Vụ 1 tỷ đồng/m2: Lý do tạm dừng cưỡng chế?

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Vụ 1 tỷ đồng/m2: Lý do tạm dừng cưỡng chế?

  • 27/10/2020
  • 97
Ngay sau đó, dư luận lại bất ngờ với thông tin: "Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội hoãn thi hành lệnh cưỡng chế ". Thực hư xung quanh vụ việc này thế nào? Tại sao đã có lệnh cưỡng chế rồi lại hoãn?

Với khu đất giá đền bù 1 tỷ đồng/m2, một doanh nghiệp làm ăn lành mạnh và tôn trọng thương hiệu của mình nên chấp nhận luật chơi sòng phẳng: đấu giá quyền sử dụng đất tại những nơi đắc địa, như quy định của Chính phủ về quản lý đất đai.

Âm thầm hoán đổi chủ

Tìm hiểu vụ việc "đền bù 1 tỷ đồng/m2 ", cho dự án Trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê ở số nhà 22-24 phố Hàng Bài và 25-27 phố Hai Bà Trưng - quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, mới hiểu vì sao dư luận lại băn khoăn nhiều vậy.

Năm 2004, TP. Hà Nội có quyết định giao hơn 4.000 m2 diện tích lô đất có hai mặt tiền quay ra hai phố lớn Hàng Bài và Hai Bà Trưng, nằm trên địa bàn quận Hoàn kiếm, cho Công ty kinh doanh và xây dựng nhà (thuộc Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội - HANDICO) để xây dựng Trung tâm thương mại cao 7 tầng.

Tuy nhiên, dự án này không được triển khai, mà để " đắp chiếu" suốt 5 năm, nhưng vì những lý do tế nhị nào đó, mà vẫn không bị thu hồi. Mặc dù trong quyết định giao đất năm 2004, TP. Hà Nội đã khẳng định nếu sau 12 tháng dự án không được triển khai thì sẽ thu hồi diện tích đất nói trên.

Đến tháng 5/2009, Hà Nội lại có quyết định giao lại diện tích đất đẹp như mơ này cho Công ty Cổ phần Kinh doanh và xây dựng nhà, tức là vẫn pháp nhân cũ, nhưng nay đã được cổ phần hoá. Tháng 9/2009, một pháp nhân mới được "đẻ ra" từ sự góp vốn của Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà 80%; Công ty TM và du lịch Tân Hoàng Minh góp 14%, cùng với hai cá nhân đóng góp một người 4%, một người 2%.

Vụ 1 tỷ đồng/m2: Lý do tạm dừng cưỡng chế? | ảnh 1
Khu đất 22-24 Hàng Bài với giá đền bù 1 tỷ đồng/m2

Điều đáng nói là, tại pháp nhân mới có tên Công ty cổ phần Thời đại mới T&T này, sau một hồi phù phép, thì số vốn góp của Công ty Kinh doanh và xây dựng nhà chỉ còn 4%; vốn của Tân Hoàng Minh chiếm tới 90%, hai cá nhân còn lại chiếm không đáng kể.

Nếu chỉ đơn thuần là việc thay đổi tỷ lệ góp vốn cổ phần, thì cũng không có gì đáng nói, nếu như pháp nhân mới này không liên quan đến dự án khu đất vàng 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng.

Điều đáng nói là, sau khi thay đổi tỷ lệ góp vốn, thì bỗng nhiên Công ty CP Thời đại mới T&T được nhận chuyển giao dự án xây dựng Trung tâm thương mại tại vị trí đắc địa nói trên, và bắt tay vào thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng. Một điều đáng chú ý nữa là, tại thời điểm này, thì hơn 2/3 của diện tích đất rộng hơn 4.000 m2 này đã được giải toả một cách rất êm thấm. Lý do là vì gần 3.600 m2 đất ở đây thuộc Xí nghiệp nhựa Hà Nội; và vì Dự án lúc đầu được giao cho Công ty kinh doanh và xây dựng nhà vốn là một công ty nhà nước, nên Xí nghiệp nhựa đã rất "ngoan ngoãn" bàn giao. Công ty T&T chỉ còn phải thoả thuận đền bù gần 297 m2 với 17 hộ dân đang sinh sống trong các số nhà này.

Sự việc lẽ ra đã không được biết đến, nếu như hai hộ dân cuối cùng trong lô đất này không phải là những người am hiểu luật pháp và các quy định của thành phố về giải phóng đền bù giải toả.

Và có lẽ cũng sẽ không ai được biết gì về việc một lô đất đẹp có diện tích hơn 4.000 m2 ở ngay giữa Thủ đô, đang thuộc quyền quản lý của nhà nước, bỗng dưng rơi vào tay một công ty tư nhân một cách rất... ngon lành, nếu như những công dân Hà Nội này không có ý thức trách nhiệm trước lẽ công bằng xã hội. May thay, vụ việc đã được dư luận chú ý.

Và mặc dù UBND quận Hoàn kiếm trước đó đã tống đạt quyết định cưỡng chế hai hộ dân này ra khỏi khu đất để bàn giao mặt bằng cho Công ty T&T với hạn chót di chuyển là ngày 18/3; nhưng mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tạm dừng cưỡng chế, yêu cầu làm rõ những "câu hỏi còn uẩn khúc" đằng sau sự vụ đền bù kỷ lục này.

TP. Hà Nội cũng đã giao cho Thanh tra thành phố làm rõ các nội dung như trong đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đất đắc địa: tốt nhất nên đấu giá

Chưa biết việc làm rõ này sẽ đi đến kết luận như thế nào. Cũng chưa biết thái độ của thành phố Hà Nội sẽ ra sao sau khi có kết luận làm rõ của Thanh tra thành phố.

Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhớ rất rõ những vụ lập dự án rất "đình đám" của công ty Tân Hoàng Minh tại địa bàn Hà Nội, mà nổi nhất là vụ định lấy 1/3 diện tích của công viên Thống Nhất để xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí - khách sạn - nhà hàng. Chỉ sau khi dư luận bức xúc, báo chí lên tiếng và lãnh đạo thành phố Hà Nội kiên quyết không phê duyệt, thì dự án mới chịu... tạm dừng.

Cũng có thông tin rằng, cũng chính Tân Hòang Minh đứng sau vụ lập dự án xây dựng tổ hợp Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê ở khu vực chợ 19/12, ngay sát cạnh khách sạn Melia, một di tích chiến tranh nơi thành phố Hà Nội dự định lập một đài tưởng niệm những người dân bị thiệt mạng trong thời kỳ Mỹ ném bom B52 ra Hà Nội. Thông tin này chưa được kiểm chứng.

Nhưng thiết nghĩ, với kinh nghiệm của vụ Công ty CP Kem Tràng Tiền, Công ty Kinh doanh nhà hàng ăn uống Phú Gia, khách sạn Hữu Nghị ...v.v.. cùng với "tiểu sử" hoạt động kinh doanh của Tân Hoàng Minh, thì hẳn lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ biết phải có thái độ ra sao trước vụ việc này.

Một điều cần khẳng định rõ ràng: trong quá trình phát triển, chính quyền cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, cải thiện bộ mặt đô thị bằng những công trình có giá trị. Nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua những hành vi "sàng sê, phù phép", biến tài sản nhà nước (là đất đai) thành tài sản cá nhân một cách dễ dàng.

Một doanh nghiệp làm ăn lành mạnh và tôn trọng thương hiệu của mình cũng không nên làm ăn kiểu khuất tất mà hãy chấp nhận luật chơi sòng phẳng: đấu giá quyền sử dụng đất tại những nơi đắc địa, như quy định của Chính phủ về quản lý đất đai. Có như vậy, mới đảm bảo được lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của công dân trong quá trình phát triển, và bảo vệ được uy tín thương hiệu của mình.

(Theo VEF)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo