Thu hồi đất làm sân golf ở Lâm Sơn, Lương Sơn, Hoà Bình: Ai tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho dân?

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Thu hồi đất làm sân golf ở Lâm Sơn, Lương Sơn, Hoà Bình: Ai tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho dân?

  • 02/11/2020
  • 104


Sân golf này chỉ giải quyết được việc làm cho 70 lao động địa phương.

 
Hơn 500 người thất nghiệp để 70 người có việc làm
 
Năm 2004 UBND tỉnh Hoà Bình quyết định thu hồi hơn 300ha đất tại địa bàn xã Lâm Sơn cho dự án sân golf Phượng Hoàng. Toàn bộ các hộ dân của ba xóm Rổng Vòng, Rổng Cấn, Rổng Tằm phải giải toả di dời để phục vụ dự án, 60ha đất nông nghiệp của xã nằm trong dự án. Kể từ đó đến nay gần 4 năm trôi qua những hộ dân của xã Lâm Sơn hàng ngày ăn rồi lại ngồi chơi vì ruộng đất chẳng còn, việc không có để làm và những đồng tiền đền bù đất tiêu tan dần theo năm tháng.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhinh - Phó chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: Hiện cái khó nhất đối với Lâm Sơn là vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho bà con. Trước đây khi dự án sân golf lấy đất, chủ đầu tư hứa sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nhưng trên thực tế thì lời hứa chỉ được thời gian đầu khi sân golf trong giai đoạn thi công, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông nhiều. Đến nay khi sân golf đi vào hoạt động thì họ thải loại dần lao động vì không đáp ứng được yêu cầu. Hiện cả xã chỉ còn khoảng 70 lao động được làm việc trong sân golf như: Nhặt bóng, cắt cỏ, bảo vệ; còn lại khoảng 500 người đang trong tình trạng thất nghiệp. Chị Nhinh vẻ mặt đầy lo lắng nói: “Là lãnh đạo địa phương, hàng ngày phải chứng kiến cảnh thế hệ thanh niên trẻ đang sung sức nhưng không có việc làm suốt ngày chơi bời lêu lổng, tôi cũng rất lo rồi thời gian tới đây ruộng đất không còn, tiền đền bù hết thì tương lai chúng sẽ ra sao?”.
 
Cụ bà Hoàng Thị Sinh 79 tuổi ở xóm Rổng Tằm kể: Những năm trước nhà cụ chưa bao giờ phải lo tới vấn đề chống trộm, đồ đạc để bừa bãi ngoài sân nhưng chẳng bao giờ bị mất cái gì. Từ khi sân golf được xây dựng thì loạn hết cả, nhà ai hở cái gì ra là mất, chổi cùn rế rách chúng cũng không từ. Bây giờ nhà ai cũng phải xây cổng kín tường cao để chống trộm vậy mà nhiều khi đồ đạc trong nhà vẫn không cánh mà bay. Ngay cả cây cối trên nương cũng bị bọn trộm rình mò lấy hết. Cụ Sinh thở dài: “Tôi nghĩ, đấy cũng là hậu quả của việc nhàn cư vi bất thiện thôi. Chỉ vì đói nghèo thiếu ăn nên sinh ra trộm cắp của nhau”.
 
Ở nhà to, lo chạy ăn từng bữa!
 
Nằm lọt thỏm giữa khung cảnh của một vùng nông thôn thuần tuý với những mái lá, căn nhà cấp bốn lợp ngói rêu phong, vườn cây hoa trái sum suê, xóm Rổng Cấn nổi lên như “hiện tượng” của một khu phố. Những mảnh đất được phân ô, phân lô vuông vắn, chạy dọc hai bên đường vào xóm là những ngôi nhà cao tầng với những kiểu dáng kiến trúc hiện đại. Đã gần 4 giờ chiều mà con đường vào xóm vẫn vắng hoe, nhà ai cũng cửa kín then cài. Tìm tới nhà anh Bành Ngọc Luyến - Trưởng xóm Rổng Cấn, gọi tới câu thứ tám mới thấy anh, trong trang phục đồ ngủ mắt nhắm mắt mở ra mở cổng. Vào trong nhà vợ anh và mấy đứa trẻ vẫn nằm la liệt trên nền nhà say sưa giấc nồng.
 
Hỏi chuyện, anh Luyến cho biết: Từ khi bị thu hồi đất người dân ở đây đã dần bị mất đi cái thói quen thức khuya dậy sớm của nhà nông bởi thức khuya dậy sớm nhưng cũng chẳng để làm gì khi ruộng không còn, việc làm không có. Cả xóm Rổng Cấn thời điểm giữa mùa vụ như giờ cũng chẳng có việc gì làm mọi người ăn rồi lại ngồi nhà chơi, hay là tụ tập ở các quán bia nhậu nhẹt. Bọn thanh niên thì suốt ngày ở quán bi-a, điện tử. Ở nhà cao cửa rộng như thế này nhưng rồi chết đói đến nơi. Ngay đây thôi có nhà chị Loan nhà ba tầng to tướng nhưng giờ đang phải tất tả ngược xuôi kiếm miếng ăn hàng ngày. “Trước kia ở đây nhà nào cũng có vài sào ruộng cấy, vườn tược rộng rãi cây trái sum suê, gà lợn đầy chuồng, dù không bao giờ có số tiền nhiều tới vài trăm triệu để xây nhà to nhưng chưa bao giờ chúng tôi phải lo đến cái ăn trong nhà. Thường thì mỗi ngày thu nhập của mỗi gia đình cũng được mấy chục nghìn từ thu hoạch rau màu, cây trái. Từ khi chuyển đến khu tái định cư này mỗi hộ chỉ được vài trăm mét vuông đất để ở chứ chẳng có đâu mà chăn nuôi với trồng trọt, vậy là phải chạy ăn hàng ngày” - anh Luyến tâm sự.
 
Bên cạnh những khó khăn về kiếm kế mưu sinh, những người dân khu tái định cư đã 3 năm nay đang phải đối mặt đó là tình trạng không có nước sinh hoạt. Chị Hường xóm Rổng Tằm cho biết: “Khi thu hồi đất đưa người dân đến khu ở mới, chính quyền hứa sẽ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho dân. Nhưng đã ba năm nay chúng tôi kêu mòn cả lưỡi mà vẫn chả thấy nước đâu, đành phải tự mình xoay xở. Nhiều gia đình phải chung nhau góp tiền mua ống rồi lên núi tìm nguồn nước dòng về lấy nước sinh hoạt, có nhà thì dùng nước của sân golf mặc dù nó chẳng có gì là đảm bảo bởi chỉ vài ngày lại thấy người ta phun thuốc sâu, hoá chất cho cỏ bốc mùi nồng nặc vào tận trong xóm. Nhiều nhà cẩn thận đã phải mua nước đóng bình về ăn uống. Cuộc sống vốn đã không làm cái gì ra tiền nhưng đến nước cũng phải mua thì sống sao nổi.
 
Chúng tôi không thể nắm được những lợi ích kinh tế của dự án sân golf đem lại cho ngân sách địa phương, nhưng đã thấy một điều rõ ràng các dự án sân golf đang ngốn rất nhiều đất của nông dân, trong khi giải quyết việc làm cho họ thì hầu như không có. Liệu rằng có nên chạy theo thành tích mà chính quyền cố gắng “trải thảm” cho các nhà đầu tư để rồi cuộc sống người dân thì phó mặc? Chính quyền liệu có hăng hái bảo vệ quyền lợi cho dân như trước đây họ đã hăng hái vận động nhân dân di dời nhường đất cho nhà đầu tư làm dự án? Chúng ta hãy chờ đợi!

Theo Báo Xây dựng
Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo