Tp.HCM: Kiên quyết xóa quy hoạch “treo”, trả quyền lợi cho người dân

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Tp.HCM: Kiên quyết xóa quy hoạch “treo”, trả quyền lợi cho người dân

  • 23/10/2020
  • 105

Người dân khốn khổ vì dự án “treo”

Hơn 10 năm qua, hơn 20.000 hộ dân ở Củ Chi và Hóc Môn vô cùng khổ sở do dự án khu đô thị (KĐT) Tây Bắc bị chậm trễ. Ông Võ Văn Tho, Trưởng ấp Mũi Lớn 2 cho biết, 823 hộ dân với hơn 2.400 nhân khẩu của ấp đều bị ảnh hưởng bởi dự án này. Người dân không thể chuyển mục đích sử dụng đất hay xin cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa, thực hiện các giao dịch mua bán, cầm cố nhà đất... Chưa kể việc dính quy hoạch "treo" đã ảnh hưởng rất lớn tới đường sá đi lại của người dân. Đến nay, dù ấp đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng mới chỉ có 200m trong hơn 4.000m đường của ấp được trải nhựa. Khi mùa mưa đến, những con đường đất trở nên lầy lội, người dân đi lại rất khó khăn.

Tuy nhiên, nỗi khổ của người dân ấp Mũi Lớn 2 vẫn chưa thấm tháp gì so với 110 hộ dân ở ấp Tam Tân (xã Tân An Hội). Các hộ dân này bị dính trong 120 ha quy hoạch là khu dân cư và tái định cư. Năm 2007, chính quyền đã thông báo đây là khu quy hoạch dân cư và người dân không được mua bán, xây dựng nhà ở. Các hộ dân phải kiểm kê diện tích nhà đất để giao lại cho Nhà nước khi cần.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, UBND huyện Củ Chi đã hủy thông báo thu hồi đất, thế nhưng quy hoạch dự án vẫn chưa được bãi bỏ. Trước đây, toàn bộ diện tích đất này được người dân trồng cây ăn quả thì nay phần lớn diện tích đất đều bị bỏ hoang. Theo ông Nguyễn Bình Đông, Trưởng ấp Tam Tân, toàn bộ 311 hộ với hơn 1.340 nhân khẩu của ấp đều bị ảnh hưởng. “Khi chính quyền thu hồi đất, người dân sẵn sàng giao đất. Nay người dân yêu cầu là phải có thông báo rõ ràng là dự án có làm hay không, không thể bắt người dân như “cá nằm trên thớt”, chờ mãi như thế này được”, ông Đông nói.

các quy hoạch "treo"
Chính quyền Tp.HCM sẽ kiên quyết xóa tận gốc các quy hoạch "treo" trong thời gian tới

Từ hơn 20 năm nay, người dân sống tại khu E KĐT mới Nam Sài Gòn có diện tích hơn 100 ha cũng khốn khổ vì đất đai nằm trong vùng dự án bị bỏ hoang, người dân không trồng trọt hay chăn nuôi gì được khiến đời sống của họ vô cùng khó khăn. Dù sống ở TP hiện đại nhất nước nhưng còn không bằng cả vùng nông thôn khi nhà cửa bị xuống cấp, đường sá lầy lội, điện nước luôn trong tình trạng thiếu thốn... Nguyên nhân khiến dự án này bị “treo” kéo dài bởi TP không có tiền để giải phóng mặt bằng. Người dân sống trong vùng quy hoạch "treo" đều có chung kiến nghị, nếu TP làm dự án thì nên thu hồi, bồi thường nhanh cho người dân để họ chuyển đi sinh sống ở nơi khác, còn nếu không thực hiện dự án thì trả lại đất cho dân.

Trả lại quyền lợi cho dân

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư Tp.HCM cho biết, những năm qua TP đã có kế hoạch thu hồi dự án “treo” và trên thực tế đã ban hành nhiều quyết định xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư và điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, việc xóa dự án “treo” vẫn chỉ là việc chuyển từ dạng “treo” này sang dạng “treo” khác chứ vẫn không xóa được tận gốc các dự án, quy hoạch "treo", trả lại hoàn toàn quyền lợi cho người dân. Nhà nước thu hồi dự án của chủ đầu tư này nhưng vẫn giữ quy hoạch đó để chờ chủ đầu tư khác đến làm chứ không xóa hẳn quy hoạch "treo" đó.

“Nhà nước không thể vì quyền lợi của mình hay của doanh nghiệp mà "treo" quyền lợi của người dân. Trong khi người dân có nhà, có đất trong dự án không sản xuất được, nhà cửa cũng không được xây, các quyền lợi khác cũng bị "treo" theo thì dự án vẫn không biết khi nào được thực hiện. Nếu dự án nào sau 5 năm mà không thực hiện thì cần phải xóa ngay để trả lại quyền lợi cho người dân”, luật sư Phượng kiến nghị.

Ông Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia về quy hoạch đô thị, cho rằng: "Những dự án nào mà chủ đầu tư làm không được như cam kết thì cho 3 - 6 tháng để kêu gọi đầu tư, nếu như không kêu gọi được thì phải xóa, trả lại đất cho người dân xây dựng theo quy hoạch, không thể để xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, xây dựng tự phát. Trong trường hợp tìm được nhà đầu tư khác thì có thể cho họ làm lại quy hoạch mới hoặc theo quy hoạch cũ nhưng phải cam kết cụ thể thời gian thực hiện và phải ký quỹ. Nếu làm được điều này sẽ không còn dự án "treo" nữa”, ông Sơn hiến kế.

Người dân kỳ vọng rằng, các đồ án quy hoạch “treo” sẽ được xóa tận gốc thay vì chuyển từ dạng “treo” này sang một dạng “treo” khác như thời gian trước đây.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo