Việt Nam cần tính đến động đất khi xây cao ốc

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Việt Nam cần tính đến động đất khi xây cao ốc

  • 10/11/2020
  • 87

Hà Nội có thể xảy ra động đất 6,5 độ richter

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, Hà Nội có thể xảy ra động đất mạnh 6,1 đến 6,5 độ richter, với tâm chấn sâu 15-20km liên quan đến hoạt động của các đứt gãy kiến tạo sông Hồng, sông Chảy. Gần đây, năm 1983, Hà Nội bị ảnh hưởng của dư chấn động đất có cường độ 4,5 richter, tương đương cấp 6. Giữa tháng 5-2008, Hà Nội cũng đã bị ảnh hưởng của dư chấn động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, với cường độ cấp 3.

Theo bản đồ phân vùng nhỏ động đất, khu vực huyện Đông Anh, Từ Liêm, Thủ Lệ, Liễu Giai, Vạn Phúc, Thịnh Hào thuộc khu vực có khả năng động đất cấp 7. Phần Tây Nam thành phố gồm huyện Thanh Trì, Nam huyện Từ Liêm, Nam quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Bắc hồ Tây, Đông Nam huyện Thường Tín có khả năng xảy ra động đất cấp 8. Quận Hoàng Mai (Định Công, Vĩnh Tuy, Thịnh Liệt, Pháp Vân), Bắc Thanh Trì (Văn Điển, Tứ Hiệp) có khả năng xảy ra động đất cấp 8-9...

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, khi xảy ra động đất mạnh, mức thiệt hại nhà cửa ở quận Hoàn Kiếm là cao nhất có xác suất 40%. Nặng nhất được dự báo tập trung tại khu vực Bắc hồ Gươm gồm khu phố cổ, phường Hàng Mã, Đồng Xuân, Hàng Bồ, Hàng Đào, Cửa Đông và phía Đông với hai phường ven đê Phúc Tân, Chương Dương.

Mức độ thiệt hại trung bình tập trung ở phía Tây Nam và phía Nam (phường Cửa Nam, Trần Hưng Đạo) nơi tập trung các loại nhà cũ xây từ thời Pháp thuộc. Còn phía Đông Nam quận Hoàn Kiếm có mức độ thiệt hại nhẹ nhất, có thể do khu vực này có số lượng nhà xây mới cao nhất. Tương tự, thiệt hại về người lớn nhất ở phía Bắc như các phường Hàng Mã, Đồng Xuân... và hai phường ven sông Phúc Tân, Chương Dương. Mức trung bình được ghi nhận ở khu vực Tây Nam như phường Hàng Bông, Cửa Nam, Trần Hưng Đạo. Mức nhẹ nhất ở phía Đông Nam gồm phường Phan Chu Trinh, Hàng Bài, Tràng Tiền...

Trong số các trận động đất xảy ra trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận, điển hình nhất là các trận động đất lịch sử năm 1277, 1278, 1285 và gần đây là Yên Lạc, Vĩnh Phúc năm 1958 và Tân Yên, Bắc Giang năm 1961.

Việt Nam cần tính đến động đất khi xây cao ốc | ảnh 1

 

 

Chịu được động đất cấp 8

Các nhà khoa học cảnh báo, động đất không thể dự đoán trước, đồng thời khả năng thiệt hại cao tập trung tại các khu vực đô thị nơi có mật độ nhà cửa, dân cư sinh sống cao. Ngoài ra, thành phố hiện có gần 1 triệu mét vuông nhà chung cư cũ, hình thành từ những năm 1970-1980, trong đó nhiều nhà lắp ghép tấm lớn. Đa số các khu nhà này thiết kế móng nông, đặt trên nền đất yếu, lún mạnh trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng cầu cống, cấp thoát nước... trước đây cũng không được thiết kế kháng chấn.

Tuy vậy, với các công trình xây dựng gần đây, người dân Hà Nội có thể yên tâm vì đều đã tính tới động đất khi thi công. UBND TP cho biết, để có số liệu phục vụ tính toán kháng chấn cho các công trình, từ năm 1991, các cơ quan liên quan đã nghiên cứu hoàn chỉnh bản đồ phân vùng nhỏ động đất của Hà Nội. Năm 1996, thành phố đã hoàn thành bản đồ tỷ lệ 1/25.000. Cũng từ năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn “Thiết kế công trình chịu động đất”. Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư thực hiện tính toán kháng chấn cho công trình. Tiêu chuẩn này bắt buộc áp dụng. Các cơ quan quản lý trong quá trình thẩm định, đều kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn chịu động đất trong các hồ sơ dự án. Thành phố cũng đã có các biện pháp quản lý chặt chất lượng trong quá trình thi công.

Về khả năng kháng chấn của các tòa nhà ở Hà Nội, ông Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng nói riêng đều phải tuân theo yêu cầu hết sức khắt khe về tính toán tải trọng tác động đặc biệt (động đất, gió bão), nhất là đối với tòa nhà cao tầng vì liên quan đến sự an toàn cho số đông. Ông Trần Chủng giải thích: “Độ an toàn hiện nay của chúng ta đều tính trên 1. Công trình chịu được động đất cấp 7 thì động đất lớn hơn cấp 7 tòa nhà vẫn an toàn. Hà Nội nằm trong vùng động đất nhẹ, một số vị trí có động đất cấp 8 còn lại là động đất cấp 7. Theo tôi, chắc chắn không có chuyện đổ, sập trừ trường hợp động đất trên cấp 8 và có thêm những biến cố hy hữu”.

"Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đang tiếp tục hoàn thành bản đồ phân vùng nhỏ động đất tỷ lệ 1/25.000 trên phạm vi Hà Nội mở rộng, áp dụng những kết quả nghiên cứu về chế ngự dao động cho các công trình xây dựng trên địa bàn và chỉnh sửa cơ sở dữ liệu động đất cho phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn công trình" - Ông Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội, cho biết.

(Theo ANTĐ)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo