Tp.HCM xây 10.000 căn NOXH, đủ cho tất cả người dân bị giải tỏa

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Tp.HCM xây 10.000 căn NOXH, đủ cho tất cả người dân bị giải tỏa

  • 15/10/2020
  • 89

nhà trên kênh rạch
Những căn nhà tạm bợ và lụp xụp trên rạch Văn Thánh, Tp.HCM sẽ được giải
tỏa để thành phố chỉnh trang đô thị. Những hộ dân ở đây sẽ được bố trí tái
định cư trong các dự án căn hộ. Ảnh: Tiến Long

Sở Xây dựng đề xuất với UBND Tp.HCM bố trí 10.000 căn nhà này cho các dự án tái định cư tại Tp.HCM giai đoạn 2018 - 2020 và chủ yếu tập trung vào các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch nằm trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của Tp.HCM.

Người dân khấp khởi, nửa mừng nửa lo

PV báo Tuổi Trẻ mới đây đã tìm đến nơi sinh sống của hàng ngàn gia đình thuộc diện giải tỏa trên dòng kênh Đôi. Đó là những căn nhà tạm bợ và đều không có giấy tờ pháp lý.

Trong căn nhà tình thương chỉ rộng 23m2 cũ kỹ, cả gia đình anh Nguyễn Minh Trí (39 tuổi) gồm 7 người chen chúc sống. Cũng giống như những hộ gia đình khác ở đường Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8), phía sau của ngôi nhà hướng ra dòng kênh Đôi. Một góc nhỏ de ra phía kênh của căn nhà được quây kín thành nhà tắm. Trên nền nhà có một lỗ vuông để mọi người vệ sinh thẳng xuống dòng kênh.

Trong trí nhớ của bà Ô, mẹ anh Trí (74 tuổi), gia đình bà đã dọn về sinh sống trong ngôi nhà này từ trước năm 1975, và cứ ở vậy cho đến nay.

Anh Trí cho biết: "Nếu đi khỏi đây thì chưa biết kiếm chỗ nào ở. Nhà diện tích như vầy, giấy tờ không có, dạt về tới Cần Giuộc cũng chưa chắc mua nổi tấc đất cắm dùi!".

Khi PV giải thích về việc gia đình anh có thể thuê, thuê mua, mua trả góp nhà ở xã hội như chủ trương mà thành phố sẽ triển khai, anh Trí nói nếu được như vậy thì anh rất mừng.

nhà trên kênh Đôi
7 người hộ gia đình anh Nguyễn Minh Trí (39 tuổi) sống chen chúc trong căn nhà 23m2 trên
dòng kênh Đôi ở đường Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8). Ảnh: Tiến Long.

Gia đình anh Trí còn may mắn hơn nhiều gia đình gần đó khi thậm chí còn không có lấy một tấc đất. Toàn bộ căn nhà của họ đều nằm trên mặt nước, dùng các tấm ván gỗ để neo tạm vào bờ.

Trong số đó, hộ nhà ông Nguyễn Văn Khanh gồm 9 người đã sinh sống suốt 20 năm nay trong căn nhà chỉ rộng chưa tới 15m2. Theo như lời kể của ông, trước đây ngôi nhà chỉ rộng chừng 10m2, sau này, do hai người con gái lấy chồng không có chỗ ở phải về cả đây nên ông đã cơi nới thêm 5m2 nữa.

Để có chỗ cho cả nhà 9 con người, ông Khanh lấy ván ngăn thêm một phòng, tạo thêm một gác nhỏ xíu ở phía trên cái chuồng nuôi mấy con gà... Ông Năm cho biết, nước dùng trong nhà xin dẫn từ đường ống vô, điện thì câu lại. Cứ như vậy gần chục con người sống tạm bợ quà ngày, ngồi trên sàn có thể nhìn rõ nước con kênh Đôi lững lờ trôi.

Khi bàn về chuyện tái định cư, ông Khanh cũng thổ lộ, nếu Nhà nước yêu cầu, gia đình ông luôn sẵn sàng di dời, nhưng ông cũng không khỏi băn khoăn: "Cả nhà giờ làm nhiều khi không đủ ăn tiêu, nếu Nhà nước hỗ trợ cho thuê, thuê mua hoặc vay ngân hàng để mua nhà tái định cư thì gia đình cũng chưa chắc với nổi".

Những người dân đang sống trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) cũng đang rất lo lắng về chỗ ở sau khi di dời. Hộ ông Cao Minh Đạt (khu phố 1, phường 3, quận 4) trước đó được UBND quận 4 gửi quyết định thu hồi đất kèm một tờ giấy lấy ý kiến muốn ở chung cư hay nhận tiền. Ông Đạt đã đến nhiều nơi hỏi mua đất, nhưng chỗ nào cũng mấy tỉ, trong khi gia đình có ki cóp cả đời cũng chỉ được vài trăm triệu.

"Cho nên sự trợ giúp của Nhà nước bố trí một nơi ở ổn định là điều chúng tôi rất mong mỏi" - ông Đạt nói.

giải tỏa nhà trên kênh rạch
Sắp tới, Tp.HCM sẽ giải tỏa những căn nhà lụp xụp lấn chiếm kênh Tẻ và đưa người dân về tái
định cư tại chỗ trong những chung cư đã được xây dựng. Ảnh: Hữu Khoa

Sẽ đủ nhà cho dân

Trao đổi với PV báo Tuổi Trẻ về định hướng bố trí chỗ ở cho tất cả người dân tái định cư, ông Phan Trường Sơn - trưởng phòng phát triển nhà, Sở Xây dựng Tp.HCM - cho biết chính sách hiện nay khi di dời Nhà nước sẽ bồi thường theo giá thị trường để người dân tự lo nơi ở mới.

"Nếu nhà ở của doanh nghiệp xây không đủ nhu cầu thì Nhà nước sẽ đầu tư thêm một phần quỹ nhà để cho người dân thuê."

Ông Phan Trường Sơn (Sở Xây dựng Tp.HCM)

Tuy nhiên, theo chủ trương mới mà Tp.HCM vừa ban hành thì những người dân không đủ tiền để mua nhà ở thương mại hoặc không đủ điều kiện bồi thường và không còn nơi nào khác để ở sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhà ở xã hội.

Cụ thể, thành phố sẽ bố trí 10.000 căn nhà ở xã hội để tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về chỗ ở, chủ yếu tập trung tại các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch nằm trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của Tp.HCM.

Các hộ dân có thể được hỗ trợ theo hình thức ưu tiên thuê, thuê mua hoặc mua các căn hộ này.

"Số lượng nhà ở này phần lớn do doanh nghiệp xây dựng. Việc bố trí chỗ ở cho người dân được thực hiện theo quy định về nhà ở xã hội. Nếu nhà ở của doanh nghiệp xây không đủ nhu cầu thì Nhà nước sẽ đầu tư thêm một phần quỹ nhà để cho người dân thuê", ông Sơn cho biết.

Sở Xây dựng cũng cho biết, thành phố còn một nguồn nhà ở khác để đáp ứng là những căn hộ tái định cư đã xây dựng cho nhiều dự án trước đây nhưng chưa sử dụng hết.

Theo đó, nguồn nhà phục vụ tái định cư hiện nay có 4.719 căn và 3.039 nền. Hiện tại thành phố có tất cả 19 dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư giai đoạn 2018-2020, với tổng cộng 10.642 căn.

Đảm bảo công bằng, đẩy nhanh dự án

Thời gian trước, dù nằm trong diện được bồi thường nhưng nhiều hộ dân không đủ điều kiện hoặc gặp nhiều khó khăn khi tạo lập nơi ở mới. Khi đó, có không ít hộ chọn cách bám trụ để đòi hỏi số tiền bồi thường lớn hơn, khiến tiến độ di dời, triển khai dự án bị ảnh hưởng.

Không ít hộ khác đành phải dạt ra những vùng ven, tìm mua những lô đất không có giấy tờ để xây dựng chỗ ở tạm bợ, hình thành nên những "khu ổ chuột" mới, gây những hệ lụy cho công tác quản lý đô thị, an ninh trật tự.

Do đó, nếu Tp.HCM có chủ trương hỗ trợ về nhà ở thì sắp tới đây khi triển khai các dự án, nhất là các dự án giải tỏa người dân ven và trên kênh rạch, sẽ tìm được sự đồng thuận cao hơn từ người dân, giúp việc di dời thuận lợi hơn.

Hơn nữa đây cũng là chính sách giúp thực hiện tốt hơn nguyên tắc đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn cho người dân sau khi di dời khỏi nơi ở cũ.

TS Dư Phước Tân (trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo