Quảng Ninh: Hậu quả khôn lường từ việc biến đồi xanh thành dự án BĐS

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Quảng Ninh: Hậu quả khôn lường từ việc biến đồi xanh thành dự án BĐS

  • 15/11/2020
  • 92

Xét về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì việc chuyển đổi sử dụng các khu đồi trên, trong một chừng mực nào đó, là cần thiết, tuy nhiên công tác quy hoạch và sự quản lý yếu kém của địa phương khiến sự đánh đổi ấy là quá đắt, mục tiêu kinh tế hiện vẫn chưa thấy đâu bởi hầu hết các dự án đều trong tình trạng dang dở hoặc chậm tiến độ. 

Đổi rừng xanh lấy... thảm họa?!

Cách đây không lâu, trận mưa lũ lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề cho TP.Hạ Long cả về người và tài sản, số người chết lên tới 14 người và chủ yếu do bị đất đá từ trên đồi vùi lấp. Xét về mức độ thiệt hại, việc đổ lỗi cho mưa lũ lịch sử có thể tạm chấp nhận còn việc đất cát vùi lấp nhà dân, gây thương vong và gây úng ngập cục bộ lại là câu chuyện... muôn năm cũ!

Còn nhớ, trận mưa lớn hồi tháng 8/2008 đã cuốn theo hàng trăm mét khối đất đá từ dự án Khu đô thị mới Đồi Chè, phường Cao Xanh đổ ập xuống nhà dân, khiến 1 người dân thiệt mạng. Đến tháng 8/2010, mưa lớn cuốn theo đất đá từ dự án đường nối phường, tại phường Hồng Hải, đánh sập một ngôi nhà, khiến hai mẹ con đang ngủ thiệt mạng. Thực tế, sau mỗi trận mưa lớn, chuyện đất đá, nước từ trên các dự án tràn hoặc đổ ùng ục vào nhà dân đã quá quen thuộc. Đáng chú ý là những quả đồi xanh trên khắp thành phố Hạ Long hoặc bị cạo trọc, hoặc bị cắt, “xẻ thịt” chủ yếu để triển khai các dự án bất động sản. Một người dân tên Nguyễn Văn Hòa, ngụ tại phường Bãi Cháy bức xúc: “Những cánh rừng, thảm thực vật trên đồi bị cắt hạ cũng giống như người lính ra trận mà phải cởi bỏ áo giáp. Đấy là chưa kể, đồi nào cũng bị đào bới, xẻ, vạc vào chân để làm công trình, khiến chúng bị thay đổi kết cấu, suy yếu đi rất nhiều. Sạt lở là chuyện đương nhiên.”

Nếu trước kia, những quả đồi là nơi nương tựa, che chở cho người dân thì nay chúng trở thành nỗi ám ảnh, mối đe dọa kinh hoàng mỗi khi mùa mưa đến.

dự án BĐS
Rất nhiều quả đồi lớn tại TP Hạ Long đã bị “xẻ thịt” như thế này nhằm mục đích triển khai các dự án BĐS. Ảnh: N.H

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, rất nhiều dự án đã không được chủ đầu tư làm theo đúng quy trình, quy hoạch về cắt cốt, cắt tầng…, trong khi đó tiến độ thực hiện lại rất chậm (dự án nhanh nhất cũng bị chậm tới...7 năm so với cam kết) khiến TP Hạ Long không chỉ mất quỹ đất lớn mà còn mất rừng và đẩy người dân vào thế kề cận với tử thần. Chưa kể, khi mưa lớn, đất đá lại trùm lên nhà dân, đồng thời bồi lấp tất cả hệ thống thoát nước của thành phố, vốn đã được quy hoạch rất yếu kém, khiến cho thành phố biển luôn bị ngập sau mỗi trận mưa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính từ năm 2007 đến nay, chỉ tính riêng tại TP Hạ Long đã có trên 1.800ha rừng phòng hộ bị "khai tử", phần lớn trong số này nằm trên những quả đồi chạy dọc QL 18 - giữa trung tâm thành phố. Việc xóa bỏ đi số lượng lớn rừng quý giá trên là để dành đất cho các dự án địa ốc.

Tiền mất, lại mang tật

Đáng nói là việc hy sinh hàng ngàn ha rừng để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh đã nằm ngoài mong đợi, bởi lẽ, trong số hàng chục dự án được phê duyệt vẫn chưa có dự án nào hoàn thành. Thậm chí, có nhiều dự án đã triển khai cách đây cả chục năm nhưng đến nay vẫn là những khu đồi trơ trọi, đất đá cày tung, dù được gia hạn nhiều lần, thậm chí đổi cả chủ đầu tư.

Đó cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các chủ đầu tư đến nay vẫn chưa làm tròn nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần gửi “trát” hối thúc tiến độ thực hiện dự án và… đòi nợ các nhà đầu tư, nhưng thất bại do hầu hết họ đều là những nhà đầu tư nhỏ, kinh doanh theo kiểu “mỡ nó rán nó”. Đằng sau sự thất bại này còn có nhiều lý do khác nữa, trong đó phải kể đến thị trường BĐS của Hạ Long, vì đâu có ai dại mà lên đồi cao ở, trong khi quỹ đất BĐS lấn biển vẫn còn nhiều”.

Theo một số liệu nghiên cứu, hiện nay mức sở hữu đất ở bình quân/người tại TP Hạ Long vẫn đạt 140m2/người - mức sở hữu rất cao so với toàn quốc. Điều đó cũng có nghĩa, các dự án phá đồi kinh doanh BĐS tương lai sẽ tiếp tục bị ngừng trệ, mà hậu quả chắc chắn người dân vẫn phải gánh chịu còn chính quyền phải bỏ ngân sách ra khắc phục.

Một chuyên gia quy hoạch đánh giá, lẽ ra Hạ Long không nên phát triển các khu đô thị trên đồi, mà cùng lắm chỉ nên triển khai theo kiểu làng du lịch - những ngôi biệt thự nghỉ dưỡng xen kẽ trong rừng, dành cho giới nhà giàu. “Tốt nhất là giữ được đồi, được rừng, nếu không thì có thể phát triển theo hướng trên để tạo ra những điểm nhấn xanh, đẹp cho thành phố biển. Việc xây dựng các khu đô thị sẽ làm phá vỡ hoàn toàn tự nhiên”. Vị chuyên gia này cũng góp ý thêm: “Nếu các nhà đầu tư để dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng thực hiện được nữa thì TP nên thu hồi hoặc thu hẹp phạm vi dự án và trồng lại rừng”.

Thực tế, ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, các chuyên gia đến từ Hungary đã giúp tỉnh Quảng Ninh xây dựng bản quy hoạch hoàn chỉnh về phát triển đô thị Hạ Long. Trong đó, có việc phân tầng, phân lớp trên những quả đồi để xây dựng những ngôi nhà hòa hợp với thiên nhiên.

Tuy nhiên, bản quy hoạch trên không được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, để đến bây giờ, không ít người vẫn nhắc lại bản quy hoạch đó như một sự nuối tiếc. Và, TP Hạ Long bây giờ ngày càng mất đi dáng dấp của một đô thị ven biển, với những ngọn đồi xanh tuyệt đẹp ngày nào là lợi thế thì nay lại trở thành mối đe dọa thường trực với người dân và môi trường.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo