Sắp thắt chặt hoạt động sàn giao dịch bất động sản

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Sắp thắt chặt hoạt động sàn giao dịch bất động sản

  • 11/11/2020
  • 103

Sàn giao dịch hay nhà buôn?


Sàn giao dịch bất động sản nào vi phạm, rồi tái phạm, thì có thể bị tước giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ một đến ba năm, hoặc không thời hạn. Ảnh: Lê Hồng Thái

Khi đưa sản phẩm nhà đất ra thị trường, các chủ đầu tư thường muốn thu hồi vốn trong khoảng thời gian sớm nhất, do vậy, chủ đầu tư thường gây nhiều sức ép các đơn vị môi giới như: ép thời gian, ép mua sỉ… Theo một giám đốc SGD, những sàn mới thành lập thường cần có nguồn hàng phân phối, nên họ phải mua sỉ với tỷ lệ căn hộ, nền đất theo số lượng ấn định và phải thanh toán tiền cho chủ đầu tư ngay. Các SGD bất động sản không chú tâm làm dịch vụ môi giới, mà lo đi gom hàng sỉ, vô hình trung đã đẩy giá căn hộ, nền đất ngoài thị trường lên. Do vậy, khi sản phẩm đến tay khách hàng, giá đã đội lên khá cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với giá thành xây dựng của chủ đầu tư. Không chỉ có vậy, nhiều SGD chỉ quan tâm mua sỉ, hoặc bỏ ra một phần vốn lấy sỉ sản phẩm để có chiết khấu cao của chủ đầu tư bán lại… kiếm chênh lệch, từ đó, đã tạo ra một thị trường nhà đất không minh bạch về giá.

Trên thực tế, luật Kinh doanh bất động sản không cho phép các SGD kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, để lách chuyện này và tham gia kinh doanh, các sàn thường nằm lẫn trong một doanh nghiệp có chức năng về kinh doanh bất động sản. Một cán bộ thuộc sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, quy định lập sàn hiện khá đơn giản, chỉ cần lập doanh nghiệp có chức năng kinh doanh trong lĩnh vực này, và trong giấy phép kinh doanh có đăng ký ngành nghề dịch vụ môi giới, tư vấn, định giá bất động sản… Chính việc mở sàn và hoạt động ra sao sau đó không được quản lý chặt, nên thị trường bất động sản vận hành không minh bạch.

Siết chặt hoạt động

Theo dự thảo quy chế quản lý hoạt động các SGD bất động sản, định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, các SGD phải gửi các xác nhận bất động sản và bản thống kê các xác nhận bất động sản đã giao dịch qua sàn về cho sở Xây dựng. Giải thích việc quy định này, theo lãnh đạo sở Xây dựng là để quản lý và báo cáo UBND Tp.HCM, bộ Xây dựng và gửi cho văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất – sở Tài nguyên và môi trường để theo dõi và làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Không chỉ yêu cầu báo cáo, trong dự thảo quy chế cũng nêu rõ hình thức chế tài. Cụ thể, đối với các SGD bất động sản không thực hiện chế độ báo cáo, sở Xây dựng sẽ báo cáo cho bộ Xây dựng xoá tên sàn trên website các SGD bất động sản Việt Nam và thông báo trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất – sở Tài nguyên và môi trường thành phố không thực hiện thủ tục cấp chủ quyền nhà đất đối với bất động sản giao dịch qua các sàn này. Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các chế tài xử phạt như: phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thành lập và hoạt động SGD bất động sản với số tiền 50 – 60 triệu đồng; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định; trường hợp tái phạm, thì bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ một đến ba năm, hoặc không thời hạn.

Sàn giao dịch bị chủ đầu tư cạnh tranh

Theo nghị định 71/CP hướng dẫn luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 8.8, có một vấn đề sẽ khiến hoạt động các SGD có sự cạnh tranh khốc liệt với chủ đầu tư, bởi vì, quy định ở nghị định này cho phép chủ đầu tư được bán 20% số lượng sản phẩm không thông qua sàn. Vậy giải quyết vấn đề thị trường và cấp chủ quyền cho số sản phẩm bất động sản không thông qua sàn này như thế nào?

Mặc dù, số lượng căn hộ bán không qua sàn này chủ dự án vẫn phải thông báo với sở Xây dựng các thông tin liên quan, tuy nhiên, đến nay, khi nghị định đã chính thức có hiệu lực, dư luận vẫn rất băn khoăn về việc cơ quan chức năng sẽ giám sát việc mua bán 20% tổng quỹ nhà này như thế nào. Trước đây, quy định pháp luật buộc doanh nghiệp phải bán 100% sản phẩm qua SGD nhưng đã không kiểm soát nổi thị trường, nay nếu cho phép doanh nghiệp được bán 20% quỹ nhà ngoài sàn, thì không rõ tình hình sẽ ra sao? Bởi vì, trong danh sách người mua sản phẩm không bán qua sàn phải gửi về cho sở phê duyệt, ai sẽ bảo đảm là không có sự hiện diện của các nhà đầu cơ? Tất cả những thắc mắc đó, theo một vị lãnh đạo sở Xây dựng Tp.HCM, bây giờ còn phải chờ những thông tư, hướng dẫn chi tiết của bộ Xây dựng.

(Theo SGTT)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo