40- 90m2) thì được giao một suất đất tái định cư diện tích tối thiểu 40m2/chủ sử dụng đất. Diện tích đất tái định cư được giao lớn hơn diện tích thu hồi thì nhân hệ số tiền sử dụng đất K = 1,2. Trường hợp bị thu hồi đất từ 20m2 đến 90m2 mà phần diện tích còn lại dưới hạn mức giao đất ở mới (40m2) nhưng đủ điều kiện xây dựng thì được giao một suất đất tái định cư bằng diện tích bị thu hồi nhưng không nhỏ hơn diện tích giao đất ở tối thiểu 40m2 và không lớn hơn 50m2. Diện tích đất tái định cư được giao vượt diện tích thu hồi, thì nhân hệ số nộp tiền sử dụng đất K = 1,2. Trường hợp bị thu hồi đất lớn hơn hạn mức giao đất ở mới (90m2), phần diện tích đất còn lại lớn hơn hạn mức giao đất ở mới tối đa thì được giao một suất đất tái định cư diện tích tối thiểu 40m2/chủ sử dụng đất, hệ số nộp tiền sử dụng đất K = 1.

Tại điểm d khoản 2 điều 47 của bản dự thảo quy định: bố trí tái định cư một suất đất diện tích 30m2 đối với các trường hợp bị thu hồi toàn bộ diện tích nhà, đất; không đủ điều kiện bồi thường hoặc hỗ trợ về đất theo giá đất ở, phải di chuyển chỗ ở. Nhưng tại điểm b khoản 3 điều 47 quy định: bố trí tái định cư một suất đất diện tích 40m2 đối với các trường hợp bị thu hồi nhà, đất; không được bồi thường hỗ trợ, phần diện tích còn lại không đủ điều kiện xây dựng, phá dỡ để hoàn trả mục đích ban đầu. Quy định như vậy là thiếu thống nhất, gây nên sự so bì giữa các hộ dân, vì vậy quận Hà Đông đề nghị xem xét, điều chỉnh bố trí tái định cư một suất đất diện tích tối thiểu là 40m2/chủ sử dụng đất đối với cả hai trường hợp trên.

Ngoài ra, trong việc hỗ trợ ổn định đời sống khi thu hồi đất nông nghiệp, nếu thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 40 đã cho thấy quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, bất cập vì đa số các địa phương hiện nay đều có dự án thu hồi đất nông nghiệp đã thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND. Do đó, có nhiều hộ trước đây đã bị thu hồi gần hết diện tích đất nông nghiệp và phần diện tích này đều đã được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống theo Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND là 35.000đ/m2, nay các hộ tiếp tục bị thu hồi phần diện tích còn lại nên sẽ ở mức trên 70% diện tích đất nông nghiệp và được hỗ trợ ổn định đời sống theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 21. Trong khi đó có những hộ trước đây chưa bị thu hồi đất nông nghiệp, nay bị thu hồi nên các hộ này thường ở mức từ 30% đến 70% do đó chỉ được thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 21. Từ thực tế đó, quận Hà Đông đề nghị UBND thành phố xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh quy định hỗ trợ ổn định đời sống như Quyết định 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008, cụ thể hỗ trợ bằng tiền theo diện tích thu hồi, mức là 35.000 đồng/m2.

Ở một số địa phương trước đây chưa thực hiện việc giao ruộng theo quy định của Nghị định 64/CP, do đó phương án bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt về HTX NN, HTX có trách nhiệm xây dựng phương án ăn chia thông qua hội nghị xã viên quyết định. Việc hỗ trợ ổn định đời sống bằng gạo tính theo nhân khẩu sẽ không thực hiện được do không có cơ sở để tính toán. Đây là một thực tế cần được tính đến khi xây dựng chính sách bởi nếu không sẽ rất khó cho cấp cơ sở khi thực hiện. Thêm nữa, đối với các chính sách hỗ trợ đối với đất nông nghiệp nên quy về diện tích m2 để tính, hạn chế tính theo nhân khẩu, vì việc chia tách, quản lý của HTX NN còn hạn chế, từ đó dễ nảy sinh khiếu nại, phức tạp.

Về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi: Theo quy định tại điều 20, Quyết định 108/2009/QĐ-UBND và điều 47 Nghị định 84/CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ là bồi thường theo thực tế sử dụng nếu sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Thế nhưng để thực hiện quy định trên thì rất khó khăn vì quyền lợi, nghĩa vụ của người dân thực hiện theo diện tích đất được giao, ranh giới các thửa đất tại thực địa không ổn định. Do đó, để ổn định tình hình, tránh gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, quận Hà Đông đề nghị xem xét điều chỉnh quy định cách tính diện tích để bồi thường đối với đất nông nghiệp theo hướng: Diện tích được tính bồi thường, hỗ trợ là diện tích được giao theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc sổ giao khoán, nộp sản phẩm (trường hợp thừa bù sang thiếu) cho hộ gia đình, cá nhân. Diện tích chênh lệch dôi dư còn lại được tính bồi thường, hỗ trợ trực tiếp vào phương án cho hộ gia đình, cá nhân có diện tích sử dụng tăng theo tỷ lệ (Khi thực hiện tính theo công thức: tổng diện tích dôi sau khi cân đối / tổng diện tích đất tăng x diện tích tăng của từng hộ).

Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm là việc giao đất nông nghiệp tại các địa phương thực hiện theo quy định của Nghị định 64/CP của Chính phủ từ năm 1993. Khi đó đã có không ít trường hợp trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng sinh sống. Trải qua giai đoạn từ đó đến nay đã phát sinh việc các hộ đã chia tách và cùng với đó là chia ruộng, tuy nhiên việc chia ruộng này chưa thực hiện theo quy định của Nhà nước. Đến nay thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ lại quy về hộ ban đầu sẽ nảy sinh bất cập, không đảm bảo công bằng, dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Vì vậy, UBND quận Hà Đông đã đề nghị thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp theo hộ đã tách và thực tế đang sử dụng để sản xuất nông nghiệp.

Trao đổi với PV, nhiều cán bộ “kỳ cựu” có thâm niên nhiều năm trong công tác GPMB của quận Hà Đông chia sẻ: GPMB luôn luôn là việc khó khăn, phức tạp trong đó những vấn đề phát sinh từ thực tế mỗi dự án thường “muôn hình muôn vẻ”. Để đảm đương được công việc, đối với mỗi cán bộ không chỉ cần học tập, bồi dưỡng nắm vững chính sách mà còn cần phải biết đề xuất những phương án xử lý phù hợp để tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn. Việc đóng góp ý kiến về một số nội dung trong quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chính là việc làm dựa trên tinh thần đó.

(Theo Công luận)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo