“Thành phố còn quản lý đô thị theo cách cũ!”

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

“Thành phố còn quản lý đô thị theo cách cũ!”

  • 25/10/2020
  • 114

Giải quyết nhà ở kênh rạch và ổ chuột là một vấn đề lớn mà thành phố ghi đậm dấu ấn trong thời kỳ đổi mới. Trong ảnh: Một góc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: HTD.


Với mọi người, ông Nguyễn Đăng Sơn chỉ giới thiệu mình là một chuyên gia đô thị. Khi cần thiết, ông mới cho biết chức danh của ông là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (IUSID) thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Nhiều bài báo ghi ông là tiến sĩ, ông đính chính ngay “Chỉ là tiến sĩ hụt thôi” vì ông từng là nghiên cứu sinh nhưng chưa bảo vệ luận án. Thế nhưng những đóng góp của ông cho khoa học đô thị Việt Nam đã vượt tầm của một tiến sĩ.

Quản lý quy hoạch “bao cấp”

* Theo ông thì quy hoạch của TP.HCM thiếu điều gì mà chính quyền phải loay hoay gần chục năm nay?

TP hiện nay vẫn sử dụng phương pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cách tiếp cận quy hoạch từ góc độ của nền kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện tại nữa.

Ngay từ giữa thập niên 1990, UBND TP.HCM đã cho nghiên cứu và đồng ý ứng dụng những phương pháp quy hoạch đô thị mới như phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất, quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng... Khi đó, lãnh đạo UBND TP đã đồng ý nhưng khi xin ý kiến của Bộ Xây dựng thì không được hồi âm.

* Ông nói vậy tức là TP đã có những nghiên cứu về phương pháp quy hoạch đô thị rất sớm?

Đúng vậy! Nhiều công trình vẫn còn đang triển khai và thực hiện cho đến bây giờ như đề tài nghiên cứu nếp sống văn minh đô thị, phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất, quản lý trật tự đô thị, thay đổi sắp xếp lại số nhà, mảng xanh đô thị... Chương trình phát triển đô thị trong thời kỳ chuyển đổi cũng đã được nghiên cứu từ những năm tháng này. Nếu đưa được vào áp dụng thì bộ mặt đô thị ngày nay đã khác đi rồi.

* Theo ông, nguyên nhân vì sao những công trình khoa học tiến bộ đó đã không được đưa vào thực hiện?

Các bộ không nghiên cứu để đưa vào luật thì các địa phương cũng không dám xé rào mà áp dụng cho dù có biết, có nghiên cứu kỹ. Cơ chế các bộ ở trung ương thời bấy giờ khó thay đổi nên đã hạn chế những hỗ trợ cho TP triển khai các đề tài khoa học trên.

Tôi nhớ có hai đề tài rất thiết thực cho quản lý đô thị là nâng cao năng lực quy hoạch và quản lý đô thị Việt Nam và nâng cao năng lực quy hoạch và quản lý đô thị TP.HCM. Các đề tài này đã đề ra nhiều cách tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Nhưng đã gần 20 năm rồi, dự án Luật Quy hoạch đô thị chỉ tiếp thu phương pháp quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng, còn chế định quy hoạch đô thị hợp nhất thì chưa nghe bàn tới.

* Vấn đề chính của quy hoạch TP.HCM hiện tại là quy hoạch rồi để “treo”, rồi lại điều chỉnh. Bài thuốc nào cho bệnh “treo” này?

Quy hoạch đô thị phải xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Mỗi một quy hoạch đều có nhu cầu về không gian (tức đặt nó ở đâu) và phải tính toán, dự báo cho một thời gian dài. Nếu những dự báo đó phù hợp với nhu cầu tự thân của vùng, địa phương, khu vực đó thì không thể “treo” được (không quy hoạch thì nó cũng sẽ tự hình thành như thế trong quá trình biến đổi và phát triển).

Nhà quy hoạch hiện tại làm quy hoạch không có đầy đủ “đầu vào” về nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường nên phải tự nghĩ và vẽ lên cho đẹp, cho đúng tiêu chuẩn. Vì thế nên sản phẩm quy hoạch “đầu ra” chỉ treo tường xem chứ khó có thể thực hiện được trong thực tế.

“Nói phải củ cải cũng nghe”!

* Nhiều lần ông nói rằng mâu thuẫn giữa Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường chẳng qua là mâu thuẫn giữa một bên lấy đất làm gốc, một bên lấy nhà làm gốc. Do ông đứng ngoài chính quyền nên mới dám nói thẳng?

Cũng có thể vì về hưu rồi nên nói thẳng nó dễ hơn chăng (cười). Kỳ này sửa đổi Luật Đất đai và xây dựng Luật Đăng ký bất động sản, tôi cho là đã tiếp cận được với phương pháp quản lý hiện đại và tiếp cận với thông lệ quốc tế vì kiên trì được việc đưa quản lý nhà, đất về một đầu mối, lấy đất làm gốc, một giấy hai quyền.

Nói thế không phải vì các dự án luật này có tôi tham gia tổ soạn thảo mà tôi ca lên đâu nhé! Ngay khi Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa mời tham gia, tôi đã có bài viết góp ý thẳng thắn chứ có nể nang gì đâu. Tôi nói ở đây vì mục đích phát triển chung và giúp người dân đỡ khổ nên tôi không ngại. Khi còn tại chức, tôi cũng nói thẳng như nói với báo bây giờ đây! “Nói phải củ cải cũng nghe” mà!

* Ông tâm huyết với ngành quản lý đô thị, nghiên cứu và góp ý nhiều nhưng được tiếp thu để thực hiện trong thực tế thì không bao nhiêu. Có khi nào ông nản?



Ông Nguyễn Đăng Sơn

Không riêng tôi mà những người làm khoa học đều có hoài bão muốn đóng góp với xã hội thông qua những nghiên cứu của mình. Vì vậy nên những dự luật liên quan đến quản lý đô thị tôi đều tham gia thảo luận và góp ý. Nếu không được mời chính thức thì tôi góp ý thông qua báo đài, các tạp chí chuyên ngành...

Có khi người soạn thảo tiếp thu, có khi không nhận được một hồi âm nào hết. Tôi nghĩ do mình thuyết phục chưa đủ liều lượng nên người ta chưa nghe ra. Vậy thì mình cứ kiên trì thuyết phục tiếp, đến một lúc nào đó sẽ có kết quả.

* Ông là nhà khoa học đã từng kinh qua nhiều chức vụ quản lý. Kinh nghiệm quản lý giúp gì cho ông khi làm khoa học?

Đã kinh qua chức vụ quản lý nên tôi có nhiều thực tế hơn. Tôi biết chính quyền cần gì, hiểu nỗi khổ của người quản lý khi họ phải vận hành một cơ chế không phù hợp nên tôi góp ý sát với công việc của họ hơn.

Ví như việc thuyết phục các bộ để dự thảo Luật Đăng ký bất động sản, tôi nêu cho họ thấy rằng hiện tại hồ sơ gốc thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đang giữ, bộ máy đăng ký thì họ cũng có sẵn rồi, Bộ Tư pháp không việc gì phải lập ra thêm một cơ quan nữa để ôm việc. Ôm cũng không làm được gì mà lại khổ dân.

* Ông là thế hệ tham mưu đầu tiên cho một TP đi đầu trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Những bước tiến đầu tiên của TP.HCM chắc còn ghi đậm dấu ấn trong ông?

Tôi nhớ mãi khi TP bắt đầu thời kỳ đổi mới. Vấn đề lớn nhất là nhà ở trên kênh rạch. Bấy giờ, lãnh đạo TP quyết định thành lập hàng loạt công ty phát triển nhà tại các quận, tách hẳn việc kinh doanh nhà ra khỏi quản lý nhà nước. Cũng nhờ các công ty này mà TP giải quyết được nhiều khu nhà ở trên kênh rạch và nhà ổ chuột. Đây phải nói là kỳ tích!

Rồi cái thời anh em cùng tham gia xây dựng khu đô thị mới phía nam Sài Gòn. Ấn tượng nhất đối với tôi là mọi người đều quyết tâm thay đổi bộ mặt của TP. Lúc đầu, mình không dự định phát triển khu đô thị về phía nam vì sợ đất xấu và nền yếu.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của nhà đầu tư, họ khẳng định khu vực này có thể xây dựng được nhà cao tầng. Thế là TP mình tạo điều kiện và ủng hộ họ xây. Vui nhất là những lúc nhà đầu tư báo cáo kết quả khảo sát địa chất, họ không đợi hội họp gì cả, alô báo ngay cho lãnh đạo TP và tham mưu. Lúc đó làm việc cực mà vui lắm.

* Lớp quản lý trẻ bây giờ khác gì với lớp quản lý của ông thời đó?

Giai đoạn đó, đất nước mới vừa bước ra khỏi bao cấp, ai cũng có sự say mê háo hức đổi mới, ai cũng quyết tâm vì việc chung. Đổi mới như luồng gió hút mọi người đi.

Các bạn trẻ ngày nay có nhiều điều kiện học tập, tiếp cận nhiều kiến thức hiện đại, lại năng động, sáng tạo. Song sức bật của họ lại không đồng đều. Một số có suy nghĩ thực dụng, giảm bớt lửa, ít lo toan cho việc của người dân...

* Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!
Theo Pháp luật TP
Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo