5 chính sách quản lý nổi bật của thị trường bất động sản 2019

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

5 chính sách quản lý nổi bật của thị trường bất động sản 2019

  • 14/10/2020
  • 89

Dưới đây Batdongsan.com.vn tổng hợp những chính sách quản lý nổi bật ban hành trong năm 2019: 

1. Thanh tra hàng loạt dự án

Năm 2019, chính quyền tại các thành phố lớn và hàng loạt địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh việc rà soát các dự án trên địa bàn. Nhiều dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai đã bị “tuýt còi”. Chẳng hạn, theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM đã phải cung cấp hồ sơ hơn 100 dự án để phục vụ cho công tác thanh tra, trong đó có khu đô thị Thủ Thiêm, các khu đất vàng ở Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lý Thường Kiệt...

Động thái này là một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm trong năm 2019. Giới chuyên gia cho rằng đây là động thái đúng đắn, giúp sàng lọc những chủ đầu tư yếu kém, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển bền vững và nhận định thị trường trong năm tới sẽ có những biến chuyển tích cực hơn.

2. Siết tín dụng vào bất động sản

Một chính sách nổi bật trong năm vừa qua là việc siết tín dụng vào bất động sản khiến dòng vốn cho bất động sản không còn dồi dào như trước, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm nguồn vốn mới.

Cụ thể, từ 1/1/2019, Ngân hàng Nhà nước đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 40% (giảm 5% so với năm 2018), hệ số rủi ro tăng từ 150% lên 200%. Theo lộ trình, đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn sẽ giảm xuống còn 30%. Các ngân hàng cũng siết chặt điều kiện cho vay bất động sản.

Thành phố nhìn từ trên cao có hồ trung tâm, xung quanh là nhiều nhà ở cao tầng và thấp tầng
Tín dụng bất động sản tiếp tục được siết chặt

Việc siết tín dụng bất động sản được nhận định là có thể làm giảm nhịp phát triển của thị trường nhưng cũng sẽ là thời cơ giúp thị trường tái cơ cấu, phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Việc kiểm soát dư nợ, tăng hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản, giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn… đã khiến các doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành trái phiếu để đảm bảo dự án. Tính đến tháng 12/2019, đã có hơn 61.000 tỷ đồng phát hành từ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó 27% là ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng.

3. Hàng loạt tỉnh ra văn bản chấn chỉnh thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản trong năm vừa qua ghi nhận sự lên ngôi của phân khúc đất nền, kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt dự án ma làm nhiễu loạn thị trường. Tính từ đầu năm 2019, không chỉ những thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM mà hàng loạt tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Dương, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã phải ra công văn khẩn để chấn chỉnh tình trạng bát nháo trong hoạt động phân lô, bán nền và kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Chẳng hạn, ngày 19/4, UBND TP. Đà Nẵng đã ra văn bản yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, chấn chỉnh việc một số cò đất dùng chiêu trò, bịa đặt thông tin để tạo sốt đất ảo nhằm trục lợi.

Ngày 13/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ký công văn về việc chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Hay ngày 13/8, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm soát việc một số cá nhân, tổ chức tự phân lô, bán nền, đặt tên dự án, đưa thông tin sai lệch… dẫn đến việc hình thành những khu dân cư tự phát, thiếu hạ tầng...

4. Điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất

Mới đây, nhiều tỉnh thành đã ban hành bảng giá đất mới với mức tăng đến 70%. Khung giá đất mới cũng được Chính phủ điều chỉnh với mức giá cao hơn khung cũ khoảng 20%.

Trước động thái này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc điều chỉnh tăng khung giá đất, bảng giá đất tất yếu sẽ khiến giá nhà đất tăng. Những người có thu nhập thấp và trung bình tại đô thị sẽ khó sở hữu nhà ở hơn.

Ông Châu cho rằng, khung giá đất, bảng giá đất tăng cao sẽ đẩy giá trên thị trường tăng cao, nhất là giá đất những dự án sơ cấp, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư. Giá đất tăng cũng sẽ đẩy giá bán nhà lên cao. Do đó, ông Châu nhận định năm 2020, thị trường sẽ khắc nghiệt hơn và các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

5. Siết tình trạng người nước ngoài núp bóng mua nhà

Một vấn đề khá nóng trong năm vừa qua là tình trạng người Việt Nam đứng tên thay người nước ngoài để mua nhà, thuê đất, nhận chuyển nhượng đất trái pháp luật.

Trong phiên trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội hồi tháng 11/2019, Đại biểu Dương Trung Quốc phản ánh việc cử tri nhiều nơi (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên, TP.HCM...) cho rằng có hiện tượng người nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên mua đất đai, bất động sản. Trong khi đó, pháp luật không cho phép việc này.

Theo đó, Văn phòng Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82 yêu cầu Chính phủ rà soát thực trạng, ban hành chính sách để quản lý, xử lý nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.

Khánh Trang

Link báo gốc: http://thanhnienviet.vn/2020/01/07/5-chinh-sach-quan-ly-noi-bat-cua-thi-truong-bat-dong-san-2019

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo