Việc bảo trì, bảo tồn nhà cổ ở Hà Nội còn thiếu minh bạch

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Việc bảo trì, bảo tồn nhà cổ ở Hà Nội còn thiếu minh bạch

  • 23/10/2020
  • 109

Sau vụ việc biệt thự hơn 100 năm tuổi ở số 107 Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội bất ngờ đổ sập vừa qua, những người dân đang sinh sống tại các biệt thự cổ có tuổi thọ tương tự như căn biệt thự 107 luôn sống trong tâm trạng lo sợ, bất an. Trong khi đó, mới đây đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc kiểm định toàn bộ các công trình biệt thự cổ trên địa bàn  là không thể do kinh phí quá lớn.

Các hộ dân tự kiểm tra và sửa chữa

Hiện nay, ngõ 90 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội có khoảng chục hộ dân đang sinh sống tại 3 ngôi biệt thự cổ. Sau vụ việc biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập, nhiều người dân sống tại đây đang rất lo lắng, hoang mang.

Theo anh Thu, một người dân sống tại biệt thự 90B2, từ năm 1954 đến nay 3 thế hệ trong gia đình anh đã sống ở đây. Khoảng 30-40 năm trở lại đây, chưa thấy bất cứ cơ quan hay đơn vị nào đến kiểm tra, sửa chữa hay cải tạo, mà tất cả sự can thiệp vào ngôi nhà này đều do các hộ tự thực hiện.

Anh Thu cho biết, tuổi thọ ngôi nhà này cũng khoảng trên dưới 100 năm, cũng có thể là bằng tuổi với ngôi nhà 107 vừa rồi. Khi đi làm sổ đỏ thì ngôi nhà này được đánh giá là biệt thự hạng 2, theo phân nhóm của nhà 107. Ai sống ở đây cũng lo về sự mất an toàn, tuy nhiên để đánh giá, thẩm định tình trạng cụ thể của biệt thự phải có các cơ quan chức năng, do người dân không có đủ chuyên môn cũng như phương tiện kỹ thuật.

Gần ngay đó là ngôi biệt thự 90B1 hiện đang có 3 hộ sinh sống. Qua quan sát có thể thấy, nhiều bức tường bên trong biệt thự bị bong tróc, xuất hiện vết nứt, thấm nước... Bà Bùi Thị Lan sống tại tầng 2 cho hay, chủ nhà ở tầng 1 của ngôi biệt thự đã tự ý đập phá một số trụ và tường để có diện tích làm cửa hàng. Vì thế, từ trước khi vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo xảy ra bà đã rất bất an, lo sợ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lội, từ nhiều năm nay, nhà bà phải chuyển đến nơi khác ở, còn căn nhà tại ngôi biệt thự này chỉ dùng để đồ vì thấy rõ hiện tượng rung. Rạn nứt với rung làm cho gia đình bà rất sợ hãi. Bà Lội rất mong các cơ quan nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho gia đình bà làm lại cho yên tâm.

Hậu quả của việc một nhà nhiều ông chủ

 

Biệt thự cổ
Ngôi biệt thự cổ số 90B1 Trần Hưng Đạo (Hà Nội)

Vụ sập biệt thự 107 Trần Hưng Đạo rõ ràng đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những người dân đang sống tại các biệt thự cổ. Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội  có 1.565 ngôi biệt thự cổ, trong đó có 225 biệt thự thuộc nhóm 1 (đa phần là 1 hộ hoặc 1 cơ quan sở hữu); nhóm 2 gồm 382 biệt thự; nhóm 3 gồm 646 biệt thự; còn lại 312 biệt thự không có giá trị bảo tồn đã xuống cấp hoặc đã được cải tạo và xây dựng thành nhà mới.

Các chuyên gia cho rằng, việc người dân tự ý cơi nới và cải tạo ở các biệt thự cổ là một trong những nguyên nhân làm thay đổi kết cấu công trình và dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sập đổ. Ngoài ra, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong một thời gian dài đã dẫn đến việc mạnh ai nấy sửa và không hề có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.

Nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Thịnh đánh giá, bất cập lớn trong quản lý biệt thự cổ hiện nay là vấn đề sở hữu.

Ông Thịnh cho rằng, trước đây, biệt thự từ thời Pháp thuộc là chỉ có một ông chủ, tuy nhiên bây giờ thì có quá nhiều ông chủ ở trong các biệt thự này. Bởi, một biệt thự sau khi sụp đổ thì chính quyền Hà Nội phải lo di chuyển họ tới 40 căn hộ để tạm cư. Không bao giờ một biệt thự lại cho phép nhồi từng ấy người vào. Vì vậy, thực chất là tất cả các hộ ở biệt thự đã không thực hiện công tác bảo trì công trình, trái lại họ thi nhau phá vỡ toàn bộ kiến trúc, công năng và kết cấu của biệt thự. Toàn bộ việc làm này của nhiều ông chủ đe dọa đến sự an toàn của từng biệt thự. Vấn đề này là bất cập cực kỳ lớn.

Thiếu minh bạch trong bảo trì, bảo tồn

Đáng lưu ý là cách quản lý đối với những biệt thự thuộc danh mục phải bảo tồn, trong đó có biệt thự 107 Trần Hưng Đạo hiện nay đang có nhiều vấn đề phải bàn. Các chuyên gia đánh giá, đối với những biệt thự này thì đơn vị trực tiếp sử dụng có thể theo dõi, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thì không được phép cải tạo hay sửa chữa, bị ràng buộc bởi những thủ tục phức tạp của bảo tồn. Ngược lại, cơ quan quản lý thực hiện bảo tồn biệt thự cổ không can thiệp trực tiếp nhưng lại luôn muốn giữ gìn, bảo vệ  công trình đó. Do đó, việc thiếu minh bạch trong trách nhiệm bảo trì, bảo tồn, duy tu là một thực tế hiện nay.

Ông Hoàng Tú,Trưởng Ban 61/CP, Sở Xây dựng Hà Nội
Ông Hoàng Tú,Trưởng Ban 61/CP,
Sở Xây dựng Hà Nội

Điều này càng thể hiện rõ khi đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho hay, từ năm 2009 đơn vị này đã xin phép UBND TP. Hà Nội cho di dời dân cư ở khu vực nhà biệt thự 107 Trần Hưng Đạo để xây dựng trụ sở, bởi toàn bộ dân cư ở đây đều là tạm cư, điều kiện sống khó khăn, tòa nhà lại cũ và công năng không phù hợp. Nhưng do ngôi biệt thự này nằm trong quy hoạch quản lý nhà biệt thự cổ nên TP. Hà Nội không giải quyết được.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch, tòa nhà này là tiếp quản của thời cũ nên quyền sử dụng tòa biệt thự này giấy tờ không đầy đủ và Tổng Công ty Đường sắt chưa được cấp sổ đỏ khu đất này. Hơn nữa, tòa nhà lại nằm trong danh mục biệt thự bảo tồn nên phải thực hiện theo quy định của Chính phủ. Cơ chế đó thì cũng giống như các tòa công sở và biệt thự khác ở Hà Nội. Như vậy rõ ràng giữa 2 cái là muốn bảo tồn và khai thác, sử dụng công năng cũng như an toàn thì cần ngồi lại với nhau để xem lại sao cho phù hợp.

Trưởng Ban 61/CP, Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Tú cho biết, mặc dù đã được quan tâm từ lâu, song  phải đến năm 2009, TP. Hà Nội mới chính thức thiết lập cơ chế quản lý biệt thự cổ. Vì là công việc mới nên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, hiện nguồn lực để bảo tồn quỹ nhà này rất khó khăn.

Cụ thể, 100% các công trình xây dựng từ trước năm 1954 đều đã xuống cấp theo thời gian, song  việc thực hiện kiểm định, kiểm tra toàn bộ các công trình này là không thể do kinh phí quá lớn. Ví dụ như, nếu kiểm định công trình biệt thự 107 Trần Hưng Đạo thì kinh phí lên tới khoảng 500 triệu đồng. Chính vì vậy, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trực tiếp quản lý và sử dụng biệt thự cổ là rất quan trọng trong việc thông báo với chính quyền sở tại cùng các cơ quan chức năng những dấu hiệu mất an toàn của công trình.

Ông Hoàng Tú khẳng định, cơ quan chức năng chỉ kiểm định đối với những công trình nhà cổ mà bằng trực quan của các chuyên gia nhận thấy mất an toàn, kết cấu có vấn đề. Việc báo phải kèm theo kết quả kiểm định của cơ quan có tư cách pháp nhân chứng minh nhà đó là nhà nguy hiểm thì UBND TP sẽ tạo điều kiện cho họ sửa hoặc chống xuống cấp. Ông cho rằng, Bộ Xây dựng cũng như UBND TP. Hà Nội chắc sẽ có chỉ đạo rà soát, đầu tiên giao cho chủ sở hữu, chủ sử dụng kê tự khai trước. Với trường hợp đặc biệt thì Nhà nước sẽ hỗ trợ để cùng thực hiện, còn những công trình cộng đồng quan tâm thì Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí kiểm định để khắc phục những nguy hiểm có thể xảy ra.

Một điều dễ dàng nhận thấy đó là, để xảy ra vụ sập biệt thự cổ như vừa rồi, trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức sở hữu và sử dụng. Nhưng nếu không minh bạch trong trách nhiệm bảo trì, duy tu, bảo tồn và giải quyết được những lỗ hổng trong việc quản lý hiện nay thì không thể chắc chắn rằng, trong tương lai không có một vụ sập biệt thự cổ khác xảy ra.

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo