Thị trường logistics Việt Nam và những thách thức phải đối mặt

thiết kế web btccorp
thiết kế website btccorp
công ty thiết kế web btccorp

Thị trường logistics Việt Nam và những thách thức phải đối mặt

  • 25/10/2020
  • 133

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển không ngừng của hoạt động mua sắm trực tuyến và thị trường thương mại điện tử, nhu cầu hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ, cũng như hệ thống kho xưởng ngày càng tăng lên. Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, logistics vẫn là sân chơi do khối ngoại làm chủ. Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp logistics nội chỉ chiếm 20% thị phần, 80% còn lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều tập đoàn logistics hùng mạnh trên thế giới đã và đang từng bước xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường nước ta như APL, OOCL, Mitsui OSK Line, Maerks Logistics, NYK Logistics… đa phần doanh nghiệp logistics của Việt Nam chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh của doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù Chính phủ chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng cao hơn so với các nước trong khu vực, việc phát triển được một hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ và xuyên suốt vẫn còn hạn chế. Nhiều dự án giao thông vận tải bị chậm tiến độ, mô hình hợp tác công - tư (PPP) chưa đem đến nhiều thành công như mong đợi.

nhà máy logistics
Phối cảnh một nhà máy logistics của Hàn Quốc tại KCN Yên Phong. Ảnh: Viglacera

Bên cạnh công tác quy hoạch, cơ sở vật chất hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực. Nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

So với các nước khác trong khu vực, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, phát triển tại khu vực xa trung tâm. Quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam cả về thời gian và chi phí vẫn cần phải cải tiến đáng kể.

Theo báo cáo “Doing Business 2018” của World Bank, hiện Việt Nam đang mất 105 giờ để xuất khẩu sản phẩm và và 132 giờ để nhập khẩu phụ tùng ô tô, dài hơn 62 giờ đối với xuất khẩu và 54 giờ nhập khẩu nếu so với Singapore. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp.

Việt Nam dù có nhiều cảng biển nước sâu và sân bay trung chuyển thuận lợi, nhưng năng lực vận tải biển còn yếu kém, dẫn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải thuê ngoài để vận chuyển. Như vậy, các doanh nghiệp vừa phải chịu phí trung chuyển, vừa phải trả phí vận tải quốc tế.

Logistics là một phần không thể thiếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường thương mại điện tử. Ngành logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ 15-16%/năm. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Vấn đề hiện tại là Việt Nam cần cải thiện nhanh chóng các điểm nghẽn để tạo đà phát triển tốt hơn cho thị trường.

Phương Uyên

Nguồn: batdongsan.com.vn
zalo