Phân cấp quản lý xây dựng: Không thể có thứ trách nhiệm “của chúng ta”!

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Phân cấp quản lý xây dựng: Không thể có thứ trách nhiệm “của chúng ta”!

  • 31/10/2020
  • 106


Theo Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ: Nơi nào cấp phép xây dựng thì nơi đó phải quản lý và chịu trách nhiệm. Ảnh minh họa: HTD.

Đề xuất “Ai cấp phép người đó chịu trách nhiệm” trong quản lý xây dựng do Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến băn khoăn việc phân định rạch ròi như phương án của Sở Nội vụ thiếu tính khả thi và sẽ đụng đến hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý trật tự xây dựng. Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ, dành cho PV cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Phải chịu trách nhiệm từ A đến Z

* Thưa ông, “chịu trách nhiệm” theo đề xuất của Sở là chịu trách nhiệm về kiểm tra, xử phạt công trình cụ thể hay là chỉ chịu trách nhiệm khi có sự cố, sai sót xảy ra?

- Chịu trách nhiệm ở đây là phải kiểm tra, xử phạt từng công trình cụ thể lẫn khi có sai sót. Quận nào cấp phép thì phòng quản lý đô thị và thanh tra xây dựng quận đó phải biết được giấy phép ấy được thực hiện ra sao. Còn Sở Xây dựng hoặc TP cấp phép thì công trình đó do thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm. Họ không thể nói quản lý không được công trình do mình cấp phép.

* Như vậy có thể hiểu cấp phường được tách hẳn khỏi công việc kiểm tra xây dựng sai phép nếu công trình do quận hay TP cấp giấy phép?

- Đúng! Phường chỉ quản lý tình hình xây dựng không phép. Còn công trình có giấy phép của cấp nào thì cấp đó quản lý và chịu trách nhiệm. Việc phân biệt rõ ai làm gì sẽ xác định được trách nhiệm cụ thể. Do đó, phường chỉ có nhiệm vụ là khi có công trình nào khởi công thì tới hỏi có giấy phép xây dựng không, nếu chủ đầu tư không trình được giấy phép thì phường xử phạt.

* Do đâu mà Sở đề xuất phân định trách nhiệm giữa phường và cơ quan cấp phép như vậy?

- Phân định như vậy là hợp lý mà cũng xác định được trách nhiệm nếu xảy ra buông lỏng. Quản lý xây dựng không phép không được thì phường, xã nơi đó chịu. Công trình xây dựng sai phép mà không biết, cấp quận hoặc Sở Xây dựng phải chịu, tùy thuộc giấy phép ai cấp. Không có thứ trách nhiệm “của chúng ta”, khi xảy ra chuyện thì chỉ qua chỉ lại, không biết ai làm sai, ai phải chịu trách nhiệm.

Giao việc phải dựa vào khả năng

* Nhưng theo Nghị định 180/2007, phường phải là khâu đầu tiên và quan trọng nhất quán xuyến tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn, không phân biệt ai cấp phép hay sai phép, không phép. Kế đến mới là thanh tra xây dựng quận và thanh tra Sở Xây dựng?

- Nguyên tắc giao việc là phải dựa vào khả năng, một việc chỉ một người làm. Cấp xã, phường không đủ chuyên môn nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện xây dựng sai phép nên chỉ giao cho họ quản lý xây dựng không phép. Lực lượng thanh tra xây dựng phường cũng chỉ có vài người. Chỉ riêng xây dựng không phép mà xã, phường quản được thì đã là tốt và cố gắng lắm rồi.

Ở ngoại thành, địa bàn rộng thì chỉ riêng việc này đã khó. Thử hỏi một năm TP này đã xảy ra bao nhiêu vụ xây dựng không phép? Giao cấp xã, phường chịu trách nhiệm chính trong quản lý không phép lẫn sai phép chẳng khác nào bắt một đứa trẻ mang trên vai một trăm ký!

Tôi cho rằng vừa qua, xử phạt phường vì làm lọt một số vụ xây dựng sai phép như ở TP.HCM và Hà Nội là không hợp lý. Chính sách đối với phường không thỏa đáng, không thể thu hút được kỹ sư về làm thanh tra xây dựng nên chỉ có thể sử dụng người cỡ đó, làm được cỡ đó. Giao nhiệm vụ thì phải giao thẩm quyền và công cụ, không có thì lấy gì họ làm.

Đặt lại câu hỏi: Quản cái gì?

* Một số ý kiến lo ngại nếu để cơ quan nào cấp giấy phép nơi đó chịu trách nhiệm thì sẽ xảy ra quá tải, không kịp thời, dẫn tới xây dựng sai phép tràn lan, thưa ông?

- Ai bảo thanh tra xây dựng phải có mặt từng ngày, từng giờ? Có mặt thường xuyên, liên tục chưa chắc đã là một điều hay. Cán bộ thanh tra xây dựng chỉ cần đến lúc công trình làm phần móng để kiểm tra xem có lấn lộ giới hay nhà lân cận không, có lùi đúng giấy phép không và khi công trình hoàn thành thì đến để kiểm tra lại. Chất lượng công trình thì chủ đầu tư đã tự chịu trách nhiệm, còn trong lúc họ đang thi công thì đến kiểm tra liên tục để làm gì?

Ngoài ra, Sở Nội vụ chỉ đề xuất để phân định rõ trách nhiệm, còn cách thực hiện, phối hợp thế nào giữa các cơ quan để làm cho tốt thì đâu có ai can thiệp!

* Thực tế, xây dựng sai phép không chỉ là sai quy hoạch, lấn chiếm hoặc lố tầng cao mà sai thiết kế bên trong cũng là sai phép. Nếu chỉ đến công trường vài lần như ông đề nghị thì cán bộ không thể yên tâm?

- Bởi vậy phải xác định lại quản lý nhà nước trong xây dựng là quản lý cái gì. Không thể nào quản theo kiểu cái bậc cầu thang cũng bị quản lý. Tôi đã từng nói nhiều lần vấn đề này với Sở Xây dựng. Lẽ ra họ phải mạnh dạn và tích cực hơn nữa để đề xuất, tham mưu, sửa đổi những cái vô lý trên. Cái không cần quản lý thì đi quản lý, còn cái cần như hệ thống điện, gây ảnh hưởng lớn tới xung quanh thì lại bỏ qua.

* Xin cảm ơn ông.

Tân Bình: Mỗi công trình, một cán bộ quản lý

“Sau khi quận cấp giấy phép xây dựng thì Phòng Quản lý đô thị sẽ chuyển cho thanh tra xây dựng quận. Mỗi giấy phép tôi làm ngay phiếu phân công cán bộ chịu trách nhiệm quản lý công trình đó. Phiếu này làm căn cứ để xác định trách nhiệm cụ thể nếu có sai phạm xảy ra. Do đó, khi có chuyện thì không thể chỉ qua chỉ lại, cuối cùng không biết ai sai. Trách nhiệm phải là trách nhiệm cá nhân!”. Ông Nguyễn Tuấn, Chánh Thanh tra xây dựng quận Tân Bình, chia sẻ kinh nghiệm như trên.

Ủng hộ đề xuất của Sở Nội vụ, ông Tuấn cho rằng cách phân cấp trách nhiệm kiểm tra không phép thuộc phường, sai phép thuộc cơ quan cấp phép là phù hợp để quản lý trật tự xây dựng cũng như xác định trách nhiệm mỗi cơ quan.

Theo Pháp Luật TP

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo