Xây dựng trái phép: Phạt 20 triệu đồng vẫn buộc tháo dỡ nhà

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Xây dựng trái phép: Phạt 20 triệu đồng vẫn buộc tháo dỡ nhà

  • 13/11/2020
  • 100
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 126 về phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng do Bộ Xây dựng soạn thảo, dự kiến cuối năm nay sẽ được Chính phủ ban hành, hành vi xây nhà trái phép có thể bị xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

Có người lầm tưởng văn bản sửa đổi phạt cao như vậy thì sau khi nộp phạt, nhà xây trái phép có thể được tồn tại. Đây là nhận định sai hoàn toàn.

Không có chuyện phạt 20 triệu đồng rồi “tha”

Sau khi xây dựng “chui” trót lọt căn nhà trên đất nông nghiệp tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM), ông LVĐ tự đến phường khai báo và mời UBND phường xuống xử phạt mình.

Ông Đ. hồ hởi đến kho bạc nhà nước đóng phạt hơn 500 ngàn đồng cho hai hành vi: xây dựng không phép và xây dựng trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng.

“Có quyết định xử phạt coi như yên tâm. Xử phạt xong là nhà nước sẽ cho hợp thức hóa nhà” - ông Đ. tuyên bố chắc nịch.

Theo ông Đ., nhiều nhà xây dựng không phép, trái phép đã qua truông khi làm thủ tục tồn tại công trình theo Quyết định 39 năm 2004 của Bộ Xây dựng vì chủ nhà có quyết định xử phạt vi phạm.

Không riêng ông Đ., nhiều người có nhà xây dựng trái phép sau ngày 1-7-2007 cũng nghĩ quyết định xử phạt xây dựng của cơ quan chức năng như một bửu bối bảo đảm cho căn nhà được tồn tại.

Không ít người đi mua nhà cũng xem quyết định xử phạt như một giấy tờ mang tính pháp lý bảo đảm căn nhà sẽ được hợp thức hóa.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 126, chủ đầu tư xây dựng sai phép sẽ bị phạt từ năm đến 10 triệu đồng, xây dựng không phép, trái phép sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

Dự thảo cũng nêu rõ: những công trình xây dựng trái phép còn bị xử lý theo Nghị định 180 năm 2007. Theo Nghị định 180, nhà xây không phép, trái phép còn áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải xin giấy phép xây dựng trong một thời hạn nhất định, tháo dỡ... Nếu chủ đầu tư không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ nhà.

Người vi phạm sẽ chùn tay

Nghị định 126 quy định mức phạt tối đa đối với hành vi xây dựng không phép là 200.000 đồng. Các cơ quan chức năng đều cho rằng mức phạt này quá nhẹ nên không có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

Các quận, phường tại TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị nâng cao mức phạt để góp phần giảm số vụ vi phạm xây dựng. Nhiều người hy vọng dự thảo sửa đổi Nghị định 126 đánh vào kinh tế, nâng mức phạt tối đa lên 20 triệu đồng - gấp 100 lần mức phạt tối đa cũ sẽ làm cho người vi phạm phải chùn tay.

Thật vậy, ông Nguyễn Thanh Đạm, một người có nhà xây dựng trái phép tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM), thừa nhận nếu mức phạt cao như vậy thì ông sẽ phải suy nghĩ lại.

Thực tế giá trị căn nhà xây “chui” trên đất nông nghiệp của ông chỉ khoảng 60 triệu đồng. “Đó là tài sản tôi khó khăn lắm mới dành dụm được. Nếu nộp phạt thêm 20 triệu đồng thì tôi phải tính cách khác. Ví dụ như dành tiền đó để mua đất trong dự án hay mua chung cư trả góp chẳng hạn” - ông Đạm nói.

Ông Đinh Văn Thanh - Chánh Thanh tra xây dựng quận 8 cũng cho rằng mức phạt theo dự thảo sẽ khắc phục được chuyện phạt cho có của Nghị định 126. Ông khẳng định: “Số tiền phạt gần bằng nửa giá trị căn nhà thì chủ nhà phải chùn tay trước khi làm liều”.

Ông Phạm Văn Danh - Chánh Thanh tra xây dựng quận Thủ Đức cũng đồng tình: “Đánh vào kinh tế là biện pháp thiết thực buộc người vi phạm chùn tay. Tuy nhiên, mức phạt cao quá thì sẽ khó khả thi, nhất là đối với nhà xây dựng không phép. Về lâu dài mà nói thì đây không phải là biện pháp căn cơ để ngăn chặn triệt để việc xây dựng trái phép”.

Buộc tháo dỡ nghiêm: Số nhà trái phép giảm hơn nửa

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chánh Thanh tra xây dựng quận Bình Tân nhận định chỉ cần thực hiện nghiêm Nghị định 180 về xử lý xây dựng trái phép thì sẽ ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Nghị định 180 cho phép các lực lượng chức năng được đình chỉ xây dựng trong vòng 24 giờ và cưỡng chế tháo bỏ phần xây dựng trong vòng năm ngày kể từ khi phát hiện công trình vi phạm. Nếu cấp thừa hành của các phường thực hiện chặt chẽ thì không một căn nhà nào xây trái phép tồn tại được.

Theo ông Đinh Văn Thanh, từ khi thực hiện Nghị định 180, tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn quận 8 giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng nhà vi phạm xây dựng không còn ồ ạt và tập trung thành điểm nóng như trước đây mà chủ yếu là rải rác trong những hẻm sâu, khuất do thanh tra xây dựng chưa sâu sát hết địa bàn.

Tại quận Thủ Đức - một trong những điểm nóng xây dựng trái phép của TP cũng giảm hơn hai phần ba lượng nhà xây trái phép từ khi thực hiện Nghị định 180.

Ông Thanh đề xuất: “Cho dù nghị định sửa đổi Nghị định 126 có hoàn thiện đến mức nào thì vẫn phải áp dụng kèm Nghị định 180 mới bổ trợ cho nhau được. Cái chính là làm sao tuyên truyền cho người dân hiểu Nghị định 180. Cạnh đó, cần tạo nhiều nguồn thông tin trong nhân dân để kịp thời phát hiện nhà xây trái phép báo cho thanh tra xây dựng xử lý. Có như vậy trật tự xây dựng mới nghiêm được”.

Theo Pháp Luật TP

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo