Nhiều dự án vẫn “treo” dây dưa!

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Nhiều dự án vẫn “treo” dây dưa!

  • 25/10/2020
  • 101

Người dân trong vùng quy hoạch dự án mở rộng bến xe 91B (P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều) đang sống trong điều kiện đường sá lầy lội, nhà cửa xuống cấp -Ảnh: TẤN THÁI

Theo quy định, đối với các dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 đã triển khai và có quyết định thu hồi đất, người dân không còn các quyền về sử dụng đất và cũng không được xây dựng mà phải giữ nguyên hiện trạng nhà, đất nhưng được cải tạo chống sập, chống dột... Những người dân sống trong vùng dự án đã có quyết định thu hồi đất thì xem như cuộc sống cũng bị... “treo”. Ngoài ra, theo phản ảnh của người dân, những dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chưa có nhà đầu tư thì việc thực hiện các quyền về sử dụng đất đai cũng rất khó.

Thực tế ở TP Cần Thơ cho thấy người dân trong các vùng bị quy hoạch nhưng dự án triển khai chậm đã gặp phải vô số bức xúc.

Dự án giậm chân tại chỗ

Dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên chức Trường đại học Cần Thơ (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một trong những dự án kéo dài nhiều năm. Dự án này được UBND TP Cần Thơ phê duyệt chi tiết 1/500 vào giữa tháng 5-2003. Một năm sau đó tiến hành thu hồi đất và giải phóng mặt bằng được khoảng 10% trong diện tích 10,7ha, rồi án binh bất động cho đến nay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tâm - đại diện người dân trong vùng dự án, nguyên nhân khiến dự án dây dưa kéo dài là cả nhà đầu tư và người dân không tìm được tiếng nói chung về giá cả đền bù. Ông Tâm nói: “Thời điểm dự án thu hồi đất nông nghiệp được bồi thường 115 triệu đồng/công, trong khi đó giá thị trường 700 triệu đồng, còn hiện nay đã trên 1,5 tỉ đồng. Do giá bồi hoàn quá thấp nên đa số người dân không đồng ý. Sau đó chủ đầu tư cho biết sẽ nâng giá đất lên nhưng mức cụ thể như thế nào vẫn chưa có. Chính vì vậy dự án tắc ngay ở giai đoạn giải phóng mặt bằng”.

Ông Lê Hồng Phát - giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ - cho biết hằng năm Sở Xây dựng có tiến hành rà soát các dự án “treo”, quy hoạch “treo” nhưng chưa thể giải quyết tận gốc được. Theo ông Phát, dự án “treo”, quy hoạch “treo” xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: năng lực của nhà đầu tư kém, người dân trong vùng dự án không hợp tác do không thống nhất được giá đền bù nhà và đất, tính khả thi của đồ án quy hoạch chưa cao...

Không chỉ người dân bức xúc mà cả chủ đầu tư cũng đứng ngồi không yên. “Chúng tôi rất muốn triển khai dự án sớm nhưng không được. Hiện nay nhu cầu về nhà ở của cán bộ nhân viên trong trường rất lớn, chúng tôi nhiều lần hứa sẽ sớm hoàn thành và bố trí nơi ở ổn định để mọi người an tâm công tác. Nhưng thực tế lại không như mong đợi, dự án bị kéo dài lâu quá mà không tiến triển được”- một lãnh đạo Trường đại học Cần Thơ (chủ đầu tư dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên chức Trường đại học Cần Thơ) nói.

Cùng cảnh ngộ, dự án khu dân cư phường Long Hòa (quận Bình Thủy) cũng gặp tình trạng tương tự. Hiện dự án này tiến không được, lùi cũng không xong. Bà Lê Ngọc Bích (người dân bị ảnh hưởng bởi dự án) bức xúc kể: “Hơn năm năm qua nhà của tôi đã mấy lần sửa chữa nhưng chỉ chắp vá chứ không dám cất lại cho tử tế vì đã có quyết định thu hồi đất. Không chỉ nhà cửa xuống cấp mà đường sá đi lại trong khu vực không ai quan tâm sửa chữa. Mỗi khi trời mưa khu vực này lầy lội, nước tù đọng rất ô nhiễm”.

Hàng loạt dự án khác như khu dân cư Cồn Khương, khu dân cư phường Cái Khế, khu dân cư 91B, khu dân cư và chợ An Nghiệp (quận Ninh Kiều), khu tái định cư và nhà ở công nhân (quận Ô Môn), gần mười dự án khu dân cư ở khu đô thị nam sông Cần Thơ (quận Cái Răng)... cũng đang bị kéo dài làm người dân sống trong vùng quy hoạch bức xúc.

Còn nhiều dự án “treo”

Cách đây một năm, thường trực HĐND TP Cần Thơ tổ chức buổi chất vấn Sở Xây dựng về chuyên đề quản lý quy hoạch các dự án đầu tư trên địa bàn. Tại cuộc họp này, ông Lê Hồng Phát - giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ - hứa sẽ tiến hành xóa quy hoạch “treo” hoặc thu hồi chủ trương đầu tư các dự án chậm triển khai, kiên quyết không trình UBND TP các dự án không đủ điều kiện đầu tư. Ông Phát cũng hứa tại khu vực cồn Cái Khế và hai bên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài sẽ điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình hiện tại và chấm dứt dự án “treo” trong tháng 12-2007.

Đến nay quy hoạch chi tiết 1/500 hai bên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài mới được xóa thì TP Cần Thơ vừa “rào” lại bằng quy hoạch chi tiết 1/2.000 nhưng dựa hoàn toàn vào quy hoạch trước đây. Điều đáng nói là 38 dự án mà TP Cần Thơ giao các nhà đầu tư đã hơn sáu năm vẫn chưa thấy động tĩnh. Còn cồn Cái Khế đã được phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500, điều này có nghĩa những người dân sống nơi đây tiếp tục nằm trong vùng quy hoạch, hàng loạt dự án nhà hàng, khách sạn 4 - 5 sao, công trình cao ốc, văn phòng cho thuê cao 20 - 25 tầng được “vẽ” lên nhưng vẫn trong giai đoạn “mô hình”, trên thực tế chưa có dự án nào triển khai.

Bà Trần Thị Kim Một - phó chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - cho biết vấn đề về quy hoạch, quản lý quy hoạch, rà soát, điều chỉnh và xóa quy hoạch “treo” gắn với bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch sẽ được HĐND tiếp tục đề cập. Ngoài ra, HĐND cũng giám sát việc thực hiện “lời hứa” của lãnh đạo Sở Xây dựng đối với quy hoạch chi tiết xây dựng cồn Cái Khế và quy hoạch chi tiết khu đô thị đường Nguyễn Văn Cừ nối dài.

“Thời gian qua việc thực hiện rà soát, điều chỉnh và xóa quy hoạch “treo” còn quá chậm, chưa đạt yêu cầu của người dân đề ra”- bà Một nhận xét.

 

TheoTuổi Trẻ Online

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo