Thông tư 122: Có bình ổn nổi giá thép?

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Thông tư 122: Có bình ổn nổi giá thép?

  • 18/08/2020
  • 116
Vào tháng 7.2010, thép bất ngờ tăng giá mạnh và chỉ trong vòng 1 tháng sau đó đã tăng liên tục 5 lần, kéo dài cho đến tháng 9. Tuy nhiên, cuối tuần trước, giá thép lại đột ngột giảm. Lý giải tình trạng này, những người trong cuộc đã đưa ra một số nguyên nhân khách quan. Trước hết, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá phôi thép và thép phế liệu trên thế giới biến động liên tục. Đây lại là 2 mặt hàng phải nhập đến 40% và 80% nên đã tác động trực tiếp đến giá thép nội địa. Còn việc diễn biến giá đi lệch với dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam một phần là do tỉ giá VND/USD được điều chỉnh trong tháng 8.

Bên cạnh đó, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, lại cho rằng, một số doanh nghiệp thép tranh thủ tăng giá nhằm bù lỗ cho quý II phải giảm giá để kích cầu thị trường.

Diễn biến phức tạp của giá thép là một trong những nguyên nhân khiến Bộ Tài chính ban hành Thông tư 122/2010/TT-BTC, nhằm hướng dẫn bình ổn giá, trong đó có giá thép, với các quy định chế tài nghiêm khắc, có hiệu lực từ ngày 1.10.2010.

Giải quyết tận gốc

Bàn về Thông tư 122, ông Nghi, Hiệp hội Thép Việt Nam, nói: “Thông tư ấy chỉ dùng để dọa doanh nghiệp chứ không giải quyết được vấn đề giá thép”. Theo ông, ngành thép hiện nay hoạt động theo cơ chế thị trường và tăng giảm theo giá thép thế giới, cho nên việc áp dụng khung pháp lý cứng nhắc là không phù hợp.

Cùng quan điểm này, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, nói, cả nước hiện có 30 doanh nghiệp thép đạt sản lượng hơn 300.000 tấn/năm cùng cạnh tranh với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, tạo nên tính chất kinh tế thị trường cho ngành thép. Thông tư 122 nên lưu ý đến điều này, nếu không sẽ gây cản trở đến sự phát triển của ngành thép.

Trong 9 điều thuộc Thông tư 122, có đến 8 điều là sửa đổi và bổ sung các phần của Thông tư 104/2008/TT-BTC. Điểm mới của Thông tư 122 là doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 51% và có vốn đầu tư nước ngoài) thuộc các ngành xi-măng, thép, gas, sữa... phải nộp hồ sơ và thủ tục hiệp thương giá, biểu mẫu và thủ tục đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa dịch vụ kể từ ngày 1.10. Một chuyên gia ngành thép (đề nghị giấu tên) cho rằng, chưa biết tính khả thi của Thông tư ra sao, nhưng chắc chắn một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục vi phạm về giá và chấp nhận nộp phạt.

Đánh giá tình hình thị trường sau ngày 1.10, cả ông Nghi ở Hiệp hội Thép Việt Nam, lẫn ông Thái thuộc Công ty Thép Việt đều cho rằng, giá thép vẫn điều tiết theo quy luật cung cầu của thị trường và sẽ không có biến động lớn.

Hay chỉ nhất thời?

Trong khi tính khả thi của Thông tư 122 còn là một câu hỏi lớn đối với doanh nghiệp thép thì tình trạng nhảy múa của giá thép nhiều khả năng tiếp tục tái diễn trong thời gian tới. Khi đó, đối tượng thiệt thòi không ai khác chính là người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Xây dựng và Môi trường Trái Đất Xanh, cho biết, chi phí xây dựng của Công ty đã đội lên hơn 15% so với dự toán ban đầu do giá thép leo thang. Vào tháng 5, Công ty đã ký hợp đồng xây dựng và xử lý nước thải với Công ty Giấy Dương Nguyễn ở Bình Dương trị giá 1,8 tỉ đồng. Lúc đó, giá thép xây dựng là 13,9 triệu đồng/tấn. Với diện tích xây dựng 182,75 m2, nhu cầu sử dụng thép là khoảng 22 tấn.

Vì cần thời gian thống nhất dự toán hợp đồng và xin giấy phép xây dựng nên đến cuối tháng 8, Trái Đất Xanh mới triển khai dự án. Lúc này, giá thép đã lên 15,7 triệu đồng/tấn, trượt giá 1,8 triệu đồng/tấn, tức chi phí đội lên khoảng 40 triệu đồng.

Ông Nghi, Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, để giá thép ổn định, Chính phủ cần có chiến lược phát triển và quy hoạch bài bản các khu liên hợp khai thác thép trong nước, vì đa phần các dự án thép trong tương lai vẫn có xu hướng chạy theo phong trào đầu tư ào ạt.

Vào năm 2016, theo lộ trình cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới, thuế nhập khẩu thép sẽ chỉ còn 0%. Việc thâm nhập mạnh vào thị trường thép Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài lúc này là điều tất yếu. Khi đó, sự cạnh tranh gay gắt về giá sẽ đặt các doanh nghiệp thép trong nước vào thế bị động do chi phí sản xuất đầu vào ở nội địa còn quá cao.

Có thể nói việc cho ra đời Thông tư 122 là một động thái tốt của Chính phủ trong nỗ lực điều tiết thị trường. Tuy nhiên, vấn đề là Thông tư có nằm trong chiến lược phát triển ngành thép lâu dài, hay chỉ là biện pháp nhất thời nhằm đối phó tình hình.

(Theo NCĐT)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo