Trung Quốc đẩy công nghệ sản xuất thép lỗi thời sang Đông Nam Á

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Trung Quốc đẩy công nghệ sản xuất thép lỗi thời sang Đông Nam Á

  • 13/08/2020
  • 161

Với mục tiêu loại bỏ 140 triệu tấn thép dư thừa, bắt đầu từ tháng 6/2017, Trung Quốc chính thức cấm sử dụng IF để luyện thép. Việc cấm IF còn giúp nước này giải quyết tình trạng dư cung đã diễn ra nhiều năm liên tiếp. Tuy nhiên, thay vì hủy bỏ, các nhà máy đã tìm cách bán IF sang các nước để kiếm lợi với các thiết bị hầu hết đã qua sử dụng.

Một thương lái ở TP. Đường Sơn tiết lộ, luôn sẵn sàng mua và bán lại IF với công suất đạt khoảng 0,25 - 60 tấn cho tất cả các đối tượng có nhu cầu. “Thậm chí, tôi có thể giao hàng cho đối tác nước ngoài miễn là quốc gia của họ cho phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng”.

Còn theo một thương lái khác ở Đường Sơn, sau khi bị cấm ở Trung Quốc, nhiều thiết bị IF đã được vận chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á, tiêu biểu là Indonesia và Campuchia. Khi xuất khẩu, IF được chia nhỏ thành các bộ phận và chỉ được lắp ráp hoàn thiện ở điểm đến cuối cùng.

Trên thực tế, Philippines và Indonesia là hai nước đang bùng nổ công nghệ IF. Philippines và Indonesia có lượng nhập khẩu thép lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nên không lạ khi hai nước này trở thành điểm đến của các nhà máy sử dụng IF.

Sản xuất thép theo công nghệ IF
Sản xuất thép theo công nghệ IF của Trung Quốc đã lỗi thời và đang được đẩy
sang các nước Đông Nam Á. Ảnh minh họa: Reuters

Ông Roberto Cola, Chủ tịch Viện Sắt thép Philippines, cho biết thị trường thép thanh tại Philipines đang bị tấn công bởi các nhà sản xuất sử dụng IF. Việc sản xuất bằng công nghệ này tạo ra sản phẩm rẻ hơn 20% so với thép được sản xuất bằng lò hồ quang điện.

Trước tình trạng IF xâm chiếm thị trường, một số hãng sản xuất thép lớn của Philippines và Indonesia cáo buộc rằng thép được sản xuất bằng IF không đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và sẽ là rủi ro lớn với hai nước vốn thường xuyên có động đất và bão này.

So với lò hồ quang điện, quá trình luyện thép của IF gần như không thể loại bỏ các tạp chất trong thép khiến chất lượng sản phẩm không đồng nhất. Các hãng thép nội địa cho rằng, phần lớn thép xây dựng ở Philippines và Indonesia đều sản xuất từ IF nên khó đảm bảo được tính an toàn.

Tại Indonesia, để giảm chi phí sản xuất, các nhà máy thép vẫn không ngừng nhập khẩu các thiết bị IF. Ông Silmy Karim, Chủ tịch Hiệp hội Sắt thép Indonesia cho biết: “Indonesia là nơi xảy ra động đất với tần suất lớn nên chúng tôi phải đặc biệt cảnh giác. IF phải bị cấm”.

Nhiều doanh nghiệp thép cũng đã đề nghị chính phủ phải ra lệnh cấm với IF. Trước sức ép của các doanh nghiệp, Philippines đã buộc phải đóng cửa một số nhà máy thép sử dụng IF vì vi phạm luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Môi trường Benny Antipordauy, nếu đảm bảo tuân thủ luật, thì những nhà máy này vẫn có thể tái vận hành.

Hồi đầu năm nay, Hội đồng Sắt thép ASEAN cũng ban bố lời kêu gọi chính phủ các nước thành viên không cho nhập khẩu IF của Trung Quốc để luyện thép. Cùng với đó, Hội đồng cũng cảnh báo rằng khu vực ASEAN hiện đang trở thành địa điểm tập kết các thiết bị đã lỗi thời của Trung Quốc.

Philippines tỏ ra khá quyết liệt khi mở cuộc điều tra về hoạt động nhập khẩu IF từ Trung Quốc. Theo dự kiến, đến quý I/2019 nước này sẽ hoàn thành điều tra. Ông Cola cho biết, cách đây 2 năm, tổng công suất IF tại Philippines là 150.000 - 200.000 tấn nay đã tăng lên 400.000 - 500.000 tấn. Tại Indonesia, ông Karim xác nhận có tới 30 - 40% nhà sản xuất thép thanh nội địa hiện đang sử dụng IF.

Còn tại Việt Nam, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định chưa có hiện tượng nhập khẩu IF từ Trung Quốc vào trong nước. Chính phủ Việt Nam cũng không cho phép các doanh nghiệp đầu tư mới các dự án thép IF. Thái Lan cũng là nước trong khu vực khẳng định không có dự án IF nào mới vì thị trường thép thanh đang rơi vào tình trạng dư cung. Thôn tin này được xác nhận bởi ông Wikrom Vajragupta, Chủ tịch Câu lạc bộ Sắt thép Thái Lan.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo