Khu TĐC Cầu Diễn: Cơ quan quản lý cẩu thả, 30 hộ dân ở...nhầm nhà

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Khu TĐC Cầu Diễn: Cơ quan quản lý cẩu thả, 30 hộ dân ở...nhầm nhà

  • 10/11/2020
  • 87

Họ đề đạt nguyện vọng, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm đưa ra phương án để ổn định cuộc sống, song đến nay sự nhầm lẫn hy hữu này chưa được giải quyết.

Đồng loạt làm đơn xin đổi nhà

Tháng 12/2008, gia đình chị Phạm Thúy Hồng mua lại căn hộ 203 nhà B4, khu tái định cư Cầu Diễn. Diện tích căn phòng theo giấy tờ là 66,19m2. Sau khi chuyển đồ đạc về định cư tại đây, gia đình nội ngoại cảm thấy nhà có vẻ hẹp hơn so với diện tích 66,19m2: “Nhà bố mẹ tôi chỉ có 60m2 nhưng trông rộng hơn căn phòng này”. Thắc mắc, chị Hồng hỏi chủ nhà cũ và nhận được câu trả lời: “Có thể diện tích đó bao gồm cả phần hành lang”. Tuy vậy, gia đình chị Hồng vẫn mang băn khoăn này đi hỏi các hộ dân lân cận.

Tìm hiểu kỹ, gia đình chị mới biết rằng, căn phòng mình vừa mua chỉ có diện tích 51,55m2, vốn là diện tích nhà của một gia đình khác. Còn căn hộ có diện tích khớp với giấy tờ chị đang cầm trong tay lại là căn hộ… hàng xóm đang ở. Có sự nhầm lẫn này là do cơ quan quản lý gắn sai biển số nhà.

Khu TĐC Cầu Diễn: Cơ quan quản lý cẩu thả, 30 hộ dân ở...nhầm nhà | ảnh 1
Các hộ dân nhà B4 Khu tái định cư Cầu Diễn phản ánh sự cố nhầm nhà với phóng viên Báo CAND.

Cả tòa nhà B4 khu tái định cư Cầu Diễn chỉ có 36 căn hộ. 30 căn hộ đã nhận quyết định giao nhà của thành phố thì chủ nhân của cả 30 căn hộ đều rơi vào cảnh ở nhầm nhà. Các căn hộ có diện tích khác nhau, từ hơn 50m2 cho đến gần 70m2. Sự nhầm lẫn trong việc gắn biển số nhà đã khiến một nửa căn hộ bị thiếu diện tích và một nửa số căn hộ thừa diện tích so với quyết định mua nhà, có căn hộ chênh lệch diện tích lên tới 16m2.

Ông Vũ Ngọc Chấn ở phòng 306 kể lại: “Chúng tôi chuyển về đây theo diện giải tỏa (các hộ dân thuộc diện giải tỏa ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm), được tổ chức bốc thăm nhận nhà để đảm bảo công bằng. Cuối năm 2006, thành phố tổ chức cho bốc thăm tại hội trường lớn, thể hiện công bằng, minh bạch. Sau khi dọn về ở ổn định được vài tháng, đầu năm 2007 một chủ hộ trên tầng 5 phát hiện căn hộ bị thiếu diện tích nên đã đến hỏi Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Công ty này đối chiếu trên hồ sơ thiết kế thì phát hiện, hiện tượng nhầm nhà hàng loạt ở tòa nhà B4. Ngay sau đó, công ty tổ chức một cuộc họp dân thông báo về việc nhầm nhà ở tòa B4 và bàn cách giải quyết. Bẵng đi một thời gian sau đó, công ty này lại tổ chức cuộc họp thứ hai, nhưng chưa ngã ngũ về cách giải quyết”.

Căn hộ của ông Chấn thuộc diện thừa diện tích, diện tích bốc thăm của gia đình ông là 53m2 nhưng căn hộ ông hiện đang ở là 66,14m2, thừa gần 14m2.

Khu TĐC Cầu Diễn: Cơ quan quản lý cẩu thả, 30 hộ dân ở...nhầm nhà | ảnh 2
“Đơn xin đổi nhà” của hộ dân nhận căn hộ nhỏ hơn so với quyết định mua nhà.

Căn hộ của gia đình ông Đỗ Hữu Đức ở phòng 304 bị thiếu 3m2. Ông Đức cũng bức xúc khi cho biết, theo quy định của thành phố, những nhà có đủ khả năng tài chính thì chi trả một lần là xong, còn nếu không thì được trả tiền mua nhà trong thời gian 10 năm. Nhiều hộ gia đình giống như nhà ông đã trả tiền một lần và nhận được bản thanh lý hợp đồng mua bán nhà. Tuy vậy, hợp đồng thanh lý đã được 5 năm mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.

Một trong những nguyên nhân chưa được cấp giấy là do tình trạng nhầm lẫn dẫn đến thiếu, thừa diện tích căn hộ. Còn một lý do khiến cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu là do Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đưa ra là chưa bàn giao sơ đồ mặt bằng cho cơ quan địa chính của UBND huyện Từ Liêm.

Trước sự nhầm lẫn để lại hậu quả tới tận 5 năm sau vẫn chưa được giải quyết, chưa ai chịu trách nhiệm về sự cố hy hữu này, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng với nội dung “xin đổi nhà”.

Ai chịu trách nhiệm?

Nói về hướng giải quyết sự cố nhầm lẫn căn hộ, các hộ dân thuộc hai diện: thừa diện tích và thiếu diện tích cũng đưa ra các phương án giải quyết khác nhau. Phần đông hộ bị thiếu diện tích đều yêu cầu được nhận lại căn hộ theo đúng diện tích được phân.

Chị Phạm Thúy Hồng nêu ý kiến: “Hiện nay gia đình tôi ở khá chật chội, nguyện vọng của gia đình là được ở rộng hơn, trong khi đó diện tích căn hộ bị thiếu so với giấy tờ là 14,64m2 nên chúng tôi chỉ muốn được đổi lại nhà theo đúng diện tích được phân theo quyết định. Còn nếu không được đổi lại nhà thì chúng tôi phải được đền bù theo giá bán trên thị trường”.

Đại diện số hộ thừa diện tích như gia đình ông Vũ Ngọc Chấn thì cho rằng: “Chúng tôi mua nhà của Nhà nước, việc bốc thăm diễn ra công khai, minh bạch chứ không chọn phòng. Lỗi nhầm lẫn là do đơn vị quản lý nhà chứ không phải do chúng tôi. Nếu đền bù diện tích nhà bằng tiền thì chúng tôi chỉ trả theo mức cao nhất giá bán của Nhà nước cho chúng tôi vào thời điểm mua nhà”.

Mức giá bán nhà của Nhà nước theo ông Chấn là khoảng 4 triệu đồng/m2. Hướng giải quyết này không nhận được sự đồng tình của các hộ dân bị nhận nhà thiếu diện tích. Một số hộ dân thừa diện tích lại đưa ra thông tin, họ đã sửa sang lại căn hộ nên nếu phải đổi lại nhà sẽ không biết tính mức tiền đền bù sửa sang như thế nào. Vậy là, tính đến thời điểm hiện nay, tức là 5 năm sau khi phát hiện sự cố nhầm nhà, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chưa thống nhất được với các hộ dân cách giải quyết dứt điểm.

30 hộ dân bị nhận nhầm nhà, lỗi không phải do họ. Lẽ ra, ngay khi phát hiện sự cố này, các cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết ngay tức khắc, tránh xung đột quyền lợi ngày càng lớn giữa các hộ dân. Thời điểm các hộ dân đầu tiên về nhận nhà cho đến nay, giá bán căn hộ trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần. Nếu trả tiền theo đúng giá thị trường, e rằng một số hộ không có điều kiện. Nhưng nếu trả theo mức giá mua nhà của Nhà nước từ thời điểm cách đây 5 - 6 năm thì các hộ dân thiếu diện tích cũng bị thiệt đơn thiệt kép.

Theo ý kiến của ông Đỗ Hữu Đức, cơ quan quản lý nhà nên có cuộc vận động để người thừa diện tích tự giác trả nhà cho người thiếu diện tích. “Nhà ai về nhà đấy” là cách giải quyết đúng nhất. Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và các cơ quan chức năng phải tích cực giải quyết sự cố nhầm lẫn hy hữu trên để người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ dân. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ trách nhiệm để xảy ra sự nhầm lẫn đáng tiếc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục có bài phản ánh về sự việc trên

(Theo CAND)

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo