Tp.HCM: 15 năm nữa sẽ có 2 đô thị vệ tinh

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Tp.HCM: 15 năm nữa sẽ có 2 đô thị vệ tinh

  • 24/10/2020
  • 85
Tp.HCM: 15 năm nữa sẽ có 2 đô thị vệ tinh

10-15 năm nữa, Tp.HCM sẽ có hai thành phố đô thị vệ tinh chia sẻ sự quá tải khu vực trung tâm thành phố. Khu Nam Sài Gòn và khu đô thị mới Thủ Thiêm thực chất chỉ là phần mở rộng, cơi nới của trung tâm thành phố.

Sau nhiều năm liền “cơ khổ” đào đường, kẹt xe, ngập nước, khói bụi, thêm “ấn tượng” năm 2008 là bùng nổ các “lô cốt”, người dân Tp.HCM vẫn luôn nuôi hy vọng vào một sự thay đổi nào đó.

Dẫu biết thay đổi không phải một sớm một chiều nhưng người dân vẫn chờ đợi một quyết sách mới, một khởi đầu cho một tiến trình phát triển hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Đô thị Tây Bắc: Kỳ vọng năm 2020

Thành phố này hiện chưa có tên chính thức mà chỉ gọi là đô thị Tây Bắc vì nó nằm ở phía tây bắc của Tp.HCM. Nó được hình thành bởi một quyết định ban hành vào tháng 8/2004 nhưng sau bốn năm chuyển động chậm chạp, nay thành phố muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Khu vực này có diện tích 10.000 ha bao gồm các xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) và Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Hiệp, Thái Mỹ của huyện Củ Chi, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30 km.

Khu đô thị được chia làm chín khu chức năng chuyên biệt và hỗn hợp với mong muốn có được một thành phố mới với khoảng 300.000 dân, cùng với việc hình thành các khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại, khu dân cư và vui chơi giải trí.

Điều đặc biệt của đô thị này là chất lượng dân cư sẽ thuộc vào loại cao với hơn 10 trường đại học và cao đẳng tập trung về đây với diện tích hơn 300 ha, chiếm 30% diện tích toàn bộ khu đô thị mới. Tỷ lệ đất dành cho cây xanh, vườn hoa, mặt nước khá cao vào khoảng 35%-40%.

Ngoài khu đô thị đại học, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, khu chung cư với độ cao trung bình năm tầng ra thì các khu nhà vườn, biệt thự, nhà thấp tầng, vườn thực vật, cây cảnh, làng nghề vẫn được phát triển nhằm cân bằng và tạo ra bức tranh hài hòa. Tiêu chí của khu đô thị này là: sống-làm việc-vui chơi-phát triển.

Nhà đầu tư đầu tiên đã xuất hiện ở đây là Tập đoàn Berjaya của Malaysia với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ đôla, được coi là dự án đầu tư lớn nhất Tp.HCM từ trước đến nay. Dự án của tập đoàn này đang trong giai đoạn thiết kế, thời gian bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 2011 và hoàn tất các hạng mục trên diện tích 1.000 ha vào năm 2021.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho việc phát triển đô thị này là hệ thống giao thông từ trung tâm thành phố đến khu vực còn yếu kém. 30 km không xa nhưng việc đi lại phải mất đến hai tiếng đồng hồ do kẹt xe ở cửa ngõ phía tây thành phố và mật độ xe quá dày đặc.

Do đó, một phương án sớm hình thành đường tàu điện trên cao (MRT) cần được tính đến.

Cảng và đô thị biển Hiệp Phước

Đô thị cảng Hiệp Phước nằm trên địa bàn xã Hiệp Phước và xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Hai mặt đông và nam của đô thị này được bao bọc bởi sông Soài Rạp, phía nam thông thẳng ra biển Đông. Nó có diện tích quy hoạch hơn 3.900 ha với dân số dự kiến là 250.000 người.

Đây là một thành phố cảng biển quốc tế có quy mô lớn không chỉ trong nước mà cả khu vực Đông Nam Á với tính chất cảng và đô thị biển.

Việc phát triển đô thị cảng Hiệp Phước sẽ làm cho Tp.HCM từ chỗ là thành phố bên sông Sài Gòn nay có thêm một phần bổ sung quan trọng là thành phố ven biển Đông. Vùng đất bên trong nội ô trước kia như Bason, cảng Sài Gòn sẽ được dành cho công viên cây xanh, khu dịch vụ cao cấp và cảng biển du lịch.

Đô thị cảng Hiệp Phước rất có tiềm năng bởi vì nó cách trung tâm thành phố không xa - chỉ có 18 km, cảnh quan tự nhiên rất đẹp. Do vậy, ngoài khu cảng với công suất 130 triệu tấn/năm, khu công nghiệp phục vụ cảng thì nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị dân cư sinh thái kết hợp sông nước và du lịch biển rất trữ tình với các resort và biệt thự ven biển.

Các khu nhà ở cao cấp, trung tâm tài chính-ngân hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng cho thuê sẽ xuất hiện ở đây. Đặc biệt là trong đồ án thiết kết đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế, nhà tư vấn Nikken Sekkei đã thiết kế một trục chính gồm mở đầu bằng một cảng tàu thuyền du lịch có chiều rộng 500 mét, tiếp theo là quảng trường và dải các đường phố rợp cây xanh.

Đô thị mới này sẽ được kết nối với trung tâm thành phố bởi một hệ thống liên hoàn đường thủy, đường bộ và đường sắt.

Ngày xuân nói chuyện khu đô thị này nọ nghe có vẻ... loãng nhưng đó là một hy vọng rất “tươi”. Thật ra, hai đô thị vệ tinh có thể chưa giải quyết hết được các vấn nạn đang diễn ra ở trung tâm, có thể phải sau 10-15 năm nữa mới hoàn chỉnh nhưng dù sao đó cũng là những tín hiệu mới mở ra một thời kỳ mới - vươn ra bên ngoài, thoát ra khỏi cái áo đã bắt đầu bục rách vì quá chật chội của trung tâm Tp.HCM.

Những người dân mong muốn thoát khỏi sự quá tải, căng thẳng bởi nhịp sống, chất lượng hạ tầng khu trung tâm đều đặt nhiều hy vọng vào hai đô thị vệ tinh này.

Theo Pháp luật Tp.HCM

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo