Tổng hợp kinh nghiệm chọn vật liệu xây nhà bền chắc, tiết kiệm chi phí

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Tổng hợp kinh nghiệm chọn vật liệu xây nhà bền chắc, tiết kiệm chi phí

  • 11/10/2020
  • 196

Chọn mua vật liệu xây dựng để chuẩn bị xây nhà là công đoạn quan trọng, tốn kém khá nhiều thời gian vì một công trình từ lúc thi công đào móng cho đến khi hoàn thiện phải sử dụng rất nhiều loại vật liệu. Để đáp ứng nhu cầu và ngân sách của người tiêu dùng, thị trường vật liệu xây dựng hiện nay ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại, mẫu mã,… Giá thành và chất lượng của mỗi loại cũng có sự khác biệt đáng kể. Đây chính là một thuận lợi, đồng thời cũng gây ra khó khăn khiến người chuẩn bị xây nhà băn khoăn không biết phải lựa chọn vật liệu thế nào để đảm bảo chất lượng công trình mà vẫn phù hợp với túi tiền. Từ những kinh nghiệm và chia sẻ thực tế, trong bài viết này, Batdongsan.com.vn sẽ tổng hợp cho bạn đọc những lưu ý khi lựa chọn vật liệu xây nhà để chọn được những vật liệu chất lượng tốt, tiết kiệm chi phí nhất.

Nhìn chung, khi chọn mua vật liệu xây dựng, gia chủ nên chú ý một số điều sau: 

- Lựa chọn sản phẩm từ các cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp có uy tín, thương hiệu trên thị trường

- Tìm hiểu đặc tính của từng loại vật liệu để chọn ra sản phẩm thích hợp với từng hạng mục trong công trình 

- Tuân thủ theo thiết kế đã chốt trước với đơn vị thiết kế, hạn chế thay đổi vì dễ phát sinh chi phí so với dự toán ban đầu. Thông thường, khi lập hồ sơ thiết kế, đơn vị thiết kế sẽ tư vấn kỹ càng cho chủ đầu tư về các loại vật liệu phù hợp để chủ đầu tư lựa chọn.

- Nên chuẩn bị trước một nửa vật liệu xây dựng cần thiết để đảm bảo tiến độ thi công, không phải chờ vì thiếu vật liệu.

Dưới đây là những kinh nghiệm chọn mua vật liệu xây dựng cụ thể cho hai giai đoạn của quy trình xây nhà, bao gồm xây phần thô và phần hoàn thiện. 

1. Kinh nghiệm mua vật liệu xây dựng phần thô

Gạch xây dựng

Kinh nghiệm chọn vật liệu xây nhà: gạch

Là vật liệu xây nên những bức tường – bộ khung che chắn và phân chia không gian, gạch xây dựng đóng vai trò rất quan trọng đối với chất lượng công trình. Khi chọn mua gạch, bạn có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm một cách sơ bộ thông qua quan sát bằng mắt thường. Thông thường, gạch chất lượng tốt sẽ có hình dạng chuẩn như khuôn với những góc cạnh sắc, không bị méo mó, màu sắc của các viên gạch đồng đều với nhau. Để yên tâm hơn, hãy thử đập vỡ gạch để kiểm tra đặc tính kết cấu, độ bền như sau: 

- Đập vỡ 1 viên gạch, nếu thấy gạch vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ thì không nên chọn. Gạch tốt dù đập vỡ cũng không quá vụn, nát.  

- Thả rơi viên gạch từ độ cao khoảng 1m, gạch chất lượng tốt sẽ không bị vỡ.

- Đập 2 viên gạch vào nhau, nếu thấy am thanh phát ra dứt khoát, đanh, rõ ràng thì đó là loại gạch tốt, nên lựa chọn. 

- Ngâm gạch vào nước trong khoảng 24 giờ, sau đó kiểm tra trọng lượng của viên gạch sau khi ngâm. Nếu thấy gạch nặng thêm từ 15% trở lên thì không nên chọn vì gạch này ngấm nước nhiều, nếu dùng để xây thì tường dễ bị thấm về sau.

Đá 

Kinh nghiệm chọn vật liệu xây nhà: đá

Các loại đá thường dùng trong ngành xây dựng gồm có: đá 1x2, 3x4, 4x6…, đóng vai trò gia tăng sức chịu tải của bê tông. Để đảm bảo kết cấu, chất lượng của bê tông, nên dùng đá sạch tạp chất, hình khối đồng đều, ít các mảnh vụn, dẹt. Mua đá ít lẫn tạp chất ngay từ đầu sẽ tiết kiệm được công thợ. Nếu đã lỡ mua phải loại đá nhiều tạp chất, cần loại bỏ các tạp chất này bằng cách rửa bằng nước hoặc sàng qua lưới thép.

Cát 

Có nhiều loại cát được sử dụng cho các mục đích xây dựng khác nhau như cát san lấp, cát xây, cát đúc,… Cụ thể, cát hạt mịn dùng để san lấp nền móng, cát cỡ trung dùng để xây tường và tô tường, còn cát hạt lớn thường để đổ bê tông. 

Người xây nhà thường truyền tai nhau kinh nghiệm chọn cát chất lượng như sau: lấy một vốc cát, nắm chặt trong lòng bàn tay. Nếu mở ra mà thấy kết cấu cát dính, không tơi thì có thể kết luận loại cát này nhiều bụi bẩn, tạp chất. Tương tự như khi chọn đá, bạn nên chọn cát sạch, ít tạp chất để thuận tiện sử dụng, nếu không sẽ phải sàng lọc kỹ hoặc phải rửa nếu hàm lượng bùn và tạp chất quá nhiều. Ngoài ra, bạn nên mua cát từ các đơn vị cung cấp gần với địa điểm thi công để hạn chế rơi vãi trong quá trình vận chuyển, vừa hao hụt vật tư, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Xi măng

Kinh nghiệm chọn vật liệu xây nhà: xi măng

Xi măng kém chất lượng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tính an toàn và độ bền vững của công trình. Rất may mắn, xi măng được xem là loại vật liệu xây dựng dễ lựa chọn, ít rủi ro nhất. Thị trường xi măng phát triển khá tốt với nhiều sản phẩm chất lượng của các thương hiệu uy tín như Bỉm Sơn, Xuân Thành, Hà Tiên, Duyên Hà, Hoàng Thạch,… Giá cả xi măng cũng khả cạnh tranh, được niêm yết rõ ràng để bạn dễ dàng cân nhắc, lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu và ngân sách. Mặc dù vậy, nếu mua hàng ở những đại lý, cửa hàng mới mở, chưa được kiểm chứng về độ tin cậy, bạn có thể yêu cầu cân thử ngẫu nhiên một số bao xi măng để kiểm tra trọng lượng, hạn chế rủi ro xi măng bị rút ruột, ăn bớt.

Sắt, thép 

Nhờ các đặc tính như dẻo, độ bền cao, sắt, thép được sử dụng để hỗ trợ khả năng chịu lực của bê tông. Trên thị trường hiện nay, có một số thương hiệu sắt thép có uy tín lâu năm, được tin dùng như Việt Nhật, Pomina, Thép Miền Nam, Hoa Sen,… Tùy theo công năng sử dụng của công trình, chủ đầu tư có thể lựa chọn sản phẩm sắt, thép phù hợp. Nếu không có kinh nghiệm, bạn có thể tham khảo ý kiến của kỹ sư xây dựng để được tư vấn loại sắt thép phù hợp nhất đối với kết cấu công trình của bạn. Về bảo quản thép, chủ đầu tư lưu ý khi thép được vận chuyển tới công trình, phải nhanh chóng lau sạch lớp dầu rồi sơn chống rỉ. Nơi tập kết sắt, thép phải có mái che, không để sắt, thép trực tiếp xuống nền đất.

Thiết bị, vật tư điện, nước

Lắp đặt các thiết bị thuộc hệ thống điện, nước là một công đoạn trong quá trình xây thô ngôi nhà. Thi công điện, nước đòi hỏi phải thực hiện một cách đồng bộ, có hệ thống, tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, chất lượng vật tư cũng đóng vai trò quan trọng đối với tính bền vững của công trình, hạn chế các sự cố rò rỉ, tắc nghẽn. Không nên vì tiết kiệm mà sử dụng vật tư kém chất lượng, không đảm bảo, dễ gây ra sự cố trong quá trình sử dụng, còn tốn kém thời gian, công sức, chi phí sửa chữa hơn. Bạn có thể tham khảo lựa chọn một số thương hiệu thiết bị điện như Panasonic, Cadivi, Sino,… hay thương hiệu ống nước như Bình Minh, Đệ Nhất,… có uy tín lâu năm, được nhiều người tin dùng.

Đối với thiết bị chiếu sáng, một kinh nghiệm được nhiều người xây nhà nhắc đến là nên lựa chọn các thiết bị của cùng một thương hiệu để thuận tiện trong quá trình mua sắm, lại tạo ra sự đồng bộ cho công trình. Một số thương hiệu thiết bị chiếu sáng được ưa chuộng hiện nay là Phillip, Panasonic, Rạng Đông,… Ngoài ra, khi mua thiết bị chiếu sáng tại các đại lý, nhà phân phối, bạn cần tìm hiểu chính sách bảo hành, đổi trả để hạn chế rủi ro khi mua phải sản phẩm lỗi.

2. Kinh nghiệm chọn mua vật liệu xây nhà phần hoàn thiện

Sau khi thi công xong phần thô, công trình sẽ bước vào giai đoạn hoàn thiện, bao gồm các công đoạn quyết định thẩm mỹ cho ngôi nhà như trát tường, ốp lát gạch, sơn bả, lắp đặt thiết bị vệ sinh. Dưới đây là một số lưu ý khi mua vật liệu xây nhà phần hoàn thiện:

Gạch ốp lát

Để chọn gạch lát nền, ốp tường chất lượng tốt, bạn có thể kiểm tra bằng một số tiêu chí sau: 

- Lưng (bề dày) gạch màu trắng (nguyên liệu là cao lanh và tràng thạch) tốt hơn màu đỏ (nguyên liệu chính là đất sét).

- Bề mặt gạch phải thật phẳng, có thể úp mặt 2 viên gạch vào nhau xem khe hở có bị cong, vênh hay không.

- Nhìn kỹ mặt gạch xem có lỗ nhỏ hay không, càng ít lỗ (không quá 3 lỗ), lỗ càng nhỏ (chỉ bằng đầu kim máy may) thì càng tốt.

- Gõ nhẹ vào gạch, âm thanh phát ra thanh chứng tỏ gạch cứng và chắc. Nhỏ vài giọt nước vào lưng gạch phần không tráng men, nước thấm càng chậm càng tốt. Tuy nhiên, hai cách thử này chỉ dùng với gạch lát nền, không áp dụng với gạch ốp tường.

- Đối với gạch lát nền, nên chọn gạch nhám để hạn chế sự trơn trượt, ít hoa văn càng tốt để tiện lau chùi, vệ sinh. Tuy nhiên, với phòng sử dụng nhiều đồ đạc có bánh xe thì không nên lát các loại gạch sần, sẽ gây khó khăn khi dịch chuyển, dễ làm xước men.

Thiết bị vệ sinh

Kinh nghiệm chọn vật liệu xây nhà: thiết bị vệ sinh

Một số nhãn hàng thiết bị vệ sinh uy tín, được khách hàng tin dùng nhất trên thị trường hiện nay là Toto, Inax, Viglacera, Kohler, American Standard… Sản phẩm của mỗi thương hiệu lại có những đặc trưng, ưu điểm, nhược điểm khác nhau, tương ứng với mức giá thành. Tùy thuộc vào ngân sách, bạn có thể lựa chọn thiết bị, thương hiệu phù hợp nhất với công trình của mình. Có thể sử dụng đồng bộ thiết bị của một nhãn hàng hoặc phối hợp các thiết bị từ các nhãn hàng khác nhau. Kinh nghiệm chọn thiết bị vệ sinh của nhiều người là ưu tiên đầu tư cho chậu rửa và bồn cầu, chọn sản phẩm cao cấp nhất trong khả năng chi trả để thuận tiện cho quá trình sử dụng, vệ sinh, bền đẹp, ít phải sửa chữa, thay thế. Nên chọn loại thiết bị vệ sinh chú trọng tính năng tiết kiệm nước, có kích cỡ phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình để góp phần trong việc tiết kiệm nguồn nước sạch và chi phí gia đình.

Ngoài các thiết bị vệ sinh quen thuộc, truyền thống, trên thị trường hiện nay còn có các dòng sản phẩm thiết bị vệ sinh thông minh với nhiều tính năng nổi trội như tự điều chỉnh nhiệt độ nước, vệ sinh tự động,… Nếu có điều kiện, bạn có thể cân nhắc lựa chọn để trải nghiệm những tính năng độc đáo, tăng tiện nghi cuộc sống nhưng cần đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với nhu cầu sử dụng. 

Sơn

Kinh nghiệm chọn vật liệu xây nhà: sơn

Tương tự như các loại vật liệu xây dựng khác, sơn cũng có rất nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã với đặc tính khác nhau để bạn lựa chọn cho công trình nhà ở. Các thương hiệu sơn nổi tiếng, được sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay có thể kể đến như: Dulux, Expo, MyKolor, Jotun,… Tùy thuộc vào mục đích sơn ngoại thất hay nội thất, bạn có thể cân nhắc chọn sơn theo một số tiêu chí riêng. 

Đối với sơn nội thất, do đặc thù môi trường trong nhà dễ bị ẩm, khó khô, vết bẩn thường do con người gây ra với nhiều loại bụi bẩn khác nhau nên khi chọn sơn cần đặt ra các câu hỏi như sau:

- Sơn có khả năng chống thấm, chống nấm mốc không?

- Sơn có bám dính tốt không? Khả năng bền màu trong bao lâu?

- Bề mặt sơn cứng hay mềm, độ mịn như thế nào? Khả năng lau chùi dễ hay khó, có tự làm sạch được không?

- Thành phần sơn có đảm bảo các quy chuẩn an toàn sức khỏe không? 

Đối với sơn ngoại thất, để chịu được tác động trực tiếp của thời tiết và môi trường như nắng, mưa, thay đổi nhiệt độ đột ngột, độ ẩm, bụi bẩn,... sơn ngoại thất tốt phải đảm bảo các yêu cầu sau: 

- Khả năng bám dính cao, giữ được màu sắc lâu phai

- Bề mặt sơn có độ phủ rộng, chống thấm, chống trầy xước, chống bám bẩn, dễ lau chùi

- Có khả năng chống nóng tốt, tiết kiệm điện năng, giảm thiểu được hiệu ứng nhà kính

- Thành phần của sơn phải thân thiện với con người và môi trường, không chứa chất độc hại như chì, thủy ngân, VOCs (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, có thể gây kích thích mắt, mũi, họng, ở nồng độ cao dễ gây ra các dị tật bẩm sinh, ung thư và nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương.) 

Trên đây là một số kinh nghiệm mua vật liệu xây nhà được tổng hợp từ những kinh nghiệm, chia sẻ thực tế từ những người đã và đang xây nhà ở cho bản thân và gia đình. Batdongsan.com.vn hy vọng các thông tin được nêu trong bài viết này sẽ hữu ích cho quá trình mua vật liệu, chuẩn bị xây nên ngôi nhà mơ ước của bạn. 

Hương Liên (T.H)

>> Quy trình xây nhà từ A-Z và những kinh nghiệm đắt giá cho người sắp xây nhà
>> Hướng dẫn cách tính chi phí xây nhà ống chuẩn xác nhất
>> Hiểu đúng về cách tính diện tích xây dựng trước khi xây nhà
>> Xây nhà vào thời điểm nào trong năm là tốt nhất?

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo