Thu hồi đất: Ngân hàng “giữ giùm” tiền bồi thường?

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Thu hồi đất: Ngân hàng “giữ giùm” tiền bồi thường?

  • 12/11/2020
  • 107
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có dự thảo tờ trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Bộ TNMT cho biết việc sửa đổi nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là những người bị thu hồi đất, giải quyết hài hòa lợi ích giữa người bị thu hồi đất, nhà nước và nhà đầu tư.

Tiền bồi thường được gửi vào ngân hàng


Lâu nay, việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thu hồi đất thực hiện theo phương thức trả “một cục”. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trường hợp nông dân “bỗng dưng” có trong tay một đống tiền nhưng lại không biết sử dụng hiệu quả, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Chính vì vậy, Bộ TNMT đề xuất một phương án chi trả tiền bồi thường khá mới. Cụ thể là nếu hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi toàn bộ diện tích đất mà nguồn thu nhập chính của họ là từ đất bị thu hồi và không có nguồn thu nhập ổn định nào khác thì tiền bồi thường được gửi vào tổ chức tín dụng và được chi trả định kỳ không quá sáu tháng một lần.

UBND cấp tỉnh sẽ quy định cụ thể về quản lý tiền bồi thường, phương thức chi trả, thời gian chi trả cho từng đối tượng phù hợp với tình hình thực tế địa phương. “Chi trả theo phương thức này nhằm đảm bảo mức sống bình thường cho người bị thu hồi đất” - bộ này lý giải.

“Ở Hà Nội đã xảy ra tình trạng khi nông dân nhận tiền đền bù thì sinh ra cờ bạc, rượu chè... Vì thế, quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo cuộc sống cho nông dân khi có đất bị thu hồi” - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ đồng tình.

Tuy nhiên, ông Võ cũng đề xuất cần phải có một cơ chế để người có đất bị thu hồi được góp tiền bồi thường vào công ty. Khi đó, họ sẽ có cổ phần trong những doanh nghiệp lấy đất hoặc là đầu tư vào chứng khoán hay các dự án cụ thể.

“Như vậy, tiền bồi thường được tham gia vào hoạt động kinh tế trực tiếp, đầu tư sinh lợi chứ không phải chỉ dừng lại ở tiền gửi vì tiền gửi khả năng sinh lời rất thấp” - ông Võ nói.

Chia phần lợi cho nông dân

Thực tế cho thấy một trong những điều làm người dân bức xúc lâu nay là khi bị thu hồi đất nông nghiệp, họ chỉ nhận được tiền bồi thường với giá “bèo”, thậm chí chỉ vài chục ngàn đồng/m2.

Thế nhưng cũng chính đất đó, sau khi thu hồi giao cho doanh nghiệp làm dự án, lập tức giá đất tăng lên vùn vụt, có khi đến mấy chục lần nhưng nhiều trường hợp người có đất bị thu hồi hoàn toàn không được hưởng lợi gì. Do đó, việc điều tiết giá trị tăng thêm cho người có đất bị thu hồi là một nội dung được quan tâm khi sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai.

Bộ TNMT đề xuất: Trong trường hợp việc thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp mà có chênh lệch về giá đất thì phần giá trị tăng thêm được điều tiết lại một phần cho người có đất bị thu hồi, bằng 20%-50% giá trị chênh lệch đó. UBND cấp tỉnh quy định mức cụ thể.

Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đây là một quy định hợp lý và rất có lợi cho người có đất. “Không nên xem người có đất bị thu hồi là người bị thiệt hại mà nên xem đó là người đóng góp vốn dưới dạng quyền sử dụng đất vào sự phát triển. Sự phát triển đem lại lợi ích thì người có đất cũng được chia phần lợi ích, nghĩa là phần lãi” - ông Liêm phân tích.

“Tuy nhiên sẽ nảy sinh ra vấn đề: Người dân mặn mà với những dự án lấy đất để làm kinh doanh vì nó sinh lời. Nhưng còn lấy đất để làm đường, công trình công cộng, không có khả năng sinh lời thì sao?” - ông Liêm đặt vấn đề.

Nhà cũ được bồi thường như nhà mới

Một nội dung đáng chú ý của tờ trình là quy định nhà cũ được bồi thường như nhà mới. Cụ thể là đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ hoặc chậm trả tiền sử dụng đất, tiền mua nhà tại khu tái định cư. Trường hợp người có đất ở bị thu hồi nhận tiền để tự lo chỗ ở thì còn được hỗ trợ thêm một khoản tiền.

Hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về việc thuê đất để xây dựng công trình ngầm, quy định về không gian sử dụng, giá đất trong khi thực tế đã phát sinh việc sử dụng đất làm công trình ngầm.

Do đó, Bộ TNMT kiến nghị tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm (không phải phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất) phải làm thủ tục thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Theo Bộ TNMT, hiện nay các địa phương thực hiện việc xác định giá đất để bồi thường theo từng dự án mà không áp dụng bảng giá đất do UBND cấp tỉnh đã ban hành. Điều đó không phù hợp với Luật Đất đai và làm phát sinh khiếu kiện dài ngày khi người dân luôn yêu cầu xác định lại giá đất khi thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ về đất.

“Việc bồi thường phải áp dụng theo bảng giá đất của địa phương công bố vào ngày 1-1 hàng năm và không điều chỉnh khi bồi thường cho từng dự án cụ thể” - Bộ TNMT kiến nghị.

Chi trả nhỏ giọt thì làm được gì?

Khi được hỏi về đề xuất để ngân hàng “giữ giùm” tiền bồi thường nói trên, nhiều hộ dân đang bị giải tỏa thuộc dự án 50 Phan Văn Khỏe, quận 6 (TP.HCM) cho biết họ không tán thành phương án này. “Nhà nước lo ngại nông dân sau khi nhận được tiền thì mua nhà, mua xe, ăn chơi hết số tiền đó. Thực ra thì nông dân mình rất cần cù và quý trọng đồng tiền. Chỉ một số ít không biết sử dụng những đồng tiền đó chứ không phải ai cũng như vậy!” - bà Phạm Thị Thảo, đại diện một hộ dân nơi đây nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thiện Thám, ngụ đường Ngô Văn Thịnh, lại thực tế hơn: “Đồng tiền hiện nay đang trên đà trượt giá. Nếu chi trả theo kiểu nhỏ giọt như vậy thì số tiền mỗi lần lấy ra chẳng đủ để người dân làm việc gì cả!”. “Chúng tôi cần nhận số tiền bồi thường đó một lần để còn kiếm kế làm ăn nữa chứ! Kể cả việc chia tiền làm hai lần để trả, chúng tôi cũng không đồng ý” - bà Giang Xuân Hoài, người có nhà trong dự án 50 nêu ý kiến.


Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Chớ để chính quyền “dây” vào!


Trả tiền bồi thường cho người dân phải thông qua ngân hàng, tránh phải qua khâu trung gian là chính quyền. Thực tế cho thấy qua khâu trung gian này, việc ăn chặn tiền đền bù của người dân đã xảy ra khá nhiều.

Ông Đỗ Đức Đôi, Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai (Bộ TNMT):

Quy định không đúng luật

Quy định tiền bồi thường được gửi vào tổ chức tín dụng và được chi trả định kỳ không quá sáu tháng một lần là không phù hợp với quy định của pháp luật. Quy định như vậy là hạn chế quyền của người có đất bị thu hồi đối với khoản tiền được bồi thường thuộc quyền sở hữu của họ.


 Theo Pháp Luật TP

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo