Quy hoạch xô bồ đang lấn lướt Hồ Tây trầm mặc

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Quy hoạch xô bồ đang lấn lướt Hồ Tây trầm mặc

  • 24/10/2020
  • 106

Ao hồ Hà Nội


KTS Hoàng Đạo Kính

Ao hồ ở Hà Nội dù mấy chục năm qua dù bị lấn và xoá đi rất nhiều nhưng vẫn không thể phủ nhận một điều là Hà Nội là thành phố của ao hồ. Nó chính là dấu hiệu về mặt hình thái, sinh thái, địa mạo riêng khi nói về Hà Nội.

 

Trong quan điểm kiến trúc Châu Âu, các ao hồ luôn luôn là yếu tố tạo nên cảnh sắc của mỗi đô thị. Nhưng ở Thăng Long - Hà Nội xưa, hồ hầu hết cũng đều được dùng trong sinh hoạt chứ chưa phải là yếu tố tạo cảnh.

Một ví dụ hiện hữu là hồ Văn Chương, hồ Hữu Tiệp cách đây mấy chục năm vẫn chỉ là nơi có cái cầu để người ta đứng giặt giũ tắm táp, hoặc nếu chưa ô nhiễm thì nuôi cá. Hầu hết các hồ Hà Nội cho đến cách đây vài chục năm vẫn dừng lại ở công năng như thế.

 

Một nguyên nhân là hầu hết đô thị của chúng ta đều đi lên từ các làng, làng thông qua phố, nhiều phố hợp lại thành phố thị. Hà Nội cũng là tập hợp của những cái làng và trong những cái làng đó có những cái ao. Cho đến sự xuất hiện của người Pháp thì Hà Nội vẫn chưa có những quy hoạch cụ thể.


Xô bồ đang lấn lướt trầm mặc
 

Hồ Tây được người Pháp đo tính từ thế kỷ 19 là rộng 500 ha. Hiện tại hồ Tây vẫn chưa được đo lại, nhưng không chắc hồ Tây còn được 2/3 diện tích.

 

Ở đây có hai vấn đề rất khác nhau: hồ Tây nằm-bên-cạnh Hà Nội, và hồ Tây nằm-trong-lòng Hà Nội.

 

Hồ Tây nằm-bên-cạnh Hà Nội: Trong nhiều thế kỷ, hồ Tây là nơi tụ tập nhiều làng như cụm làng Bưởi, làng Thuỵ Khuê, làng Ngọc Hà, làng Nhật Tân... Có lúc nào đó, hồ Tây đã có những phủ Chúa, dinh thự, và như mọi làng ở Việt Nam, có những công trình tín ngưỡng. Trong nhiều thế kỷ, hồ Tây vẫn chưa có dấu hiệu của sự đô thị hoá để trở thành một phần để Thăng Long - Hà Nội ôm vào mình.

 

Nỗ lực đầu tiên để tiếp cận hồ Tây chính là Trường PTTH Bưởi (Chu Văn An) do người Pháp xây dựng. Từ đó hồ Tây mới ít nhiều đi vào quỹ đạo của Hà Nội. Đến thời kỳ sát đổi mới hồ Tây vẫn là như thế với sự bổ sung duy nhất là đường Thanh Niên.

 

Đến thời kỳ đổi mới, rất nhiều làng xung quanh hồ Tây nhanh chóng đô thị hoá kiểu tự phát. Trên những mảnh đất vốn được trồng hoa, trồng đào, người ta xây cất lên ngôi nhà dạng biệt thự. Đặc biệt những năm 1990 xuất hiện hàng trăm biệt thự dạng có chỏm, thóp nhọn.

Những người có tiền nhanh chóng thâu tóm vùng đất này và xây biệt thự kinh doanh, chủ yếu dành cho khách hàng nước ngoài. Đó là sự đô thị hoá làng quê quanh hồ Tây, bắt đầu từ phía Nghi Tàm chạy sang Quảng An rồi Phủ Tây Hồ hiện nay. Điển hình là làng đào Nhật Tân đã bị chiếm dụng đất canh tác để xây dựng rất nhanh chóng trong mấy năm gần đây.

 

Hồ Tây nằm-trong-lòng Hà Nội: Hiện nay hồ Tây đã được (bị) Hà Nội ôm vào lòng bằng cách biến đổi những làng nghề, làng cổ thành các làng biệt thự xây dựng không theo quy hoạch, mang dấu ấn của một thời kỳ chuyển tiếp. Sự chuyển đổi này tạo ra cảnh sắc mới cho hồ Tây, nhưng cũng tạo ra cuộc xâm lăng hồ Tây. Hàng chục ha hồ bị xâm lấn theo phương pháp rất đơn giản là người ta đóng cọc tre rồi đổ đất lên ăn mòn hồ, và từ những công trình tạm bợ dựng trên đó, dần dần đến biệt thự kiên cố.

 

Trong sự xâm lấn tứ phía của hồ Tây, không ai tính được diện tích đã bị ăn mòn là bao nhiêu. Không còn cách nào khác, người ta đành đai - gông hồ trong phạm vi có thể bằng cách làm con đường viền xung quanh nó. Nhưng đó chỉ là giải pháp chống lại sự xâm lấn của người dân và của cả các công ty cơ quan nhà nước nhưng nó sẽ là giải pháp vô cùng cứng.

 

Nguy cơ xâm lấn diện tích hồ dường như đã được ngăn chặn bằng đường viền bao quanh nó, nhưng nguy cơ hiện hữu khác lại chính là các công trình cao ốc khác đang và sẽ được xây lên phá vỡ cảnh quan tự nhiên của nó. Càng nhiều nhà cao, hồ càng bị ao hoá.

 

"Quy hoạch đã không nhìn thấy giá trị thực của Hồ Tây"

Chúng ta là xứ nhiệt đới, không thể chạy theo mô hình của các thành phố Châu Âu hay Mỹ, họ có thể phát triển với mật độ nhà cao tầng dày đặc, đó là vùng khí hậu lạnh hay ôn hòa, không bị nóng gắt như vùng nhiệt đới. Nếu ta phát triển theo kiểu đó với mùa hè lên đến 35 - 40oC, lại thêm nhiệt độ toả ra từ hệ thống điều hoà toả ra môi trường sẽ không thể chịu nổi.

 

Hồ Tây với diện tích rộng lớn như vậy chính là một điều hoà thiên nhiên cực quý cho Hà Nội. Nếu vào những ngày nắng nóng, chúng ta đi từ nơi toàn nhà cao tầng và công trình bê tông ra nơi gần hồ nước, chúng ta sẽ cảm thấy rất rõ giá trị của nó.

Hoặc nhìn cảnh vào những ngày nắng nóng, tất cả trẻ con người lớn đều đổ xô đến những nơi có nước như hồ ao, bể bơi, vườn hoa... ai cũng thấy rõ điều đó.

 

Thế nhưng rất lạ nhà những nhà quy hoạch và xây dựng lại không nhìn thấy, mà lẽ ra họ phải là những người đầu tiên đề xuất ra các chiến lược về môi trường. Sự phát triển không thể chỉ là những toà cao ốc với các đại lộ, phát triển còn phải là chất lượng cuộc sống được nâng cao. 
 

Giáo sư, Đại sứ "Giờ Trái đất" Võ Quý.


Theo Tuan Vietnamnet

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo