Quản lý nhà chung cư, tái định cư: Ưu tiên lợi ích cộng đồng

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Quản lý nhà chung cư, tái định cư: Ưu tiên lợi ích cộng đồng

  • 31/10/2020
  • 166
Quản lý nhà chung cư, tái định cư: Ưu tiên lợi ích cộng đồng | ảnh 1
Quỹ đất 20% trong các dự án thương mại không chỉ dành riêng cho mục đích tái định cư mà cần được sử dụng cho các dự án nhà ở xã hội.

Đi đầu nhưng… thiếu bền vững?!

Năm 1998, công trình chung cư cao tầng CT-4 tại khu nhà ở Bắc Linh Đàm được khởi công xây dựng, được xem là dấu mốc đầu tiên cho chặng đường phát triển các công trình chung cư cao tầng trên địa bàn Thủ đô. Tiếp đó, năm 2005, việc khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên trên địa bàn phường Yên Hòa, Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm), có tổng diện tích 56,4ha, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1,8 vạn dân phục vụ các dự án giải phóng mặt bằng cũng được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi đây là một mô hình hoàn toàn mới lúc bấy giờ. Từ đó đến nay, Hà Nội đã có khoảng 40 khu đô thị mới, trong đó có hơn 10 khu đã hoàn thành và đón người dân đến sinh sống, khoảng 80 dự án đầu tư nhà tái định cư được triển khai, cung cấp khoảng 20 nghìn căn hộ. Với sự phát triển nhanh và rộng khắp, Hà Nội đã đi đầu cả nước về phát triển nhà ở. Đến cuối năm 2011, tổng diện tích nhà ở của Hà Nội đạt trên 139 triệu mét vuông, bình quân diện tích nhà ở toàn thành phố là 20,8m2/người. Trong đó, tỷ lệ nhà chung cư đạt cao nhất cả nước với tỷ lệ 16,64%.

Đi đầu về số lượng, nhưng Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những khó khăn bất cập phát sinh trong quản lý quỹ nhà chung cư, chung cư tái định cư. Ngay trong báo cáo của mình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng thừa nhận nhiều dự án chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng đã lâu nhưng chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua. Việc các nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần trong một dự án hoặc một khu chức năng đô thị đã ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng dự án; công tác quản lý các dịch vụ công cộng chưa chặt chẽ. Nhà chung cư tái định cư đang ở tình trạng cung ít hơn cầu, chất lượng công trình tại một số khu tái định cư bị coi nhẹ…

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian qua HĐND TP đã nhận được nhiều kiến nghị của cử tri phản ánh bức xúc khi hạ tầng các khu chung cư bị biến thành bãi đỗ xe, thiếu khu dịch vụ, chất lượng nhà tái định cư chưa cao. Gần đây nhất là việc xây dựng một công trình không phép tại khu đô thị mới Cầu Giấy đã được báo Hà Nội Mới đưa tin. Vì sao ngay giữa Thủ đô mà hàng loạt sai phạm vẫn cứ tiếp diễn, phải chăng do bị buông lỏng quản lý?

Theo một thành viên Đoàn giám sát, quỹ nhà tái định cư hiện không chỉ thiếu về số lượng so với thực tế mà còn chưa đáp ứng được cả về kiến trúc, quy hoạch cũng như chất lượng. Các đại biểu HĐND TP cảnh báo, nếu không kịp thời bổ sung, chấn chỉnh việc thực hiện pháp luật trong quản lý nhà chung cư, chung cư tái định cư, thì dù có đi đầu cả nước trong phát triển nhà ở, nhưng Hà Nội sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy và thiếu sự bền vững trong phát triển.

Thay đổi quy hoạch - cần hướng tới lợi ích cộng đồng

Một vấn đề được Đoàn giám sát đặc biệt quan tâm tại buổi làm việc là hầu hết các dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư, đã được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận quy hoạch kiến trúc, đang bị chậm tiến độ. Hơn nữa, tại một số dự án tái định cư ở Cổ Nhuế- Xuân Đỉnh, Xuân La, Phú Diễn… thành phố đã phê duyệt đầu tư xây nhà ở tái định cư nhưng lại được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc điều chỉnh quy hoạch. Quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án để xây nhà tái định cư, nhà ở xã hội không được thực hiện nghiêm. Tại sao lại có tình trạng này trong khi quỹ nhà tái định cư của thành phố đang thiếu, riêng năm 2012 đã cần khoảng 6.500 căn, đó là chưa kể nhu cầu tái định cư GPMB các đường vành đai và các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn?

Giải đáp về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Văn Hải khẳng định, việc chuyển đổi quỹ đất 20% tại các khu đô thị được xác định dành để xây dựng nhà ở tái định cư không làm thay đổi công năng ban đầu. Ông cũng giải thích thêm, quỹ đất 20% trong các dự án thương mại không chỉ dành riêng cho mục đích tái định cư mà còn dùng cho các dự án nhà ở xã hội… Tất nhiên, câu trả lời trên không làm hài lòng các vị đại biểu dân cử. Theo Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, có một thực tế là việc điều chỉnh các quy hoạch, dự án hiện nay khiến nhiều cử tri băn khoăn, cho rằng việc điều chỉnh đó theo hướng có lợi cho chủ đầu tư mà chưa thực sự thiên về lợi ích của cộng đồng và người dân. Với trách nhiệm là đơn vị thẩm định quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần quan tâm vấn đề trên trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng lưu ý nếu buộc phải điều chỉnh quy hoạch cần đặt lợi ích của cộng đồng, của người dân lên hàng đầu và HĐND TP sẽ giám sát vấn đề này.

Đề xuất mua nhà thương mại phục vụ mục đích tái định cư

Đề xuất mua nhà thương mại phục vụ mục đích tái định cư của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại buổi giám sát đã thu hút nhiều sự chú ý của người tham dự. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Văn Hải giải thích, quỹ nhà thương mại hiện nay rất sẵn, giá cả khá phù hợp. Nếu đem so sánh giá thành xây dựng 1m2 nhà tái định cư (mới được phê duyệt, dự kiến đến năm 2014 mới hoàn thành đưa vào sử dụng) sẽ có giá cao hơn giá nhà thương mại hiện nay. Để tiết kiệm thời gian và giá thành, thành phố nên có cơ chế mua nhà thương mại để phục vụ TĐC, đang triển khai. Ngoài ra, thành phố cũng nên đổi mới hình thức xây dựng nhà tái định cư cả về cách làm, thủ tục, quy trình. Cần áp dụng thiết kế mẫu chung để áp dụng cho hàng loạt nhà chung cư, như vậy sẽ góp phần giảm giá thành.

(Theo HNM)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo