Dự án nhà được hỗ trợ vay từ gói 30.000 tỷ: Nhu cầu có nhưng khó để mua

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Dự án nhà được hỗ trợ vay từ gói 30.000 tỷ: Nhu cầu có nhưng khó để mua

  • 16/10/2020
  • 96

“Đầu ra” thông thoáng do nhu cầu nhà ở tăng

Theo Bộ Xây dựng, cả nước có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô gần 35.000 căn. Trong đó Hà Nội, Tp.HCM có 26.000 căn tương đương tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm tháng 4/2013, số nhà xin chuyển đổi đã tăng lên khoảng 10.000 căn.

Các dự án nhà ở nằm trong gói hỗ trợ chủ yếu dành cho các đối tượng có thu nhập thấp nên mức giá giao động từ khoảng 500 – 900 triệu đồng/căn hộ, lãi suất hỗ trợ cho vay chỉ 5%/năm, gia hạn thời gian cho vay mua nhà từ 10 đến 15 năm. Không chỉ tiếp cận được với các hộ gia đình trẻ, dự án nhà ở thương mại này còn giúp người lao động có thu nhập thấp có thêm nhiều lựa chọn nhờ tiếp cận được với gói hỗ trợ 30.000 tỷ. Thực tế từ đầu năm đến nay, Tp.HCM đã triển khai được nhiều dự án nhà ở nằm trong diện được hỗ trợ vay từ gói 30.000 tỷ. Bên cạnh dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Tp.HCM là HQC của chủ đầu tư Hoàng Quân, hàng loạt các dự án khác cũng thuộc gói hỗ trợ như Hưng Ngân Garden, Chung cư Thành Mỹ (quận 12), Topaz Garden (quận Tân Phú), Chung cư Linh Trung (quận Thủ Đức)… cũng đang bắt đầu triển khai bán rộng rãi trên thị trường với tín hiệu giao dịch khả quan.
 

Người mua luôn dành sự quan tâm lớn cho các dự án nhà thuộc gói hỗ trợ của chính phủ (Hình: Dự án Hưng Ngân Garden)

Cụ thể như: dự án HQC (quận Bình Chánh) giá bán 600 -700tr/căn đã bán ra hơn 500 căn; Hưng Ngân Garden (640– 880tr/căn) vừa chính thức công bố giá và mở bán vào đầu tháng 4 tiêu thụ gần 200 căn; dự án Thạnh Mỹ bán ra hơn  50% tổng sản phẩm; Topaz Garden (12,8tr/m2), chung cư Linh Trung (12,5tr/m2) đều có lượng khách hàng quan tâm cao.

Theo một công ty môi giới nhà đất, các dự án NƠXH và nhà thương mại dành cho người có thu nhập thấp hiện tại có chất lượng tốt, giá bán cũng linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thị trường, từ đầu năm đến nay rất nhiều khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và muốn mua căn hộ thuộc loại này, đa phần đều là thuộc diện thu nhập trung bình và có nhu cầu nhà ở thực.

Chị Thùy, một khách mua căn hộ Hưng Ngân Garden (quận 12) chia sẻ, "tuy mua nhà ai ai cũng muốn nhìn thấy sản phẩm thật rồi mới xuống tiền, bản thân tôi cũng đắn đo nhiều mới quyết định mua. Các dự án nhà thuộc gói hỗ trợ của chính phủ hiện rất hút khách, người quan tâm cũng nhiều mà số lượng dự án hiện tại thì ít nên dự án nào mình thấy chủ đầu tư làm ăn uy tín, tuân thủ đúng cam kết về tiến độ xây dựng và có nhiều chính sách hậu mãi thì mình yên tâm xuống tiền để mua”. Chị cũng cho biết thêm có nhiều người quen cũng đang tìm hiểu về các thủ tục để mua căn hộ loại này vì diện tích và giá cả hợp lý và được hỗ trợ nhiều từ chính phủ.

Cái khó của người mua khi tiếp cận gói 30.000 tỷ

Theo tính toán của World Bank, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu người trở thành cư dân đô thị, nhu cầu về nhà ở giá rẻ là rất lớn, nguồn cung hiện tại chưa đủ đáp ứng trong khi phân khúc NƠXH và nhà ở dành cho người có thu nhập thấp đang rất được quan tâm. Tiếp cận với gói 30.000 tỷ cũng là cả một vấn đề vì tuy gói hỗ trợ là dành cho người có thu nhập thấp, nhưng hiện tại đối tượng này muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lại không dễ chút nào.

Dù lãi suất giảm và điều kiện cho vay được nới lỏng song người dân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn khó tiếp cận được với vốn vay, trong khi tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lại rất chậm. Thực tế cho thấy, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thời điểm này vẫn chưa nhiều. Trong số các dự án đề xuất vay trong gói 30.000 tỷ, nhiều dự án chưa hoàn tất các thủ tục. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số căn hộ nhà ở xã hội được phê duyệt đến thời điểm này là 13.000 căn, hầu hết mới bắt đầu động thổ, khởi công.

Thật khó để người có thu nhập thấp “tiếp cận” được những căn hộ thế này

Thời gian qua, mặc dù cũng đã có những khách hàng được vay vốn ưu đãi nhưng tỷ lệ lại rất thấp. Nguyên nhân được phân tích mổ xẻ nhiều nhất là khâu thủ tục quá rườm rà, nhiều điều kiện làm khó người mua nhà. Cái cần hiện nay là phải tạo điều kiện để người mua tiếp cận được nguồn vốn. Hiện tại, vấn đề cần phải được giải quyết là những vướng mắc về thủ tục liên quan đến việc cơ quan công chứng không đồng ý công chứng hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai (HTTTL) - căn nhà hình thành từ vốn vay của khách hàng.

Anh Trần Chánh Hiệp, một công chứng viên chia sẻ, các phòng công chứng cũng có cái khó khăn riêng của mình, Bộ luật Dân sự cho phép nhưng Luật Nhà ở lại đòi nhà muốn giao dịch phải có giấy chứng nhận, Luật Công chứng lại yêu cầu tài sản công chứng phải có thật. Do tài sản HTTTL là tài sản chưa có, nếu công chứng sẽ trái các quy định trên, thêm vào đó loại tài sản thế chấp này cũng khó quản lý, dễ phát sinh rủi ro nên các cơ quan công chứng rất khó kiểm soát.

Một nguyên nhân khác khiến gói 30.000 tỷ có tiến độ giải ngân chậm là dù không còn yêu cầu người mua nhà phải chứng minh thu nhập nhưng ngân hàng vẫn bắt người có thu nhập thấp muốn vay tiền phải có ít nhất 20% khoản vay có sẵn mới được vay thêm. Người thu nhập thấp mới phải đi vay, nhưng đi vay lại không được ngân hàng đón nhận vì e ngại nguy cơ nợ xấu phát sinh. Nhiều người cho rằng quy định này đang có biểu hiện thiếu khả thi, đã là người có thu nhập thấp thì khó có thể chứng minh mình có khả năng để ra một phần thu nhập cho nhà ở. Tương tự, thủ tục xác nhận của cấp xã về thực trạng nhà ở cũng còn rất nhiều vấn đề khó khăn, chưa thuận lợi cho người dân đang có nhu cầu.

Chị Trần Thanh Tuyền, chuyên viên kinh doanh của một ngân hàng chia sẻ, “bên nào cũng có cái khó, nếu ngân hàng cứ cho vay với đối tượng được vay là những người có thu nhập thấp, dưới 9 triệu đồng/tháng, tài sản thế chấp là các căn hộ thuộc diện nhà ở được HTTTL, chưa biết khả năng tiêu thụ ra sao, và điều kiện mua bán với nhiều ràng buộc thì khó tránh khỏi nợ xấu”.

Từ những quy định trên hình thành nên một thực tế, người mua nhà khi xét điều kiện để được vay gói hỗ trợ thì khai thu nhập thật là dưới 9 triệu/tháng nhưng khi đi vay ngân hàng thì phải cộng trừ tất cả các khoản, đội con số tài sản hiện có lên để qua cửa ngân hàng.  Hai bên xét duyệt với hai điều kiện khác nhau thì người vay cũng chỉ còn nước khai khác nhau mới mong có vốn.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2013 cả nước hiện có 124 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 78700 căn.  Nhu cầu lớn, mức giá thấp khiến nhà giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn tiếp tục là phân khúc được kỳ vọng phát triển mạnh và giữ vai trò chủ đạo trong năm nay. Điều đó cũng có nghĩa, người thu nhập thấp sẽ có nhiều cơ hội mua được nhà ở. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là phải tạo mọi điều kiện để người mua dễ dàng tiếp cận vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, các cơ quan, các ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đưa ra những chính sách hợp lý nhằm đẩy nhanh quá trình giải ngân, giải tỏa các khúc mắc để tránh tình trạng người dân thiếu niềm tin vào gói tín dụng này.

Phương Uyên

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo