Nhà cho người thu nhập thấp: Khó vốn, khó lựa người mua

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Nhà cho người thu nhập thấp: Khó vốn, khó lựa người mua

  • 27/10/2020
  • 93
Mơ ước có một căn hộ để ở của hàng triệu hộ gia đình đang gặp rào cản lớn không chỉ là thiếu đất sạch, nó còn nằm ở nhiều yếu tố cơ bản khác cấu thành nên căn hộ mà ngay chính những người "trong cuộc" cũng lúng túng chưa tìm được tiếng nói chung.

Nhà đầu tư: Khó vốn, “khó” lựa người mua

Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai là một trong số không nhiều đơn vị tiên phong xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Đằng sau tiếng thơm có được bằng công trình cụ thể với hàng ngàn người xếp hàng nộp đơn xin mua nhà, là cả một bài toán mà không phải đơn vị nào cũng có khả năng hóa giải để dựng nên 328 căn hộ tại khu đô thị Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông. Tết vừa rồi đã có nhiều gia đình thu nhập thấp đến ở, tháng 3/2011 sẽ kết thúc dự án, vậy mà chưa một đồng vốn ưu đãi đến tay nhà đầu tư xây dựng - ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai cho biết.

Ông Đa nói thêm, tôi không phàn nàn về chính sách nhưng quả thực huy động vốn trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng. Riêng vốn ưu đãi, Bộ Xây dựng đã họp nhiều lần, bàn thảo với nhiều cơ quan chức năng nhưng chưa chuyển. Để có quỹ nhà bán đó, bên cạnh việc Công ty Vinaconex Xuân Mai có ưu thế là công nghệ bê tông đúc sẵn giảm giá thành nhà, thì còn phải vay tới trên 65% tổng mức đầu tư (khoảng 140 tỷ đồng) vốn thương mại. Giả sử không có lợi thế là công nghệ đúc bê tông, lại phải vay vốn thương mại 100% thì chắc giá nhà bán cho người thu nhập thấp (8,8 triệu đồng/m2) vừa qua đã trượt tiệm cận mức giá của nhà ở thương mại rồi, ông Đa nhấn mạnh. Bù lại, phần hạ tầng tạo nên khu đất sạch xây nhà dành cho người thu nhập thấp tại quận Hà Đông đã làm rất tốt, đẩy nhanh tiến độ công trình.

Vượt qua được rào cản vốn lại vấp phải khó khăn về cơ chế bán nhà bởi số lượng người diện thu nhập thấp đủ điều kiện quá lớn (1.576 trường hợp) trong khi lượng căn hộ bán ra chỉ có 328. Vì vướng mắc nên chủ đầu tư kiến nghị, UBND thành phố Hà Nội phải họp liên ngành và liên tiếp ra hai Văn bản số 8836/UBND-XD và 9322/UBND-XD hướng dẫn cụ thể đối tượng và thứ tự ưu tiên mua nhà mới dán bán.

Để người thu nhập thấp có nhà ở | 1
Đông đảo người có nhu cầu xếp hàng, gắp thăm mua nhà dành cho người thu nhập thấp.

Vướng mắc nữa là quy định tại Quyết định 34/2010 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định việc bán, cho thuê nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không rõ ràng, khiến các chủ đầu tư không hình dung được khu vực đô thị bao hàm những vị trí nào. Các chung cư thuộc các huyện xa trung tâm có thuộc đối tượng điều chỉnh của quyết định này hay không? Đến nay, việc bán 840 căn hộ tại khu đô thị Kiến Hưng, quận Hà Đông lại phải xin ý kiến thành phố Hà Nội. Đây là điều đáng bàn, bởi mỗi lần bán nhà cho người thu nhập thấp ở một đơn nguyên lại phải xin thêm ý kiến bằng văn bản thì thử hỏi đó có phải là thêm thủ tục hành chính?

Không dưới 10,5 triệu đồng/m2 nhà tại Hà Nội

Sau hơn một năm thực hiện, cả nước mới có 37 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp được khởi công, xây dựng trên 750.000m2 sàn với tổng số vốn khoảng 3.600 tỷ đồng. Hiện mới hoàn thành 1.700 căn hộ và đã bán ra thị trường gần 800 căn ở Hà Nội và Đà Nẵng; tình trạng phát triển nhà ở dành cho công nhân các khu công nghiệp cũng không sáng sủa hơn, với 24 dự án được khởi công, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng cho 753m2 sàn, dành cho 125.000 công nhân lao động. Con số này quá khiêm tốn nếu so với hơn 300 doanh nghiệp đăng ký tham gia phát triển nhà trong chương trình và sự nỗ lực khơi thông chính sách của các Bộ, ngành chức năng.

Khách quan nhìn lại, sở dĩ khá đông các doanh nghiệp chưa mặn mà với chương trình này xuất phát từ những vướng mắc không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vượt qua, đó là thiếu đất sạch và nhất là vốn đầu tư. Đặc biệt, nguồn vốn cho vay ưu đãi còn dừng ở mức quá thấp so với nhu cầu. Năm 2010, Bộ Xây dựng đề xuất với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để xem xét, giải quyết cho vay vốn ưu đãi đầu tư 11 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và 32 dự án nhà dành cho người thu nhập thấp, với số vốn cần vay là hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay mới triển khai cho vay được 5 dự án, trong đó chỉ có hai dự án trong danh mục đề xuất với tổng mức cho vay là 700 tỷ đồng, con số quá nhỏ so với nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Nếu vốn vay ưu đãi không được tháo gỡ, thì nguy cơ giá nhà ở dành cho người thu nhập thấp sẽ trượt khỏi mức giá ưu đãi, bởi nhà đầu tư phải tính đúng, tính đủ mọi khoản chi vào trong giá thành của căn hộ, trong đó có lãi suất vay vốn thương mại.

Để giải quyết khâu vốn đầu tư, Bộ Xây dựng vừa qua đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở giống như bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến từ 1 đến 2% tiền lương hàng tháng. Tuy vậy, về tính khả thi thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành bày tỏ: Khó khả thi. Vì lương người thu nhập thấp trung bình dưới 5 triệu/tháng, thì 1-2% lương sẽ chỉ góp được gần 100.000 đồng/tháng. Cả năm mới đóng được trên dưới một triệu đồng, trong khi giá nhà đất khá cao.

Ông Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng việc thành lập quỹ là cần thiết nhưng sẽ gặp những vướng mắc. Muốn thành công phải có những quy định chặt chẽ, làm thí điểm rồi tổng kết. Có hai cách gửi tiền vào quỹ: Một là người lao động trực tiếp nộp quỹ hoặc chủ sử dụng lao động trừ luôn vào lương hàng tháng sau khi được sự đồng ý của người lao động nhưng cũng còn nhiều vướng mắc.

Điều chưa thuyết phục, là gần đây đã thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng khi giá xăng dầu lên thì chẳng thấy quỹ đâu để bình ổn khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt. Ông Tống Văn Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất, trong lúc khó vốn và người thu nhập thấp khó cả khả năng thanh toán, thì nên đẩy mạnh quỹ nhà cho thuê, sau đến thuê mua, ai có điều kiện thì họ sở hữu riêng căn hộ.

(Theo CAND)


Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo