Từ vụ thu hồi đất ở Hải Phòng: Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Từ vụ thu hồi đất ở Hải Phòng: Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai

  • 25/10/2020
  • 105
Vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) có thể xem là trường hợp điển hình cho thấy cần có cách tiếp cận mới về đất đai, khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai 2003...

Từ vụ thu hồi đất ở Hải Phòng: Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai | ảnh 1
Xe ủi có mặt trong vụ cưỡng chế thu hồi đất, san phẳng căn nhà 2 tầng của ông Vươn tại khu đầm tôm. Ảnh: T.L

Thu hồi đất tùy tiện, tiềm ẩn bất ổn xã hội

Luật sư Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng hải từng liệt kê bảy cái nhất kinh khủng trong lĩnh vực đất đai. Đó là: Lãng phí tài nguyên, công của nhiều nhất; lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhiều nhất; giao dịch phi pháp, mập mờ nhiều nhất; kiện cáo nhức nhối, phức tạp nhiều nhất; hậu quả ngang trái, oan sai nhiều nhất; khuyến khích bội tín, lật lọng nhiều nhất; chống lại tử tế, lương thiện nhiều nhất.

Chúng ta muốn kiểm soát toàn diện về đất đai từ quy hoạch, cấp đất, sử dụng đất, thu hồi đất đến giá cả thị trường và quyền kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy hoạch phải sửa đổi thường xuyên, cấp đất tràn lan, thu hồi đất không bồi thường thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện...

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sĩ Liêm đã chỉ ra sự "vênh” giữa Hiến pháp và Luật Đất đai. Điều 23 Hiến pháp 1992 quy định "trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”, trong khi Điều 38 Luật Đất đai ngoài quy định đó còn bổ sung thêm "lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”!

"Tôi chưa thấy một quốc gia nào đưa phát triển kinh tế vào mục đích thu hồi đất. Dù rằng Điều 40 Luật Đất đai xác định mục đích phát triển kinh tế chỉ là "xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ” thì vẫn là không nên. Người dân có quyền hỏi: Thế thu hồi đất nông nghiệp để cấp cho dự án sân golf thì vì mục đích cao cả nào vậy?”- TS Liêm nói.

Và dù lợi ích quốc gia hay lợi ích công cộng, cần phải được hiểu là cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, vì mở rộng tràn lan phạm vi thu hồi đất ra quá tầm kiểm soát, vì chính sách "xin cho” và cơ chế đặc quyền đặc lợi - chỉ có Chủ tịch tỉnh mới có quyền cấp phép dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất - nên không có gì lạ khi thu hồi đất đã trở thành tiêu điểm của phần lớn bất ổn xã hội và cũng là "cơ hội vàng” cho một số quan tham. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, GS Đặng Hùng Võ nói rằng, "môi trường để dễ tham nhũng nhất là đất đai và doanh nghiệp nhà nước”.

Âu lo quy định hạn điền

Một vấn đề thời sự hiện nay là hạn điền - thời hạn giao đất 20 năm (theo Luật Đất đai 1993) sẽ đến hạn vào năm 2013. Hội Nông dân Việt Nam đã đề nghị nên sửa Luật Đất đai nâng thời hạn giao đất lên 50-70 năm để người nông dân được giao đất thật sự yên tâm đầu tư lâu dài. Như sau "Vụ Đoàn Văn Vươn” bị cưỡng chế thu hồi đất sau 14 năm, nhiều chủ đầm có chung hoàn cảnh, nhiều năm cố công khẩn hoang lấn biển đành bó tay cầm chừng. Những phí phạm về nhân lực và tài nguyên là không kể xiết. Nhưng lòng dân phẫn nộ, bất an mới là điều đáng sợ hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu giao đất có thời hạn, người dân không thể không lấn cấn, không tập trung hoàn toàn để đầu tư sản xuất, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của thời hạn giao đất. Thêm nữa, khi giao đất có thời hạn nghĩa là quyền của người sử dụng đất phần nào bị hạn chế, khó sản xuất lớn, khó đạt năng suất cao hơn bởi quá trình tích tụ đất đai để sản xuất lớn không chỉ một vài chục năm mà có thể phải qua nhiều thế hệ, do vậy việc giao đất dù với thời hạn 50-70 năm cũng sẽ hạn chế quá trình đó.

Vậy gốc vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng cần sửa Luật Đất đai từ gốc vấn đề sở hữu.

"Sở hữu toàn dân” hay đa sở hữu?

Giữa Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 2003 và Bộ luật Dân sự năm 2005 hiện chưa có sự thống nhất về sở hữu đất đai. Trong khi Hiến pháp và Luật Đất đai xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu toàn dân và thống nhất quản lý thì Bộ luật Dân sự lại xác định đất đai thuộc hình thức sở hữu Nhà nước. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là người đại diện đang tạo ra một kẽ hở vô cùng thuận lợi cho một bộ phận cán bộ công quyền, bởi quyền chuyển mục đích sử dụng đất nằm trong tay chính quyền địa phương. Ở một góc nhìn khác, hiện nay quyền sở hữu đất đai thuộc nhà nước, trong khi quyền sở hữu nhà lại thuộc cá nhân. Sự không thống nhất này dẫn tới nhiều chính sách đất đai, bất động sản không thuận buồm xuôi gió vì mâu thuẫn lợi ích giữa cá nhân và tập thể.

Ông Vũ Mão (nguyên thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992) cho rằng nên trưng cầu ý dân về vấn đề quyền sở hữu đất. Quốc hội khóa VIII (1987-1992) từng thảo luận rất sôi nổi về một số quy định liên quan đến vấn đề đất đai trong dự thảo Hiến pháp 1992. Lúc bấy giờ đã có những ý kiến trong Quốc hội ủng hộ thừa nhận về đất đai có sở hữu toàn dân và hình thức sở hữu khác, nghĩa là "đa sở hữu đất đai”. Đa sở hữu về đất đai nghĩa là cùng lúc tồn tại nhiều hình thức sở hữu, trong đó hai hình thức quan trọng là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân (đối với đất ở và đất nông nghiệp).

Ngoài ra có sở hữu tập thể là sở hữu chung của một cộng đồng dân cư đối với diện tích đất nào đó phục vụ các sinh hoạt chung như đất đai xây dựng đình làng, nhà văn hóa ở khu dân cư... Ngoài đất đai thuộc sở hữu tư nhân và sở hữu chung, còn lại là đất công thuộc sở hữu nhà nước, cụ thể như các công sở, đất quốc phòng, an ninh...

Nhiều chuyên gia am hiểu sâu về vấn đề này nhận định, việc công nhận đa sở hữu đất đai sẽ tạo được động lực cho đầu tư, giảm tham nhũng trong quản lý đất đai, tăng hiệu quả sử dụng đất và tạo điều kiện tốt cho hội nhập kinh tế quốc tế.

Tôn trọng Luật để được tôn trọng

Dù có những thành công nhất định, nhưng hệ thống pháp luật về đất đai của chúng ta đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Đền bù giải tỏa đất đai là một trong những vấn đề nan giải nhất. Nếu hệ thống pháp luật không được hoàn thiện, cách hành xử của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương không đúng pháp luật và không đặt vào vị trí người dân để thấu hiểu, sẽ rất dễ dẫn đến rủi ro. "Vụ Tiên lãng” là một cảnh báo đắt.

Tại kỳ họp cuối tháng 11-2011, nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về sử dụng đất đai, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để sớm trình Quốc hội thời gian tới. Để nhiều người dân bình thường được tham gia vào quá trình xây dựng và thông qua Luật Đất đai đang là một đòi hỏi tất yếu.

(Theo DDK)


Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo