Tp.HCM: Sẽ áp dụng cơ chế đóng góp tài chính?

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Tp.HCM: Sẽ áp dụng cơ chế đóng góp tài chính?

  • 26/10/2020
  • 104
Ngày 6/6, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp.HCM, đã chủ trì buổi làm việc về tình hình giải quyết kiến nghị của quận Bình Tân.

Tp.HCM: Sẽ áp dụng cơ chế đóng góp tài chính? | ảnh 1
Theo chủ trương của quận Bình Tân, các chủ đầu tư dự án nhà ở cao tầng có quy mô dân số vượt so với quy hoạch phải đóng góp tài chính hoặc xây dựng công trình công cộng. Trong ảnh: Dự án chung cư Long Phụng đang được xây dựng trên địa bàn quận Bình Tân - Tp.HCM.

Trách nhiệm với xã hội

Một trong những chủ trương của quận Bình Tân trong thời gian qua được dư luận quan tâm là vận động chủ đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đóng góp. Cái khó của việc đóng góp nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư là làm như thế nào để không trái pháp luật và không phát sinh tiêu cực.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Bí thư Quận ủy Bình Tân, các dự án nhà ở cao tầng trên địa bàn quận có quy mô dân số vượt so với quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Vì thế, để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân được hưởng thụ các vấn đề an sinh xã hội, các chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ xã hội thông qua hình thức xây dựng công trình công cộng hoặc đóng góp tài chính.

Tuy nhiên, khi phát sinh các ý kiến về việc thu - chi của quận Bình Tân, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo quận Bình Tân ngưng việc thu đóng góp và giải trình với lãnh đạo TP. Bà Lan cho biết quận Bình Tân đã nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của UBND TP, đồng thời kiến nghị Thành ủy được tiếp tục tiếp nhận và vận động chủ đầu tư. “Đến nay, quận đã tiếp nhận hơn 10 tỉ đồng đóng góp từ các doanh nghiệp, tất cả đều được nộp vào Kho bạc Nhà nước và được đầu tư hạ tầng đô thị, bảo đảm an sinh - xã hội... Hiện nay, dù đã ngưng vận động nhưng các doanh nghiệp trước kia cam kết đóng góp (khoảng 52 tỉ đồng) vẫn chuyển tiền về cho quận vì họ cảm thấy có trách nhiệm với xã hội” - bà Lan nói.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Ông Lê Thanh Hải nhận định việc vận động các chủ đầu tư đóng góp nghĩa vụ tài chính là rất quan trọng. “Hiện nay, các dự án nhỏ lẻ ở TP rất nhiều, đặc biệt là phía Đông TP như khu vực An Phú, An Khánh, Thảo Điền (quận 2)... Trong số này, không ít dự án không kết nối được với hạ tầng bên ngoài nên TP phải có hướng tiếp cận để đưa vấn đề thành cơ chế, chính sách” – ông Hải nói. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, cho biết đã giao quận 2 làm thí điểm, đồng thời giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP nghiên cứu về cơ chế và báo cáo đề xuất. Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, các luật Đầu tư, Nhà ở, Đất đai... đều không có quy định về việc đóng góp tài chính nhưng nếu thỏa thuận hoặc thương lượng với các chủ đầu tư thì được.

Việc đóng góp nghĩa vụ tài chính nhận được sự tán đồng của nhiều địa phương cũng như sở - ngành, tuy nhiên thực hiện như thế nào để không trái pháp luật và không phát sinh tiêu cực vẫn đang là bài toán chưa có lời giải. Ông Nguyễn Thành Tài cho rằng không nên gọi là vận động đóng góp mà nên gọi là thực hiện mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm (mô hình rất được nhân dân ủng hộ) trong việc xây dựng hạ tầng. Ông Lê Thanh Hải gợi ý các địa phương đã có quy hoạch tổng thể trong đó có phần Nhà nước đầu tư, phần còn lại sẽ chia theo tỉ lệ cho các dự án, nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào đó sẽ góp theo tỉ lệ. “Muốn làm được điều đó, quận Bình Tân phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, không chỉ để quản lý mà còn để kêu gọi đầu tư” – ông Hải chỉ đạo.

Kết thúc buổi làm việc, ông Lê Thanh Hải giao UBND TP chỉ đạo Viện Nghiên cứu Phát triển TP phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu để đề xuất lên Chính phủ.

(Theo NLĐ)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo